Cá ngừ thua lỗ

Chúng tôi có mặt tại cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa. Vào những ngày này, ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương lần lượt cập cảng sau khoảng 1 tháng vươn khơi. Đây là chuyến biển thứ 2 của ngư dân cập cảng trong vụ đánh bắt cá ngừ năm 2015.
Ông Phan Thanh Vũ, ở phường 6, thuyền trưởng tàu PY 96319TS, một tàu đánh bắt cá ngừ có thâm niên vừa cập cảng cho biết, đánh bắt cá ngừ là nghề truyền thống của ngư dân Phú Yên, nhưng chưa năm nào lại gặp khó như năm nay.
Đang vụ chính nhưng sản lượng thấp, mỗi tàu chỉ đánh bắt được từ 600kg-1 tấn. Trong khi chi phí tăng cao, mỗi tàu hao tổn từ 140-180 triệu đồng/chuyến, giá cả thu mua lại thấp khiến thua lỗ.
“Như tàu tôi có 10 thuyền viên. Chuyến biển đầu năm 2015 đánh bắt khá hơn nhiều tàu khác được 1,5 tấn, thế nhưng do bán giá thấp 120 ngàn đồng/kg, nên sau khi trừ tất cả chi phí tàu tôi không có lãi mấy.
Còn chuyến biển này tàu tôi đi từ ngày 19/2 âm lịch cập cảng vào ngày 20/3, cân được 800kg cá ngừ, bán với giá 130 ngàn đồng/kg, trừ chi phí lỗ gần 40 triệu đồng. Do đánh bắt 2 chuyến biển không có lãi nên đời sống bạn thuyền hiện nay rất khó khăn”, ông Vũ than vãn.
Cùng cảnh ngộ, chủ tàu PY 92305TS của ngư dân Lê Văn Giúp, người cùng phường cũng vừa cập cảng đánh bắt được 15 con cá ngừ, tương đương 6,5 tạ, bán với giá từ 125-130 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lỗ gần 100 triệu đồng.
Gặp chúng tôi, giọng ông Giúp buồn hẳn: “Năm nay dường như luồng cá ngừ thưa hơn mọi năm nên các tàu đánh bắt sản lượng thấp. Tàu tôi đi nhiều ngư trường như Trường Sa, Hoàng Sa… kéo dài 1 tháng 5 ngày, hao tổn gần 180 triệu đồng, nhưng đánh bắt được hơn 6 tạ cá, thu chẳng đủ bù chi.
Sau chuyến biển này tôi dự định vay vốn chuyển nghề sang lưới chuồn như các tàu khác để bạn tàu kiếm sống thôi”.
Đánh bắt cá ngừ thua lỗ nên nhiều tàu đã chuyển sang nghề lưới chuồn. Bởi theo các chủ tàu, so với chuyến đánh bắt cá ngừ kéo dài hơn 1 tháng, đi lưới chuồn chỉ cần khoảng 20 ngày. Nhờ vậy chi phí chuyến biển thấp hơn, chỉ dao động từ 60-70 triệu đồng/chuyến.
"Hiện nay các tàu chuyển hướng làm ăn đều hoạt động có hiệu quả kinh tế rõ rệt. Các tàu sau khi cập cảng bán cá đều tiếp tục vươn khơi bám biển", ông Thuẫn cho biết. |
Mặt khác ngư trường đánh bắt nghề lưới chuồn dồi dào, giá cá chuồn luôn ổn định ở mức từ 19-20 ngàn đồng/kg, ra khơi là có lãi.
Ông Nguyễn Thanh Hiệp, chủ tàu cá PY-96572, một chủ tàu đánh bắt cá ngừ nay chuyển sang nghề lưới chuồn cho biết: “Hiện nay mỗi chuyến biển đi lưới chuồn tàu tôi đánh bắt được từ 9-10 tấn, trừ chi phí tàu lãi khoảng 100 triệu đồng, chia bạn tàu mỗi người từ 8-10 triệu đồng/người.
Nhờ chuyển qua nghề lưới chuồn hơn 2 tháng nay, nên đời sống bạn tàu có thu nhập ổn định hơn”.
Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa) cho biết, đến nay có khoảng 80% trong tổng số 600 tàu cá xa bờ của tỉnh Phú Yên đã chuyển hẳn sang lưới chuồn; 15% số tàu vừa câu cá ngừ vừa lưới chuồn và chỉ 5% số tàu đang tiếp tục bám biển với nghề câu cá ngừ.
Riêng tại phường 6, trong số 180 tàu đánh bắt xa bờ, hiện đã có 120 chiếc chuyển hẳn sang lưới chuồn. Việc ngư dân chuyển hướng làm ăn nhằm đa dạng hóa sản phẩm, ổn định thu nhập, giúp ngư dân yên tâm bám biển đang được tỉnh khuyến khích.
Có thể bạn quan tâm

Đến giờ đã có nhà cao, cửa rộng, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, nhưng ông Nguyễn Xuân Yên (xóm 1, xã Khánh Thành, Yên Khánh, Ninh Bình) vẫn không thể hình dung được sao ngày ấy mình dám nhận đất gần nghĩa trang để làm kinh tế.

Hội nghị tổng kết năm 2013, triển khai kế hoạch năm 2014 và bàn giải pháp tái cơ cấu ngành trồng trọt ở khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) tổ chức ngày 14.1 tại tỉnh Hải Dương.

Mô hình sản xuất trình diễn giống bí lai đỏ Gold star 998 và bí lai xanh Tara 888 ở thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) mang lại cho nông dân nguồn thu nhập khá. Sự thành công này mở ra hướng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giúp nhà nông nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích...

27 tuổi, anh Nguyễn Đình Thiện (tổ 7, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) đang sở hữu gần 60 con trâu, trị giá tiền tỷ.

Tại bãi biền có tên gọi Bạc Hà thuộc thôn Khúc Lũy (xã Điện Minh, huyện Điện Bàn) nông dân đang hối hả thu hoạch bắp nếp. Ông Bùi Văn Long – một người dân địa phương hồ hởi: “Mấy ngày nay vợ chồng tôi cứ quần quật ở ngoài đồng từ sáng sớm đến tối mịt để thu hái bắp nếp cung ứng cho bạn hàng.