Cà Mau: Nuôi Cá Sấu Mắc Nợ

Theo báo cáo của Sở NN- PTNT Cà Mau, hiện tại toàn tỉnh có khoảng hơn 5.000 con cá sấu của hơn 500 hộ dân nuôi đã đến độ tuổi xuất chuồng, nhưng không có nơi để tiêu thụ. Chính việc đồng loạt nuôi cá sấu theo kiểu tự phát, không đăng ký với cơ quan chức năng, không am hiểu khoa học kỹ thuật nuôi… đã đẩy nông dân rơi lâm cảnh nợ nần.
Cá sấu thời “thượng đỉnh”
Hai năm trước, giá cá sấu ở Cà Mau đạt mức kỷ lục, từ 250- 300 ngàn đ/kg, nhưng vẫn không đủ để bán cho thương lái. Nhưng giờ đây hàng trăm chuồng trại được đầu tư đã bị bỏ hoang, hoặc dùng để chứa nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Lượm, người nuôi cá sấu trong ấp Tân Tạo, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước thở dài nói: “Sau hơn 2 năm nuôi, gia đình tôi đã lỗ gần 200 triệu đồng tiền đầu tư chuồng trại, mua con giống, thức ăn… Giờ đây nói đến chuyện tái thiết đàn cá sấu, tôi cũng như nhiều bà con trong ấp... chấp tay vái lạy”.
Theo ông Lượm, do giá cá sấu ở những năm trước cao nên gia đình ông mới đầu tư tiền của vào mô hình làm ăn này, khi đó cá sấu giống rất hiếm, giá lại cao. Trung bình một con giống giá từ 850- 950 ngàn đồng, mà phải lên tận Bạc Liêu, Kiên Giang để mua.
Bà Nguyễn Mỹ Xuyên (vợ ông Lượm) lắc đầu: “Thấy bà con trong xóm ai cũng nuôi cá sấu, vợ chồng tôi cũng quyết định đầu tư vì nghĩ dễ nuôi, ít bệnh mà giá bán lại cao. Khi đó, tôi bán gần 3 lượng vàng để đầu tư xây chuồng trại, mua gần 200 con cá sấu giống. Nhưng chỉ sau gần 1 năm nuôi cá sấu bỗng nhiên chết hàng loạt. Đem từng con chết ra khỏi chuồng mà nước mắt chảy hai hàng”.
Cùng chịu cảnh trắng tay như gia đình ông Lượm, ông Nguyễn Văn Hài ngụ cùng ấp, tâm sự: “Trước năm 2008, tôi có một thời gian đi thu mua cá sấu về bán lại cho thương lái. Thời điểm đó, tìm khắp nơi trong tỉnh không có cá sấu để thu mua, bởi buôn có lời nên rất nhiều thương lái tranh nhau mua. Thấy giá cá sấu đang lên đỉnh, tôi quyết định nuôi để làm giàu nhưng không ngờ bây giờ mắc nợ”.
Theo ông Hài, ban đầu vật nuôi phát triển rất tốt, nhưng khi đạt trọng lượng 8- 10 kg/con thì chán ăn, da sần sùi, nổi mụn rồi chết. Tiếc của, ông chở những con chết lên TP Cà Mau bán lại cho mấy cơ sở thu mua để lấy da, một con bán chỉ được 100 ngàn đồng (không tính trọng lượng).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần người nuôi cá sấu không nắm rõ kỹ thuật nuôi, chuồng trại xây dựng không đúng theo điều kiện sống của cá, thức ăn, nguồn nước đều không đúng tiêu chuẩn…nên gặp thất bại thảm hại từ mô hình này.
Tắc đầu ra
Những người nuôi có đăng ký, vốn lớn, đầu tư xây dựng chuồng trại đạt tiêu chuẩn, nguồn gốc cá sấu rõ ràng thì mới có điều kiện tiêu thụ và có lãi trong thời điểm hiện tại. Bởi, muốn xuất khẩu cá sấu, người nuôi phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, đúng tiêu chuẩn, đúng thế hệ F2 và có hạn ngạch…
Bên cạnh đó cũng có nhiều hộ nuôi thành công, nhưng lại đang gặp khó vì sản phẩm không tiêu thụ được. Nếu giam cá sấu lại chuồng thì tốn thêm tiền thức ăn, còn nếu bán ra thì lỗ vốn. Anh Trần Văn Hân, người nuôi cá sấu đầu tiên ở xã Tân Hưng Đông than vãn: “Đàn cá sấu của gia đình tôi đã đến tuổi xuất chuồng, nhưng nếu bán ở thời điểm này thì lỗ nặng. Nếu để lại thì phải tốn chi phí bình quân gần 200 ngàn đồng/lần cho ăn. Nếu như trước đây 1kg cá sấu có giá vài trăm ngàn đồng thì giờ đây không được nổi 130 ngàn đồng, đã thế còn không có người mua".
Theo Sở NN- PTNT Cà Mau, phần lớn người dân nuôi cá sấu nước ngọt trogn tỉnh đều xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Do giá cá sấu ở những năm trước rất cao nên người dân đồng loạt nuôi theo kiểu tự phát, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên đến giờ rất khó bán. Mặc khác các hộ do không đăng ký với cơ quan chức năng nên không thể vận chuyển đi nơi khác để bán. Điều quan trọng là, việc xuất khẩu chui bằng con đường tiểu ngạch bị siết chặt nên giá cá sấu ngày càng giảm.
Có thể bạn quan tâm

Nước mắt của những người trồng cao su chưa kịp khô sau các cơn bão số 10, số 11 thì bão Haiyan lại tiếp tục khiến họ thót tim. Nỗi lo, nước mắt, chuyện tái nghèo… sẽ còn kéo dài nếu người dân cứ mãi đánh cược với “vàng trắng” trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) có hơn 1.450 ha ca cao trồng xen trong vườn dừa, tập trung nhiều nhất tại các xã Xuân Đông, Hòa Định, Bình Ninh và An Thạnh Thủy. Hiện nay, hầu hết các xã có vườn ca cao đều xuất hiện đàn sóc hoang dã gây hại.

Hiện nay, nông dân canh tác vườn các xã trên địa bàn huyện Tịnh Biên (An Giang) đang thu hoạch xoài sớm, với mức giá bình quân 8.000 đồng/kg. Ông Đinh Văn Được, nông dân xã An Cư, cho biết: “Giá xoài năm nay không cao hơn cùng kỳ, nhưng người trồng cũng có lời từ 2 triệu - 3 triệu đồng/công. Xoài đầu mùa thường có giá cao, khi vào vụ thu hoạch rộ thì giá giảm nhưng vẫn mang lại lợi nhuận”.

Không như những năm trước đây người dân chỉ trồng dưa để phục vụ cho Tết Nguyên đán, hiện nay rất nhiều nông dân trên địa bàn huyện Định Quán (Đồng Nai) đã tiến hành xuống giống dưa để chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết Dương lịch 2014.

Với chất lượng ngon, ngọt nên xoài cát Hòa Lộc là một trong những loại trái cây được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, “điệp khúc trúng mùa, rớt giá” vẫn thường xuyên xảy ra. Chính vì vậy, một số nhà vườn ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xử lý xoài ra hoa rải vụ nhằm bán được giá cao.