Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cà Mau Hướng Đến Nuôi Thuỷ Sản Bền Vững

Cà Mau Hướng Đến Nuôi Thuỷ Sản Bền Vững
Ngày đăng: 13/08/2014

Cà Mau là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL, là trung tâm lớn về nuôi trồng và khai thác, chế biến thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm với diện tích trên 266.000 ha (40% so cả nước).

Tuy nhiên, thời gian qua, ngành kinh tế mũi nhọn này phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Nhận định được tình hình, Cà Mau đang quyết liệt khắc phục những tồn tại đã qua và hướng đến sự bền vững trong nuôi thuỷ sản.

Toàn tỉnh hiện có 32 công ty và 41 nhà máy chế biến, trong đó có 33 nhà máy chế biến tôm, 4 nhà máy bột cá, 2 nhà máy chế biến chả cá, 2 nhà máy chế biến đầu vỏ tôm. Có 876 cơ sở sản xuất giống và 223 cơ sở kinh doanh giống. Năng lực sản xuất hằng năm đạt khoảng 8-9 tỷ con giống tôm sú, đáp ứng khoảng 40% lượng tôm giống thả nuôi trong tỉnh. Số tôm giống còn lại được nhập từ các tỉnh khoảng 10-11 tỷ con tôm sú và khoảng 3 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng.

Tiềm năng còn lớn, thách thức nhiều

Cùng với phong trào nuôi tôm, từ sau chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mạng lưới dịch vụ cũng phát triển mạnh mẽ. Ðến nay tỉnh Cà Mau có gần 200 cơ sở dịch vụ thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản với hơn 800 cơ sở thu mua tôm gắn kết giữa nhà máy chế biến với vùng nuôi.

Thời gian qua, công tác khuyến ngư luôn được quan tâm, hệ thống khuyến ngư cơ sở đã hình thành đến tất cả các xã, với một lực lượng cán bộ được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm.

Công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân luôn được tăng cường, thực hiện từ nhiều nguồn chương trình, dự án khác nhau; nội dung, hình thức luôn được đổi mới, bám sát thực tiễn sản xuất, cơ bản đáp ứng nhu cầu. Từ năm 2010 đến nay đã tập huấn cho trên 63.219 lượt người dân tham dự, luỹ kế từ trước đến nay đã có trên 80% người nuôi tôm được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật.

Tỉnh cũng nỗ lực trong việc đầu tư hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất, song vẫn còn rất nhiều bất cập, nhất là thuỷ lợi phục vụ nuôi tôm.

Hệ thống thuỷ lợi đầu tư trước đây chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, khi chuyển dịch sang nuôi tôm không còn phù hợp; quy hoạch hệ thống thuỷ lợi chưa hợp lý, nhiều công trình không phát huy được hiệu quả; kinh phí đầu tư hạn chế. Hiện nhiều vùng nuôi tôm còn rất khó khăn, nhất là khu vực nội đồng không đủ nước cho sản xuất; hầu hết không có hệ thống kinh cấp thoát riêng, ô nhiễm môi trường vùng nuôi luôn ở mức cao, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho sản xuất.

Hệ thống điện lưới được đầu tư khá toàn diện, toàn bộ các trung tâm xã, thị trấn đều có hệ thống mạng lưới điện trung thế; hầu hết các xóm, ấp đều có điện sinh hoạt và sản xuất với hơn 96% tổng số hộ trong tỉnh. Lưới điện đã đưa đến 82/82 xã, đạt 100% số xã có điện.

Hiện chỉ có một số vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung mới được đầu tư lưới điện 3 pha và nâng cấp trạm biến áp để vận hành máy móc thiết bị. Một số vùng có diện tích nuôi tôm công nghiệp phân tán thì chưa đáp ứng được nhu cầu về điện.

Ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, trăn trở: “Trước đây, do nhu cầu của người dân, Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hạ thế điện 3 pha, nhưng khi hạ thế xong thì người dân lại không chuyển đổi với lý do chuyển đổi thiết bị tốn kém chi phí. Việc này vô tình lại gây thêm gánh nặng cho ngành điện, không riêng gì huyện Ðầm Dơi”.

Quyết liệt trong chính sách

Trên cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2020, Chương trình phát triển nuôi tôm công nghiệp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh tiến hành quy hoạch chi tiết nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2020, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sản xuất tôm giống đến năm 2020, quy hoạch các vùng nuôi tôm thâm canh tập trung ở các huyện và TP Cà Mau.

Rà soát điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch thuỷ lợi. Tranh thủ các nguồn vốn tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi và hệ thống điện đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất.

Song song đó là đẩy mạnh xây dựng liên kết trong chuỗi sản xuất (liên kết 4 nhà) để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, giảm dịch bệnh, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Tăng cường đào tạo tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Phấn đấu đến năm 2020 trên 90% người nuôi tôm nắm vững kiến thức kỹ thuật.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi cho biết, đã qua, tỉnh tranh thủ với Tập đoàn Ðiện lực, Tổng Công ty Ðiện lực miền Nam triển khai hạ thế điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp khi tỉnh đã chủ động ứng trước 95 tỷ đồng và thu dần trả lại. Tới đây, sau khi hoàn trả 95 tỷ đồng, tỉnh tiếp tục đầu tư 200 tỷ đồng để phát triển hệ thống điện; tất cả vì mục tiêu quan trọng là đạt chỉ tiêu 10.000 ha nuôi công nghiệp vào năm 2015 và phấn đấu đạt 20.000 ha vào năm 2020.

Về vấn đề bảo hiểm nông nghiệp cho con tôm nuôi, Phó Trưởng Ðoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Trương Minh Hoàng nhìn nhận: Ðã qua, do mới triển khai thí điểm nên công tác này còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhưng đây là một chủ trương đúng đắn và sát thực, vì vậy, trong thời gian tới sẽ kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương tiếp tục triển khai. Ðây là một “trợ lực” quan trọng cho người nuôi tôm Cà Mau.


Có thể bạn quan tâm

Ia Grai (Gia Lai) Đầu Tư Nuôi Cá Nước Ngọt Ở Ia Bă Ia Grai (Gia Lai) Đầu Tư Nuôi Cá Nước Ngọt Ở Ia Bă

Xã Ia Bă từ lâu được xem là mảnh đất có nhiều tiềm năng trong việc nuôi cá nước ngọt theo hình thức quảng canh của huyện Ia Grai. Thời gian gần đây, mô hình này đang được Hội Nông dân địa phương dành nhiều sự quan tâm, nhằm giúp bà con tiếp tục sản xuất hiệu quả, ổn định cuộc sống.

18/12/2014
Nỗi Lo Cạn Nguồn Cua Da Nỗi Lo Cạn Nguồn Cua Da

Cua da to gấp nhiều lần cua thường, hai bên càng có lớp lông như rêu bám. Sau khi lột xác, cua mới đạt kích thước lớn và có mai khá đặc, có con nặng tới 3 lạng. Người dân nơi đây thường đánh bắt bằng lưới bát quái (lưới hình chữ nhật, dài khoảng 5m, rộng khoảng 30cm, ở giữa có các khung sắt đặt cách nhau chừng 40cm để cố định lưới thành đường ống dài).

18/12/2014
Năm 2014 Sản Lượng Thủy Sản Đạt 12.000 Tấn Năm 2014 Sản Lượng Thủy Sản Đạt 12.000 Tấn

Nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) có bước phát triển khá. Với mục tiêu trong năm 2014, huyện phát triển 2.100ha, đến nay toàn huyện có tổng diện tích nuôi thủy sản là 2.165,7ha, đạt 103% so kế hoạch, so năm 2013 tăng 149,7ha.

18/12/2014
Sản Lượng Khai Thác Thủy Sản Toàn Tỉnh Năm 2014 Ước 19.500 Tấn Sản Lượng Khai Thác Thủy Sản Toàn Tỉnh Năm 2014 Ước 19.500 Tấn

Năm 2014, thời tiết thuận lợi cho việc đánh bắt thủy sản nên ngư dân trong tỉnh Quảng Trị đã tích cực bám biển, đặc biệt là tham gia khai thác ở các vùng biển xa nên sản lượng khai thác thủy sản cả năm ước đạt 19.500 tấn, bằng 108,5% kế hoạch, trong đó khai thác biển 18.100 tấn; khai thác sông, đầm, nội đồng khoảng 1.400 tấn.

18/12/2014
Thanh Hóa Liên Kết Theo Chuỗi Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Còn Nhiều Khó Khăn Thanh Hóa Liên Kết Theo Chuỗi Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Còn Nhiều Khó Khăn

Liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng đang là yêu cầu cần thiết để bảo đảm cung ứng ra thị trường sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chú trọng đẩy mạnh phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

18/12/2014