Cà Mau Gieo Sạ Đúng Thời Vụ Giúp Vụ Lúa - Tôm Thành Công

Theo hướng dẫn lịch thời vụ, vụ gieo cấy lúa trên đất nuôi tôm gần kề, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân xả nước mặn, tận dụng nguồn nước mưa để cải tạo đất ngay từ đầu mùa mưa. Độ mặn trong ruộng cần ổn định ở mức dưới 2%o trong thời gian ít nhất 30 ngày trước khi gieo cấy.
Năm nay, theo kế hoạch, toàn tỉnh Cà Mau sẽ gieo cấy 43.700 ha lúa trên đất nuôi tôm ở những nơi có đủ điều kiện về ngăn mặn giữ ngọt, có nguồn nước tưới bổ sung khi cần thiết, tập trung nhiều ở các huyện: Thới Bình, U Minh, một phần diện tích của huyện Trần Văn Thời, Cái Nước và TP Cà Mau.
Thời gian bắt đầu gieo cấy vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, để thu hoạch dứt điểm vào tháng 12 dương lịch. Chọn những giống lúa thích ứng tốt với điều kiện đất nhiễm mặn và phèn như: Một bụi đỏ, Một bụi lùn, OM 2517, OM 2395…
Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Mô hình sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm được đánh giá là bền vững, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, chính vì lợi nhuận trước mắt từ con tôm mang lại nên nông dân thường thả nuôi nối tiếp nhiều vụ/năm, không tuân thủ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tháo xổ nước rửa mặn, phèn triệt để. Từ đó dẫn đến hệ luỵ là đất bị nhiễm mặn, không thể trồng lúa được, tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh dẫn đến tình trạng tôm chết kéo dài”.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh khuyến cáo, nông dân không nên chạy theo con tôm mà phải tuân thủ đúng hướng dẫn lịch thời vụ thả tôm và gieo cấy lúa. Sau vụ tôm, cần phải tập trung rửa mặn triệt để để gieo cấy lại vụ lúa. Cây lúa sẽ hấp thụ các chất hữu cơ tồn dư từ vụ tôm, có tác dụng làm sạch môi trường. Ngược lại, sau vụ lúa, gốc rạ còn lại sẽ là nguồn dinh dưỡng cho các sinh vật phù du phát triển, tạo thức ăn cho tôm.
U Minh là 1 trong 2 huyện trọng điểm trong tỉnh có thế mạnh trong sản xuất lúa - tôm. Năng suất lúa trên đất tôm các năm trước có nhiều nơi đạt trên 5 tấn/ha. Chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Thanh Triều cho biết: “Vụ lúa - tôm đóng vai trò hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện.
Ðối với những vùng đất không gieo sạ được, huyện đang chỉ đạo bà con nông dân tập trung làm cỏ, ban, cuốc bờ vuông, sân, vườn để tiến hành gieo mạ, sẵn sàng gieo cấy trên đất nuôi tôm vào cuối tháng 8 tới. Ðến nay, nông dân gieo được 55 ha mạ trên bờ vuông, sân vườn, bà con đang tiếp tục cải tạo đất để gieo mạ trong những ngày tới.
Nông dân Nguyễn Văn Giới, xã Khánh Hoà, huyện U Minh, cho biết: “Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Cà Mau, năm nay mùa mưa kết thúc sớm so trung bình nhiều năm. Do đó, ngay từ đầu mùa mưa, khi thu hoạch dứt điểm vụ tôm, tôi tập trung tháo rửa mặn để chuẩn bị gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm đúng lịch thời vụ, tránh nước mặn và triều cường vào cuối năm”.
Thời tiết là yếu tố quan trọng quyết định cho sản xuất mô hình lúa - tôm. Nếu thời tiết không thuận lợi, lượng mưa ít thì mô hình lúa - tôm sẽ không hiệu quả.
Theo anh Dương Thanh Bình, nông dân xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, rửa mặn trên mặt ruộng là một khâu rất quan trọng quyết định thành công của mô hình lúa - tôm.
Ðể rửa mặn tốt, cần chủ động bố trí thời vụ nuôi tôm, trồng lúa hợp lý. Bố trí rửa mặn ngay từ đầu mùa mưa đến gần thời điểm gieo sạ lúa vào cuối tháng 8, bảo đảm độ mặn giảm dưới 2 phần ngàn mới tiến hành cấy lúa.
Theo ghi nhận thực tế từ các địa phương, khó khăn đầu tiên của mô hình sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm là thiếu vốn, một số nơi chưa khép kín được tiểu vùng như đã quy hoạch, như Tiểu vùng 17, 18 Nam Cà Mau. Một số nơi sản xuất còn mang tính tự phát, manh mún giữa sản xuất lúa và nuôi tôm. Ðiều này dẫn đến hệ thống thuỷ lợi cùng lúc không đáp ứng được 2 nhu cầu: người nuôi cần nước mặn, người trồng lúa thì cần nước ngọt.
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, không có nguồn nước ngọt tưới bổ sung. Những năm có lượng mưa thấp sản xuất lúa - tôm sẽ không có hiệu quả. Ngược lại, những năm thời tiết thuận lợi, mưa nhiều, mô hình lúa - tôm đạt kết quả.
Ðể giải quyết các khó khăn này, thiết nghĩ ngành nông nghiệp nên rà soát, quy hoạch hợp lý các vùng tôm - lúa để đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc tổ chức sản xuất mô hình tôm - lúa, tăng cường tập huấn kỹ thuật, nhất là về quản lý môi trường nước và phòng trị bệnh trên tôm nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Trong tháng 6/2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) liên tiếp gửi hai công điện về nước đề cập đến quy định mới của Bộ Môi trường và Nước UAE. Đó là từ ngày 01/9/2014, tất cả các lô hàng cá nuôi XK sang UAE phải kèm theo chứng thư có nội dung “Cá nuôi không sử dụng thức ăn có chứa protein của lợn hoặc động vật khác, chỉ được sử dụng protein có nguồn gốc từ biển nhưng không bao gồm protein của cùng loài cá nuôi đó”.

Ông Hồ Văn Nhung vốn là cựu thanh niên xung phong của Nông trường quốc doanh La Ngà. Năm 1983, xuất ngũ về quê nhà ở khu phố 5, phường Đức Long, Phan Thiết, Bình Thuận. Thời điểm đó, cuộc sống gia đình ông gặp muôn vàn khó khăn.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mùa đông 2014 - 2015, toàn tỉnh Lào Cai có 39.000/65.000 hộ chăn nuôi chủ động được nguồn thức ăn cho khoảng 110.000 gia súc, chủ yếu là dự trữ nguồn thức ăn thô và thức ăn tinh.

Đó là mô hình của hộ ông Nguyễn Đình Trung, ở thôn An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn (Bình Định). Ông Trung bắt đầu nuôi chim bồ câu từ lúc mới 16 tuổi, với số lượng 2 - 3 cặp, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình. Đến nay, ông theo nghề nuôi chim bồ câu đã hơn 45 năm.

Theo một số hộ nuôi vịt trên địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai), hiện nay giá vịt đang được các thương lái thu mua ở mức từ 36 – 37 nghìn đồng/kg, giảm từ 23 – 24 nghìn đồng/kg so với cách đây một tháng. Với giá vịt như hiện nay, người chăn nuôi chỉ huề vốn chứ không có lời.