Cà Mau báo động tình trạng bơm nước vào heo trước khi giết mổ

Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Phạm Thế Tài cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, Thanh tra sở phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, cán bộ thú y và chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất tại các hợp tác xã, lò giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn tỉnh Cà Mau, phát hiện 26 vụ với gần 100 con heo bị bơm nước trước khi giết mổ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ðiều đáng lo ngại, các trường hợp vi phạm này xảy ra tại các hợp tác xã, lò giết mổ gia súc tập trung của tỉnh, nơi có lực lượng thú y trực tiếp lăn dấu chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện trước khi đưa ra thị trường để tiêu thụ.
Ðiển hình vụ gần đây nhất, vào lúc 23 giờ ngày 23/7, Ðoàn Kiểm dịch động vật và các sản phẩm động vật, thuộc Thanh tra Sở NN&PTNT phối hợp với Chi cục Thú y và chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất lò giết mổ gia súc của ông Quách Văn Bi, tại thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, phát hiện 10 con heo bị bơm nước trước khi giết mổ và 1 con đang chuẩn bị bơm nước. Khi phát hiện đoàn kiểm tra, những người làm công ở lò giết mổ có biểu hiện quanh co, chống đối, không khai nhận hành vi và không nhận tang vật vi phạm.
Ông Cao Mạnh Hùng, Tổ trưởng Tổ Kiểm dịch động vật và các sản phẩm động vật thuộc Thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, không còn sử dụng dụng cụ bơm thủ công như trước đây mà dùng mô-tơ kết hợp với dụng cụ tự chế bơm cùng lúc hàng chục con heo, với thời gian rất ngắn. Sau khi khớp miệng heo treo lên thành chuồng, họ sẽ thọc ống nhựa tự chế vào bao tử heo rồi đóng điện cho mô-tơ bơm nước đến khi heo căng tròn. Thời gian thực hiện thường vào ban đêm, từ 0 - 2 giờ sáng nên khó phát hiện. Khi lực lượng chức năng kiểm tra thì thường bị chống đối.
Ông Cao Mạnh Hùng thông tin thêm, qua kiểm tra gần như 100% cơ sở kinh doanh đều vi phạm. Tuy nhiên, sau khi bị phát hiện, các chủ kinh doanh áp dụng nhiều hình thức tinh vi hơn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Do mức xử phạt quá nhẹ, theo Khoản c, Ðiều 13, Nghị định 119/2013/NÐ-CP của Chính phủ quy định, mỗi trường hợp bị phát hiện chỉ bị xử phạt 5,5 triệu đồng, tiền phạt không lớn so với lợi nhuận mang lại nên các đối tượng này không sợ và vẫn lén lút làm.
Thông thường 1 con heo có trọng lượng 100kg, nếu không bơm nước, số lượng thịt cho ra sau khi giết mổ khoảng 75 - 80kg, còn bơm nước vào số lượng thịt sẽ tăng lên hơn 90kg. Bằng hình thức này, các chủ cơ sở kinh doanh thu lợi từ 400.000 - 500.000 đồng/con. Thịt của heo bị bơm nước sẽ giảm chất lượng, khó bảo quản, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Chưa kể đến chất lượng nguồn nước dùng để bơm vào thịt heo.
Theo giới kinh doanh heo, hiện thịt bán trên thị trường thời gian gần đây chiếm khoảng 80 - 90% là bơm nước. Tức người tiêu dùng khó có thể mua được thịt heo sạch. Nạn bơm nước vào heo hiện nay có thể nói là phổ biến. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến tình trạng này không giảm là do quy định xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe, công tác tuyên truyền cho người tiêu dùng nhận biết sản phẩm heo bị bơm nước chưa thật sự sâu rộng, hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Phượng, người tiêu dùng ở khóm 3, phường 8, TP Cà Mau, bức xúc kêu gọi những người nội trợ cùng nhau tẩy chay thịt heo bơm nước. Theo chị Phượng, khi người tiêu dùng không tiêu thụ thì những người làm ăn không chân chính sẽ bỏ nghề. Theo kinh nghiệm của chị Phượng, không khó để nhận biết thịt heo bị bơm nước, thịt heo bị bơm nước thường có màu nhạt, miếng thịt mềm, khi chế biến tiết ra nhiều nước.
Thiết nghĩ, không phải người tiêu dùng nào cũng có kinh nghiệm nhận biết được thịt heo bơm nước như chị Phượng để tẩy chay, nên rất cần ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát tại các lò giết mổ. Ðồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích các lò giết mổ và các sạp bán thịt heo không bơm nước.
Có thể bạn quan tâm

Với những thuận lợi về hệ thống đê bao khép kín, kết hợp áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã thúc đẩy nền nông nghiệp ở huyện Vị Thủy đạt cả 3 mặt. Năm 2014, là năm thứ 14 huyện Vị Thủy có sản lượng lúa đạt trên 200.000 tấn/năm.

Là vùng đất thuần nông nhưng diện tích gieo cấy 2 vụ lúa của xã Trực Hùng (Trực Ninh) lại hạn chế (313,37ha). Do vậy xã đã xác định đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích đất canh tác là định hướng trọng tâm phát triển nông nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 07 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVIII về phát triển kinh tế trang trại, gia trại, huyện Vụ Bản chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, gia trại gắn với quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp và quy hoạch xây dựng NTM.

Là xã đồng bằng thuộc huyện Thanh Thủy, Xuân Lộc có lợi thế về phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nắm bắt ưu thế trên, trong những năm qua, Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Xuân Lộc đã không ngừng nỗ lực, phát huy vai trò quản lý, điều hành, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của xã viên, tạo điều kiện để kinh tế tập thể địa phương phát triển.

Theo ngành nông nghiệp, năm qua nông dân toàn tỉnh xuống giống tổng cộng 87.396ha lúa. Do tác động của biến đổi khí hậu nên thời tiết ngày càng cực đoan, rõ nhất là tình trạng nhiễm mặn trên sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Thanh Quýt, Bàn Thạch… diễn ra sớm, nồng độ cao và xâm nhập sâu vào nội địa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước phục vụ sản xuất ở hạ du.