Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cà Mau báo động tình trạng bơm nước vào heo trước khi giết mổ

Cà Mau báo động tình trạng bơm nước vào heo trước khi giết mổ
Ngày đăng: 12/08/2015

Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Phạm Thế Tài cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, Thanh tra sở phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, cán bộ thú y và chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất tại các hợp tác xã, lò giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn tỉnh Cà Mau, phát hiện 26 vụ với gần 100 con heo bị bơm nước trước khi giết mổ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ðiều đáng lo ngại, các trường hợp vi phạm này xảy ra tại các hợp tác xã, lò giết mổ gia súc tập trung của tỉnh, nơi có lực lượng thú y trực tiếp lăn dấu chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện trước khi đưa ra thị trường để tiêu thụ.

Ðiển hình vụ gần đây nhất, vào lúc 23 giờ ngày 23/7, Ðoàn Kiểm dịch động vật và các sản phẩm động vật, thuộc Thanh tra Sở NN&PTNT phối hợp với Chi cục Thú y và chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất lò giết mổ gia súc của ông Quách Văn Bi, tại thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, phát hiện 10 con heo bị bơm nước trước khi giết mổ và 1 con đang chuẩn bị bơm nước. Khi phát hiện đoàn kiểm tra, những người làm công ở lò giết mổ có biểu hiện quanh co, chống đối, không khai nhận hành vi và không nhận tang vật vi phạm.

Ông Cao Mạnh Hùng, Tổ trưởng Tổ Kiểm dịch động vật và các sản phẩm động vật thuộc Thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, không còn sử dụng dụng cụ bơm thủ công như trước đây mà dùng mô-tơ kết hợp với dụng cụ tự chế bơm cùng lúc hàng chục con heo, với thời gian rất ngắn. Sau khi khớp miệng heo treo lên thành chuồng, họ sẽ thọc ống nhựa tự chế vào bao tử heo rồi đóng điện cho mô-tơ bơm nước đến khi heo căng tròn. Thời gian thực hiện thường vào ban đêm, từ 0 - 2 giờ sáng nên khó phát hiện. Khi lực lượng chức năng kiểm tra thì thường bị chống đối.

Ông Cao Mạnh Hùng thông tin thêm, qua kiểm tra gần như 100% cơ sở kinh doanh đều vi phạm. Tuy nhiên, sau khi bị phát hiện, các chủ kinh doanh áp dụng nhiều hình thức tinh vi hơn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Do mức xử phạt quá nhẹ, theo Khoản c, Ðiều 13, Nghị định 119/2013/NÐ-CP của Chính phủ quy định, mỗi trường hợp bị phát hiện chỉ bị xử phạt 5,5 triệu đồng, tiền phạt không lớn so với lợi nhuận mang lại nên các đối tượng này không sợ và vẫn lén lút làm.

Thông thường 1 con heo có trọng lượng 100kg, nếu không bơm nước, số lượng thịt cho ra sau khi giết mổ khoảng 75 - 80kg, còn bơm nước vào số lượng thịt sẽ tăng lên hơn 90kg. Bằng hình thức này, các chủ cơ sở kinh doanh thu lợi từ 400.000 - 500.000 đồng/con. Thịt của heo bị bơm nước sẽ giảm chất lượng, khó bảo quản, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Chưa kể đến chất lượng nguồn nước dùng để bơm vào thịt heo.

Theo giới kinh doanh heo, hiện thịt bán trên thị trường thời gian gần đây chiếm khoảng 80 - 90% là bơm nước. Tức người tiêu dùng khó có thể mua được thịt heo sạch. Nạn bơm nước vào heo hiện nay có thể nói là phổ biến. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến tình trạng này không giảm là do quy định xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe, công tác tuyên truyền cho người tiêu dùng nhận biết sản phẩm heo bị bơm nước chưa thật sự sâu rộng, hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Phượng, người tiêu dùng ở khóm 3, phường 8, TP Cà Mau, bức xúc kêu gọi những người nội trợ cùng nhau tẩy chay thịt heo bơm nước. Theo chị Phượng, khi người tiêu dùng không tiêu thụ thì những người làm ăn không chân chính sẽ bỏ nghề. Theo kinh nghiệm của chị Phượng, không khó để nhận biết thịt heo bị bơm nước, thịt heo bị bơm nước thường có màu nhạt, miếng thịt mềm, khi chế biến tiết ra nhiều nước.

Thiết nghĩ, không phải người tiêu dùng nào cũng có kinh nghiệm nhận biết được thịt heo bơm nước như chị Phượng để tẩy chay, nên rất cần ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát tại các lò giết mổ. Ðồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích các lò giết mổ và các sạp bán thịt heo không bơm nước.


Có thể bạn quan tâm

Mãng Cầu Xiêm Và Khóm Rớt Giá Mạnh Mãng Cầu Xiêm Và Khóm Rớt Giá Mạnh

Tương tự, tại huyện Tân Phước (Tiền Giang) - địa bàn có diện tích khóm lớn nhất ĐBSCL với hơn 14.000ha, giá khóm hiện chỉ dao động ở mức 1.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức giá 3.000 - 3.500 đồng/kg cuối tháng trước, do đang vào thu hoạch vụ chính.

27/06/2014
Lối Đi Nào Cho Công Nghiệp Nông Thôn ? Lối Đi Nào Cho Công Nghiệp Nông Thôn ?

Với xuất phát điểm thấp, các ngành nghề công nghiệp nông thôn (CNNT) tỉnh Hậu Giang còn lạc hậu so với các địa phương khác. Cả tỉnh có trên 4.224 cơ sở CNNT, nhưng đa số hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết trong sản xuất - tiêu thụ. Do vậy, công nghiệp nông thôn vẫn loay hoay chưa tìm ra chỗ đứng.

28/11/2014
Thêm Những Mùa Vàng Thêm Những Mùa Vàng

Trong sản xuất nông nghiệp, ông cha ta vẫn truyền nhau kinh nghiệm: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" đó là những điều kiện không thể thiếu để đạt năng suất cao.

27/06/2014
Mất Mùa, Rớt Giá Mất Mùa, Rớt Giá

Dự báo, năng suất chỉ đạt khoảng 50-60% so với năm ngoái. Ông Đỗ Văn Thành, ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A, cho hay: “Vào thời điểm để trái, thấy cây ra bông mà mừng trong bụng, vì nghĩ rằng năm nay sẽ trúng mùa. Nhưng không hiểu vì sao, tuy có ra bông nhưng số trái đậu rất thấp và trái bị rụng khá nhiều, mặc dù đã không ít lần xịt thuốc phòng chống sâu bệnh”.

28/11/2014
Điểm Sáng Dồn Điền Đổi Thửa Điểm Sáng Dồn Điền Đổi Thửa

Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là hướng đi đang được thôn Dương Đàn, xã Tam Dân triển khai nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.

27/06/2014