Cá hồi nhập khẩu loạn giá ở Hà Nội và TP HCM

Là một trong những loại thủy hải sản được ưa thích do có hàm lượng dưỡng chất cao, đặc biệt là omega 3, cá hồi hiện là mặt hàng được tiêu thụ khá nhiều tại thị trường Việt Nam.
Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu thủy sản nước lạnh tại Sìn Hồ, Sapa, lượng cá hồi nội địa lên tới 1.000 tấn một năm nhưng không đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước. Do đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều từ các nguồn nước ngoài. Trong đó, Nhật Bản và Na Uy là hai thị trường chính.
Tuy nhiên, giá cá hồi tại các điểm rao bán cũng như tại siêu thị hiện chênh lệch khá lớn. Big C Trần Duy Hưng, Hà Nội bán cá hồi phile với giá hơn 523.000 đồng/kg, cá nguyên con là 395.000 đồng/kg. Mức giá này hiện cao hơn so với nhiều đơn vị cung cấp khác.
Cụ thể, tại một trong những đơn vị đầu mối cung cấp cá hồi Na Uy nhập khẩu lớn nhất ở thị trường Hà Nội và cũng là nhà cung cấp cho hệ thống siêu thị Big C, giá mỗi kg cá phile dùng ăn sống là 425.000-450.000 đồng/kg. Một số cửa hàng bán cá hồi khác ở khu vực quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hà Nội hay tại quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, TP HCM chỉ bán giá dao động từ 250.000 đồng đến 270.000 đồng/kg cho cá nguyên con, và 300.000 đồng/kg nếu đã bỏ đầu, xương và mỡ. Mức giá nói trên chỉ bằng 60% tại siêu thị.
Giá cá hồi Nhật Bản thậm chí còn rẻ hơn do không có hàng tươi sống mà chỉ có sản phẩm đông lạnh. Mức chênh lệch giá tại các điểm bán ở Hà Nội và TP HCM lên tới 100.000 đồng đến 250.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 200.000 đồng đến hơn 350.000 đồng. Đại diện Big C, đơn vị bán cá hồi với giá khá cao ở Hà Nội không có phản hồi cụ thể về mức giá khá vênh so với thị trường. Tuy nhiên, theo đơn vị này, đây là mức giá khuyến mại cho nhu cầu mua sắm tăng cao vào cuối tuần.
Đại diện của đơn vị nhập khẩu đầu mối cho biết, giá cá hồi chênh lệch tùy vào chi phí vận chuyển và khâu phân phối. Ông này chia sẻ: "Sau khi khách hàng đặt mua, đơn hàng sẽ được chuyển sang nhà cung cấp. Một ngày sau, cá sẽ được bắt, mang lên máy bay và vận chuyển về Việt Nam. Thông thường, một đợt giao hàng như vậy sẽ mất từ 2 đến 3 ngày. Giá của Big C đắt hơn có lẽ là do họ còn có chi phí mặt bằng".
Trong khi đó, lãnh đạo của một công ty chuyên nhập khẩu cá hồi Na Uy ở quận Bình Thạnh, TP HCM chia sẻ, giá cá hồi tại Na Uy không đắt, chỉ 5-6 USD/kg, tương đương hơn 100.000 đồng. "Giá đắt là do chi phí vận chuyển đường hàng không. Chi phí này có khi đắt hơn cả giá thành của con cá, chiếm hơn một nửa giá khi đến tay nhà nhập khẩu. Phần chênh lệch còn lại phụ thuộc vào khâu phân phối và thời gian lưu trữ cá", vị này nói.
Theo lãnh đạo trên, cá hồi sau khi róc xương có thể để tươi nhiều ngày, nhưng thời gian lưu kho càng dài, chất dinh dưỡng trong cá mất đi rất nhanh. "Cá để 2 ngày hay 4 ngày nhìn qua không có nhiều khác biệt, nhưng giá trị dinh dưỡng thực tế đã cách nhau rất xa, từ đó giá cả cũng có sự chênh lệch lớn", ông bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 21-3, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định 619/QĐ-UBND về việc hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người nuôi tôm bị thiệt hại do bệnh nguy hiểm gây ra trên địa bàn tỉnh.

Giá tôm thẻ chân trắng không ổn định, xuống thấp như hiện nay, nhiều hộ dân nuôi tôm ở Cà Mau đang chuyển sang nuôi tôm sú truyền thống. Từ đó, diện tích nuôi tôm sú đang tăng trở lại sau một thời gian bị tôm thẻ chân trắng thống trị hơn 80% diện tích nuôi công nghiệp.

Năm 2014, tổng diện tích cây điều ở Bình Phước khoảng 135.000 ha, trong đó, diện tích đang cho thu hoạch là 132.575 ha. Dự kiến năng suất gần 1tấn/ ha thì sản lượng điều của tỉnh đạt hơn 132 ngàn tấn. Từ một loại cây trồng chủ lực, cây điều đã trở thành cây làm giàu cho hàng ngàn hộ dân trên đất Bình Phước.

Sau khi được hợp nhất, hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu tưởng chừng sẽ trở thành điểm tựa cho người dân nghèo xứ bãi bồi cũng như người nghèo thập phương. Thế nhưng, sau một thời gian thả nuôi, mục tiêu ấy giờ đây không được hiện thực hoá khi giá nghêu giảm thê thảm. Tình trạng giá nghêu thịt xuống thấp làm cho các xã viên HTX nuôi nghêu thương phẩm Đất Mũi lâm vào tình cảnh lao đao.

Dùng chày gỗ đập chết, để trên nền đất sau khi đánh bắt... là những nguyên nhân khiến cho cá ngừ Việt Nam khó xuất sang Nhật Bản để làm các món tươi sushi, sashimi.