Cá Đồng Được Giá

Giá cá đồng tăng mạnh giúp người dân trồng lúa nước ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có thêm nguồn thu nhập kha khá do thiên nhiên ưu đãi.
Giá cá đồng thời điểm hiện nay tăng mạnh, nguyên nhân trực tiếp là do dịp nghỉ lễ 30/4 nhu cầu thị trường cần nhiều, nên giá đặc sản của miền sông nước Nam bộ (cá trê, cá lóc, cá rô) tăng đáng kể. Thêm một lý do nữa là cá đồng đã hết vụ thu hoạch, cũng là lúc cuối mùa khô, kênh mương dần hết nước, nguồn cá giảm dần, vì vậy giá cá cứ thế tăng từng ngày.
Theo bảng giá của vựa cá Hai Sơn, vựa cá lớn nhất nhì trong huyện Trần Văn Thời, trụ sở tại xã Khánh Hải: Giá cá lóc loại nhất và cá trê hiện cân tại vựa là 80.000 đ/kg, cá rô loại nhất là 60.000 đ/kg (thời gian thu rộ cá đồng sau Tết Nguyên Đán giá cá lóc và trê chỉ trên dưới 65.000 đ/kg).
Còn giá cá vựa bán ra cho các đầu mối trên tỉnh khoảng 100.000 đ/kg cá lóc, 75.000đ/kg cá rô loại lớn. Trung bình giá cá năm nay cao hơn năm trước khoảng 15.000 đ/kg so với thời gian cùng kỳ năm ngoái.
Chính vì giá cá đồng tự nhiên tăng mạnh nên dù bị tụt sản lượng nhưng nguồn lợi thu được từ cá đồng không hề giảm sút, thậm chí còn tăng so với năm trước.
Anh Trần Văn Toàn, ở ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời là thương lái thu mua cá tại địa phương và gia đình anh cũng trực tiếp có nguồn thu từ cá đồng chia sẻ: Sản lượng cá năm nay giảm so với năm trước nhưng không đáng kể, ở chiều ngược lại giá cá lại tăng khá.
So với năm trước thu nhập của gia đình tôi từ nguồn cá tự nhiên nhiều hơn. Năm nay gia đình tôi thu được khoảng 10 triệu đ, nhiều hơn năm trước gần 2 triệu đ.
Cá biệt giá cá sặc rằn lại giảm mạnh, loại 6 con/kg chỉ còn 50.000 đ/kg cá tươi (năm 2013 giá cá đỉnh điểm lên tới 90.000 đ/kg). Giá cá khô sặc rằn loại I cũng chỉ còn trên dưới 300.000 đ/kg (cùng kỳ năm trước khoảng 400.000 đ/kg).
Nguyên nhân theo phòng NN-PTNN huyện Trần Văn Thời là do, mô hình nuôi cá sặc rằn trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong vài năm qua phát triển mạnh, người dân thấy nuôi cá sặc rằn lãi lớn nên nuôi ồ ạt, cộng thêm các tỉnh vùng như Đồng Tháp, An Giang cũng phát triển mô hình này nên giá cá rớt khá nhiều.
Bàn về việc giá cá đồng tăng mạnh trong thời gian gần đây, ông Di Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNN huyện Trần Văn Thời cho biết: Cá đồng là một loại đặc sản được ưa chuộng, nhưng nguồn cung không phổ biến. Đặc biệt mùa mưa sắp đến, đây là thời gian cá sinh sản, đó cũng là lúc cấm khai thác cá để đảm bảo sự sinh sản và phát triển của nguồn cá tự nhiên. Vì vậy, trong thời gian tới giá cá sẽ còn tăng, thậm chí tăng mạnh.
Có thể bạn quan tâm

Cá chiên, loài cá được mệnh danh là chúa tể lòng sông Đà vì bản tính hung dữ và có trọng lượng trưởng thành lên tới 70kg (nhiều tài liệu ghi 90kg). Đây còn là loài cá thuộc nhóm “tứ quý”, dùng để tiến vua... Rất nhiều người đã tốn bao công sức để thuần hóa loài cá này, nhưng đều thất bại. Câu chuyện nuôi cá Chiên tưởng chừng khó thì nay đã thực hiện thành công trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Ngày 21-7, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lại Văn Hùng, Trưởng bộ môn nuôi thủy sản nước mặn, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) cho biết, ông và các cộng sự đã sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh.

Hiện nay, bệnh trên con tôm bùng phát tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa, Phú Yên) khiến nhiều người nuôi lỗ vốn. Nguyên nhân vẫn là “điệp khúc” do thời tiết không thuận lợi, người nuôi tôm chưa chấp hành quy chế vùng nuôi, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa phù hợp…

Theo thống kê của phòng NN &PTNT huyện Đà Bắc, tính đến hết tháng 11, toàn huyện đã phát triển được 683 lồng cá, vượt 183 lồng, đạt 136% kế hoạch cả năm.

Trong suốt quá trình chăm sóc, anh nhận thấy loại cá này dễ nuôi, rất thích nghi với dòng nước đầu nguồn sông Cửu Long nên mau lớn. Tuy nhiên, do mới nuôi lần đầu, kinh nghiệm còn ít nên tỷ lệ hao hụt khá cao (lúc thả 5.000 con, đến khi thu hoạch còn 3.000 con).