Cà chua đen ồ ạt vào siêu thị

Khảo sát tại các hệ thống kinh doanh ở TP HCM cho thấy, hơn một tháng nay cà chua đen xuất hiện nhiều ở các cửa hàng thực phẩm mini, hệ thống siêu thị Big C, Metro...
Tại Big C, cà chua đen được bán với giá 72.000 đồng một kg.
“Chúng được siêu thị nhập từ Lâm Đồng.
Vì đang trong quá trình thử nghiệm sản phẩm mới nên chúng tôi không dám nhập số lượng nhiều, mỗi ngày chỉ khoảng vài chục kg”, đại diện siêu thị này cho biết.
Cùng với cà chua truyền thống, cà chua đen xuất hiện ở khắp các hệ thống siêu thị TP HCM.
Có giá hấp dẫn hơn Big C, tại Metro sản phẩm này được bán 70.000 đồng một kg và cũng chỉ mới xuất hiện 2 tuần nay.
“Mỗi ngày chúng tôi trưng bày khoảng 10 hộp ở mỗi siêu thị.
Vì là sản phẩm có giá đắt gấp đôi sản phẩm thông thường nên khá kén khách.
Tuy nhiên, với mong muốn đa dạng sản phẩm cho người tiêu dùng nên dù giá cạnh tranh chúng tôi vẫn nhập”, nhân viên Metro nói.
Trao đổi với VnExpress.net, chị Phạm Thị Thanh Thủy, người trồng cà chua đen ở thôn K'Long C, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, trước đó, các hệ thống siêu thị ở TP HCM có đến tham quan vườn của chị và ngỏ ý muốn được cung ứng.
Tuy nhiên, vì trồng với số lượng có hạn nên toàn bộ sản phẩm chị đều bán cho đơn vị phân phối quen.
Cà chua đen trở thành cơn sốt trong thời gian qua.
“Mỗi ngày tôi cung ứng khoảng 50 - 70kg với giá bán tại vườn là 50.000 đồng một kg. Sau đó, những nhà thu mua sẽ phân phối tới các cửa hàng và hệ thống siêu thị các thành phố lớn. Hiện tại sản phẩm này đang hết hàng dù khá nhiều đơn vị đặt mua”, chị Thủy cho biết.
Anh Ngô Giang, chủ nông trại nông sản Trường Giang, đơn vị cung ứng cà chua đen cho các cửa hàng mini thời gian gần đây với giá 140.000 -180.000 đồng một kg cho hay, hiện số lượng cung ứng cũng đang ở mức vừa phải chứ chưa nhiều.
“Sở dĩ hàng của chúng tôi đắt hơn nhiều so với trên thị trường là vì giống cà chua đen này được nhập từ Mỹ, hàm lượng vitamin A và chất chống oxy hóa, tiểu đường cao nên giá thường đắt hơn so với những loại có nguồn gốc Trung Quốc. Mới đây chúng tôi cũng đang thương thảo với Big C để đưa hàng vào siêu thị này”, anh Giang nói và cho biết thêm, hiện giá hạt giống Mỹ cao hơn nhiều so với Pháp và Trung Quốc. Ngoài ra, để trồng thành công đòi hỏi kỹ thuật cao, sản lượng làm ra cũng có hạn nên giá đắt hơn 3 - 4 lần so với cà chua thông thường.
Có thể bạn quan tâm

Anh là người tiên phong, cũng là người giúp nông dân trong xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) nhân rộng mô hình nuôi dông (kỳ nhông) trên cát. Anh là Phạm Khắc Bảo (25 tuổi, thôn Hải Triều, xã Cam Hải Đông) chủ một trại nuôi dông có giá trị lên đến cả tỷ đồng.

Những năm gần đây, trong khi người dân nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lao đao vì dịch bệnh trên tôm hoành hành thì ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) người nuôi tôm đều trở nên khá giả với mô hình nuôi tôm sú. Năm 2012, Vĩnh Sơn được đánh giá là địa phương nuôi tôm đạt năng suất và hiệu quả cao nhất tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (Thạnh Phú - Bến Tre) cho biết, từ khi Dự án 418 khép kín, ngọt hóa, các ấp: Thạnh Bình, An Thạnh, một phần Thạnh Quí B và Thạnh Quí A, người dân làm lúa được một vụ.

Thực hiện chính sách của Nhà nước về việc hỗ trợ cho bà con nhà vườn trong phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn, theo Công văn số 498/TTg-KTN, ngày 13/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã tiến hành các bước để làm cơ sở cho việc hỗ trợ nhà vườn trồng nhãn phòng, chống bệnh chổi rồng. Bước đầu tiên là thống kê sơ bộ diện tích nhiễm bệnh và mức độ thiệt hại để có cơ sở công bố dịch; bước tiếp theo là lập biên bản xác định diện tích nhiễm bệnh, tỉ lệ thiệt hại được lập cho từng hộ là căn cứ để hỗ trợ kinh phí phòng trừ bệnh; bước thứ ba là thẩm định việc phòng trừ bệnh của nhà vườn theo quy trình kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT để xác định chính xác số tiền được hỗ trợ của từng hộ trồng nhãn.

Trời mưa lớn kéo dài đã khiến trên 40 ha đỗ tương, đỗ xanh của xã Tiền Phong (Thanh Miện, Hải Dương) đang chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch bị thối.