Cá Chình Đang Hấp Dẫn Người Nuôi

Những năm gần đây, phong trào nuôi cá chình trong lồng bè hay trong ao đất ở ĐBSCL phát triển rất mạnh.
Bởi nuôi loài cá này ít rủi ro, đầu ra ổn định, giá bán cao giúp người dân thu lãi lớn.
Vùng đầu nguồn An Giang, là nơi nuôi cá chình trong lồng bè lớn nhất tỉnh, tập trung chủ yếu ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu. Lợi thế của cá chình là sống khỏe, giá trị thương phẩm cao, ít bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là loại cá có thịt ngon, ngọt nên giá hiện nay trên thị trường đang ở mức khá cao.
Ông Lý Văn Phú, ở ấp Tân Tạnh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, nuôi 5 bè cá chình gần 10 ngàn con, cho biết sau 24 tháng nuôi, cá chình có khả năng đạt trọng lượng từ 2 - 4 kg/con là cho thu hoạch. Nếu nuôi càng lâu cá càng lớn giá trị càng cao. Cá chình giống lúc thả nuôi bình quân 10-12 con/kg loại nhỏ, loại lớn 7-8 con.
Như vậy, tăng trọng bình quân khoảng 1-1,5 kg/con/năm, với thức ăn đầy đủ, tương đương 6 - 8 kg mồi thì cho 1 kg cá thịt. Thả nuôi cá chình giống càng lớn thì rút ngắn thời gian nuôi, một năm nuôi có thể đạt trên 2kg/con.
Theo ông Phú, cá chình nuôi ít bị rủi ro hơn so với nghề nuôi cá tra, basa. Nuôi cá chình thương phẩm bao nhiêu cũng không đủ cung cấp cho thị trường. Trung bình mỗi năm ông Phú bắt bán một đợt từ 15-20 tấn, trừ chi phí lãi trên dưới 400 triệu đ.
Bà con ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cũng đang nuôi phổ biến hai loại cá chình bông và mun. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguồn con giống, còn phụ thuộc vào thiên nhiên. Người nuôi cá mua con giống trôi nổi, mang tính hên xui, giá lại cao, loại con giống 20 con/kg giá 500 ngàn đ/kg. Chủ yếu là đặt mua các đại lý miền Trung đem vào bán ở các tỉnh ĐBSCL.
Còn anh Lê Quang Thống, ở ấp Phú Quí, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu nuôi 6 lồng bè cá chình, trung bình mỗi lồng nuôi từ 800 - 1.000, mỗi năm xuất bán hai lần. Anh nuôi cá chình luân canh, bán rồi tiếp tục thả giống. Trung bình mỗi năm anh lãi trên 700 triệu đ từ cá chình.
Đồng thời anh mở Cty thu mua cá đem lên thành phố liên kết với một Cty chế biến thủy sản tại TP HCM xuất bán qua thị trường Nhật, Trung Quốc…
Chị Lê Thị Oanh, thương lái mua cá chình ở tại chợ Châu Đốc cho biết, trọng lượng cá càng to thì giá càng cao. Giá cá chình trên 2 kg/con có thể mua từ 380.000 -450.000 đ/kg, còn nhỏ hơn cũng khoảng 320.000 đ/kg.
Đầu ra chủ yếu hiện nay là các siêu thị và nhà hàng cao cấp trong cả nước. Các thương lái phải cạnh tranh nhau để mua được cá, thông thường phải đặt tiền cọc trước cho chủ nuôi.
Còn tại vùng bán đảo Cà Mau, mô hình nuôi cá chình trong ao đất cũng đem lại kết quả. Ông Huỳnh Văn Tuấn (ngụ ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A) cho biết: Cá chình dễ nuôi, ít bệnh, chi phí thấp và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Người nuôi có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên như cá, ốc...
Bên cạnh những thuận lợi trên, đầu ra con cá chình luôn ổn định, hiện nay cá đến khi thu hoạch sẽ có thương lái đến tận nơi mua.
Được biết, vừa qua có một Cty của Hàn Quốc đã xuống huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) để tham quan mô hình nuôi cá chình của người dân. Theo đánh giá của phía Hàn Quốc, vùng đất Hồng Dân rất phù hợp để cá chình phát triển. Dự tính thời gian tới, phía đối tác sẽ cho xây dựng một nhà máy chế biến cá chình thương phẩm tại địa phương.
Ngoài ra, phía đối tác sẽ cung cấp nguồn cá giống, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao quy trình nuôi cá chình theo hướng công nghiệp và bao tiêu sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Nuôi cá rô đầu vuông là một trong những mô hình kinh tế mới của xã vùng cao Quảng Lợi (Đầm Hà, Quảng Ninh), thời gian qua với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Quảng Ninh, Đoàn Thanh niên và Hội nghề cá huyện Đầm Hà, mô hình nuôi (bán thâm canh) cá rô đầu vuông thương phẩm đã được thực hiện thành công, mang hiệu quả kinh tế cao.

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm ở Lấp Vò (Đồng Tháp) lâm vào tình trạng thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp do thời tiết diễn biến bất thường, nguồn tôm giống bị thoái hóa.

Đó là anh Nguyễn Mộng Hùng, ở thôn Trà Sơn, xã Tây An (huyện Tây Sơn - Bình Định). Từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh Hùng đã vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi gà. Trang trại của anh có diện tích 1 ha, nuôi trên 4.000 con gà, cùng hệ thống lò ấp. Anh Hùng nuôi gà theo kiểu bán công nghiệp, vừa nuôi chuồng vừa nuôi thả. Hệ thống chuồng nuôi được xây dựng quy mô, bài bản, có hệ thống chiếu sáng và cung cấp nước tự động, luôn duy trì nhiệt độ phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh cho gà.

Sau thời gian nghêu chết hàng loạt trong những tháng đầu năm 2013, hiện nghêu nuôi ở vùng biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang phát triển bình thường.

15 ngày đầu tháng 9, giá bán heo hơi dao động từ 41.000 – 43.000đ/kg, giúp người chăn nuôi có lãi 1.000đ/kg – 3.000đ/kg so với vốn đầu tư con giống, chi phí thức ăn, thuốc tiêm phòng và công chăm sóc.