Cá Chình Đang Hấp Dẫn Người Nuôi

Những năm gần đây, phong trào nuôi cá chình trong lồng bè hay trong ao đất ở ĐBSCL phát triển rất mạnh.
Bởi nuôi loài cá này ít rủi ro, đầu ra ổn định, giá bán cao giúp người dân thu lãi lớn.
Vùng đầu nguồn An Giang, là nơi nuôi cá chình trong lồng bè lớn nhất tỉnh, tập trung chủ yếu ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu. Lợi thế của cá chình là sống khỏe, giá trị thương phẩm cao, ít bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là loại cá có thịt ngon, ngọt nên giá hiện nay trên thị trường đang ở mức khá cao.
Ông Lý Văn Phú, ở ấp Tân Tạnh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, nuôi 5 bè cá chình gần 10 ngàn con, cho biết sau 24 tháng nuôi, cá chình có khả năng đạt trọng lượng từ 2 - 4 kg/con là cho thu hoạch. Nếu nuôi càng lâu cá càng lớn giá trị càng cao. Cá chình giống lúc thả nuôi bình quân 10-12 con/kg loại nhỏ, loại lớn 7-8 con.
Như vậy, tăng trọng bình quân khoảng 1-1,5 kg/con/năm, với thức ăn đầy đủ, tương đương 6 - 8 kg mồi thì cho 1 kg cá thịt. Thả nuôi cá chình giống càng lớn thì rút ngắn thời gian nuôi, một năm nuôi có thể đạt trên 2kg/con.
Theo ông Phú, cá chình nuôi ít bị rủi ro hơn so với nghề nuôi cá tra, basa. Nuôi cá chình thương phẩm bao nhiêu cũng không đủ cung cấp cho thị trường. Trung bình mỗi năm ông Phú bắt bán một đợt từ 15-20 tấn, trừ chi phí lãi trên dưới 400 triệu đ.
Bà con ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cũng đang nuôi phổ biến hai loại cá chình bông và mun. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguồn con giống, còn phụ thuộc vào thiên nhiên. Người nuôi cá mua con giống trôi nổi, mang tính hên xui, giá lại cao, loại con giống 20 con/kg giá 500 ngàn đ/kg. Chủ yếu là đặt mua các đại lý miền Trung đem vào bán ở các tỉnh ĐBSCL.
Còn anh Lê Quang Thống, ở ấp Phú Quí, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu nuôi 6 lồng bè cá chình, trung bình mỗi lồng nuôi từ 800 - 1.000, mỗi năm xuất bán hai lần. Anh nuôi cá chình luân canh, bán rồi tiếp tục thả giống. Trung bình mỗi năm anh lãi trên 700 triệu đ từ cá chình.
Đồng thời anh mở Cty thu mua cá đem lên thành phố liên kết với một Cty chế biến thủy sản tại TP HCM xuất bán qua thị trường Nhật, Trung Quốc…
Chị Lê Thị Oanh, thương lái mua cá chình ở tại chợ Châu Đốc cho biết, trọng lượng cá càng to thì giá càng cao. Giá cá chình trên 2 kg/con có thể mua từ 380.000 -450.000 đ/kg, còn nhỏ hơn cũng khoảng 320.000 đ/kg.
Đầu ra chủ yếu hiện nay là các siêu thị và nhà hàng cao cấp trong cả nước. Các thương lái phải cạnh tranh nhau để mua được cá, thông thường phải đặt tiền cọc trước cho chủ nuôi.
Còn tại vùng bán đảo Cà Mau, mô hình nuôi cá chình trong ao đất cũng đem lại kết quả. Ông Huỳnh Văn Tuấn (ngụ ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A) cho biết: Cá chình dễ nuôi, ít bệnh, chi phí thấp và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Người nuôi có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên như cá, ốc...
Bên cạnh những thuận lợi trên, đầu ra con cá chình luôn ổn định, hiện nay cá đến khi thu hoạch sẽ có thương lái đến tận nơi mua.
Được biết, vừa qua có một Cty của Hàn Quốc đã xuống huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) để tham quan mô hình nuôi cá chình của người dân. Theo đánh giá của phía Hàn Quốc, vùng đất Hồng Dân rất phù hợp để cá chình phát triển. Dự tính thời gian tới, phía đối tác sẽ cho xây dựng một nhà máy chế biến cá chình thương phẩm tại địa phương.
Ngoài ra, phía đối tác sẽ cung cấp nguồn cá giống, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao quy trình nuôi cá chình theo hướng công nghiệp và bao tiêu sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Anh Đỗ Thanh Bình ở ấp Bố Lá, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) nhiều năm liền là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Nhờ thực hiện mô hình trồng rau an toàn (RAT), gia đình anh Bình đã vươn lên khá giả.

Với gần 4 ngàn hécta, mía là một trong những cây trồng có diện tích lớn của Đồng Nai. Nhưng vài năm trở lại đây, nông dân kém mặn mà với cây mía vì hiệu quả kinh tế thấp. Trong khi nông dân loay hoay với bài toán tìm cây trồng hiệu quả hơn, thì các nhà máy chế biến đường lại lo vì thiếu nguyên liệu sản xuất.

Cuối cùng thì cây mía ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cũng vượt qua những áp lực lớn về giá tiêu thụ, về sự bùng phát của nghề nuôi tôm thẻ, để tiếp tục duy trì diện tích gieo trồng gần 8.000ha ở niên vụ mía 2014-2015. Tuy nhiên, về lâu dài, cây mía có còn là cây trồng chủ lực trên đất cù lao hay không vẫn chưa có câu trả lời.

Những ngày qua, vụ mùa nuôi tôm chân trắng ở thôn Trường Định bắt đầu thu hoạch. Tại đây có 23 hộ nuôi trên diện tích 15,25 ha, thu về 58,9 tấn tôm. Khác với cảnh mặc ai nấy bán ở những vùng chăn nuôi khác, tại thôn đã thành lập Chi hội nuôi tôm nhằm thống nhất giá, đảm bảo quyền lợi cho hội viên. Với mức giá tôm thương phẩm 125.000 đồng/kg (khoảng 100 con/kg), toàn thôn thu về 7,36 tỉ đồng, người nuôi tôm lãi ròng từ 100-400 triệu đồng/hộ sau khi trừ chi phí.

Một số ngư dân trên sông Vàm Nao vui mừng vì vừa đánh bắt được cá bông lau loại lớn, bình quân mỗi con cân nặng từ 8 - 9kg, bán 320.000 đồng/kg, thu được từ 2,5 – 2,8 triệu đồng/con. Theo ngư dân Trần Văn Chiến (xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới - An Giang), đây là cá nền (cá còn sót lại sau mùa vụ đánh bắt kéo dài trên 4 tháng) nên đa phần cá rất lớn.