Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ca Cao Cứu Vườn Dừa Ở Vĩnh Long

Ca Cao Cứu Vườn Dừa Ở Vĩnh Long
Ngày đăng: 24/09/2012

Từ một loại cây trồng xen, “núp bóng” dừa để tăng thu nhập, thì nay ca cao đã dần khẳng định chỗ đứng khi giá dừa còn quá bấp bênh.
 
Không đợi dừa mất giá mới thấy hiệu quả của ca cao mà chỗ đứng của loại cây trồng này đã được xác định từ nhiều năm trước. Và, mô hình ca cao trồng xen trong vườn dừa được xem là thế mạnh của huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long).
 
Qua hơn 5 năm triển khai dự án, đến nay Vũng Liêm đã có trên 980 ha ca cao xen trong vườn dừa và một số loại cây ăn trái khác (trong đó có 350 ha đã cho trái). Các xã có diện tích ca cao phát triển mạnh như: Trung Hiệp, Hiếu Thành, Hiếu Nhơn, Trung Nghĩa, Trung Hiếu và Thanh Bình.

Vũng Liêm đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trái ca cao dài hạn cho nông dân. Trong ảnh: Sơ chế ca cao tại điểm thu gom chính của Công ty CP Thương mại Thảo Li (Vũng Liêm).
 
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vũng Liêm, bước đầu, bên cạnh công tác vận động các nhà vườn tham gia dự án, ban quản lý dự án của huyện đã tổ chức cho nhiều hộ nông dân học tập kinh nghiệm ở các vườn sản xuất cây giống, hộ dân trồng và sơ chế hạt ca cao tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang đồng thời tìm hiểu tại điểm thu mua ca cao để nhà vườn an tâm sản xuất. Chỉ trong 5 năm thực hiện dự án từ 2007 - 2012, diện tích ca cao trồng xen trong vườn dừa và vườn cây ăn trái kém hiệu quả của huyện đạt 980 ha. Năm đầu triển khai dự án, ca cao đã có mặt ở 12 xã và từ đó đến nay, diện tích luôn được mở rộng hàng năm. Huyện cũng đã ký hợp đồng với Công ty CP Thương mại Thảo Li để đầu tư 40% cây giống và bao tiêu toàn bộ trái tươi cho nông dân.
 
Kinh nghiệm của một số nhà vườn, ca cao bắt đầu cho trái sau 2 - 3 năm và năng suất tăng dần về sau. Trung bình 1 cây ca cao 4 năm tuổi cho năng suất khoảng 12 kg trái tươi/năm. Với giá 3.500 đ/kg thì 1 ha (400 cây) cho thu nhập khoảng 16,8 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt, mỗi cây ca cao có thể thu hoạch được từ 25 - 30 kg trái/năm, thu nhập cũng đạt từ 35 - 42 triệu đồng. Cộng thêm nguồn thu từ cây dừa và cây ăn trái khác, bình quân 1ha đất vườn trồng xen ca cao cho thu nhập từ 90 - 100 triệu đồng/năm. Tuy là cây trồng phụ nhưng nguồn thu từ ca cao chiếm 40 - 45% trên tổng thu hàng năm của vườn.

Tuy là cây trồng phụ nhưng nguồn thu từ ca cao chiếm 40 - 45% trên tổng thu hàng năm của vườn.
 
Ông Nguyễn Văn Miên (ấp Hiếu Hậu, xã Hiếu Nghĩa) có 2,5 công ca cao 4 năm tuổi trồng xen vườn dừa và bưởi. Năm ngoái, ông Miên bán được 2 tấn trái ca cao, được 7 triệu đồng, cộng với dừa, chuối, bưởi thu về trên 25 triệu đồng. Trừ chi phí khoảng 5 triệu đồng, lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Còn hộ bà Trần Thị Ba (ấp Phú Nông, xã Trung Thành Đông) có 3 công vườn ca cao 4 năm tuổi trồng xen dừa, bưởi Năm Roi, chanh. Nhờ chăm sóc tốt nên năm rồi bà Ba thu về gần 5 tấn trái ca cao cùng với các khoản thu khác như bưởi, dừa, chanh tổng cộng thu về trên 30 triệu đồng. Anh Phạm Thanh Liêm (Trung Thành - Vũng Liêm) có 4 công dừa xen ca cao. Anh Liêm cho hay, nhờ có ca cao nên hơn 100 gốc dừa của anh không bị “chết đứng” vì rớt giá.
 
Chị Trần Thị Hồng Mai - đại diện Công ty CP Thương mại Thảo Li cho biết: Hiện công ty có 13 điểm thu gom trái ca cao trong tỉnh, trong đó Vũng Liêm có đến 10 điểm. Lúc thu hoạch rộ, mỗi tuần công ty thu về khoảng 2 - 3 tấn trái tươi. Từ đầu năm đến nay, đã mua khoảng 90 tấn trái theo giá thị trường, đảm bảo nhà vườn có thêm lợi nhuận đáng kể từ loại cây trồng xen này.
 
Thực hiện dự án trồng ca cao năm 2012 ở các xã, đến nay huyện đã giao ca cao giống cho nông dân được 26.951 cây/67,4 ha (đạt 22,5% kế hoạch). Dự kiến từ nay đến năm 2015, ngành nông nghiệp tập trung đầu tư phát triển diện tích cây ca cao tại Vũng Liêm đạt 1.500 ha. Song song với việc chọn giống, hướng dẫn kỹ thuật, công ty đã ký hợp đồng bao tiêu dài hạn để người dân yên tâm sản xuất.
 
Nói về triển vọng của cây ca cao, bà Nguyễn Thị Kim Ba - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm, khẳng định hiệu quả kinh tế mà loại cây trồng này mang lại, góp phần đáng kể vào việc cải thiện thu nhập cho người nông dân. Vì là giống cây thích hợp trồng xen nên ca cao được tận dụng khai thác tiềm năng đất đai. Đây là giải pháp tốt để nhà vườn canh tác theo hướng sản xuất bền vững, nâng cao giá trị kinh tế vườn, cải thiện thu nhập của người dân, góp phần đáng kể cho tiêu chí thu nhập của người dân trong xây dựng nông thôn mới của huyện.


Có thể bạn quan tâm

Diện Tích Trồng Vú Sữa Tím Đại Tâm Đang Dần Bị Thu Hẹp Diện Tích Trồng Vú Sữa Tím Đại Tâm Đang Dần Bị Thu Hẹp

Còn vú sữa được trồng nhiều ở Kế Sách và Mỹ Xuyên. Theo nhiều lão nông, vú sữa tím được trồng đầu tiên là ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, nhưng các vườn vú sữa này đang dần suy kiệt và bà con ở đây không còn mặn mà với loại cây trồng này nữa.

09/10/2014
Thành Tỷ Phú Nhờ Nuôi Ong Thành Tỷ Phú Nhờ Nuôi Ong

Sở hữu 1.500 đàn ong, mỗi năm cho thu nhập trên 1,3 tỷ đồng, mô hình nuôi ong lấy mật của anh Trần Xuân Phong ở thôn Phúc Lộc A, xã An Khang,TP Tuyên Quang đang được biết đến như một địa chỉ tin cậy cho những ai muốn làm giàu.

10/10/2014
Thương Lái ‘Đua Nhau’ Mua Sầu Riêng Non Bán Sang Trung Quốc Thương Lái ‘Đua Nhau’ Mua Sầu Riêng Non Bán Sang Trung Quốc

Ngày 8/10, ông Lê Mộng Ngọc, phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết, thời gian gần đây rất nhiều thương lái đổ về địa phương đua nhau thu mua cả sầu riêng non với giá lên tới 26.000đ/kg, cao gấp đôi so với niên vụ trước.

10/10/2014
Giá Thực Phẩm Thế Giới Giảm Tháng Thứ 6 Liên Tiếp, Xuống Thấp Nhất 4 Năm Giá Thực Phẩm Thế Giới Giảm Tháng Thứ 6 Liên Tiếp, Xuống Thấp Nhất 4 Năm

Trên sàn giao dịch CBOT ở Chicago, đậu tương và ngô giao dịch ở mức thấp nhất trong 4 năm qua do triển vọng vụ mùa ở Mỹ bội thu. Trong 2 năm trở lại đây, tất cả các nông sản được theo dõi trong chỉ số hàng hóa của Bloomberg, ngoại trừ gia súc, thịt và cà phê, đều giảm giá, trong đó dẫn đầu là đà lao dốc của ngô, lúa mì và đậu tương.

10/10/2014
Kết Nối Nhà Cung Cấp Và Phân Phối Nông Sản, Thực Phẩm Kết Nối Nhà Cung Cấp Và Phân Phối Nông Sản, Thực Phẩm

Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Hồ Chí Minh (ITPC) đang giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ nông dân của nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có TP.Hồ Chí Minh kết nối với các nhà mua hàng, nhà phân phối lớn như Aeon, Metro, Big C, CoopMart, chuỗi các cửa hàng tiện lợi và 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn.

10/10/2014