Cá Bống Tượng Qua Rồi Thời Hoàng Kim?

Hiện nay, huyện Cái Nước (Cà Mau) có tổng số hơn 2.210 hộ tận dụng gần 300 ha diện tích mương vườn để nuôi cá chình và cá bống tượng. Mô hình này phát triển mạnh ở các xã: Hưng Mỹ, Phú Hưng và Thạnh Phú.
Những năm trước đây, chỉ một, hai ao nuôi cá bống tượng, không ít hộ gia đình đã ăn nên làm ra. Tận dụng diện tích mương vườn nuôi cá được các địa phương khuyến khích bà con nông dân thực hiện. Nuôi cá chình và cá bống tượng được xem là mô hình xoá đói giảm nghèo của nhiều địa phương.
Anh Nguyễn Văn Đen, ấp Rạch Muỗi, xã Phú Hưng, người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá bống tượng, cho biết, thời điểm thị trường còn ổn định, nuôi cá bống tượng hiệu quả sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với độc canh con tôm.
Từ năm 2012 đến nay, nghề nuôi cá bống tượng rơi vào điệp khúc “được mùa, mất giá”. Thị trường cá bống tượng bế tắc đầu ra, thừa cơ hội này thương lái tìm cách bắt chẹt, làm cho cá bống tượng rớt giá thê thảm, nhiều hộ nuôi cá phải lao đao.
Anh Nguyễn Thanh Hân là hộ có thâm niên trong nghề nuôi cá bống tượng với mức thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm nhờ con cá bống tượng. Vậy mà giờ đây, nuôi cá bống tượng trở thành gánh nặng của gia đình anh, bởi bán lúc này thì không nỡ mà nuôi tiếp đôi khi phải chịu lỗ. Anh Nguyễn Thanh Hân vừa quyết định lên hầm, bán hơn 100 con cá bống tượng nhưng chỉ được hơn 8 triệu đồng, không bằng một nửa so với trước.
Theo tính toán của các hộ nuôi cá, để có được 1 kg cá bống tượng thương phẩm, nông dân phải đầu tư 10 kg thức ăn cộng với công chăm sóc… nên giá cá phải từ 350.000 đồng/kg trở lên thì mới có lãi. Thế nhưng, hiện tại giá cá loại 1 chỉ còn khoảng 190.000 đồng/kg. Giá sụt giảm, thương lái còn tìm cách chia cá ra nhiều cỡ để ép giá, thậm chí không chịu mua.
Thực trạng trên không chỉ gây khó khăn lớn cho bà con nông dân trong sản xuất mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông Hà Ngọc Sáu, Chủ tịch UBND xã Phú Hưng, cho rằng, giá cá bống tượng sụt giảm mạnh là một mất mát lớn đối với xã Phú Hưng.
Thu nhập của nhân dân bị giảm sút, từ đó việc đóng góp sức dân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các phần việc, tiêu chí thuộc về nội lực để thực hiện mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới vào năm 2015 sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Trong khi đó, việc khắc phục khó khăn này vượt ngoài khả năng của xã. Trước mắt, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi đối tượng nuôi cho hợp lý, có biện pháp nuôi thưa và chọn thời vụ thích hợp; tránh rơi vào tình trạng “cung” vượt “cầu”. Đồng thời giữ lại nguồn cá giống để có điều kiện phục hồi nghề nuôi cá khi thị trường bình ổn.
Hơn lúc nào hết, nghề nuôi cá bống tượng của bà con nông dân huyện Cái Nước nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung, rất cần sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ từ các ngành chức năng và cơ quan Nhà nước các cấp, nhất là việc tìm kiếm đầu ra.
Có thể bạn quan tâm

Quan trắc môi trường để có những thông tin cần thiết, cảnh báo về độ mặn, dịch bệnh, thời tiết, là rất quan trọng đối với người nuôi tôm. Diễn biến thời tiết, khí hậu, dịch bệnh luôn phức tạp, khó lường, người nuôi tôm không chỉ muốn nắm vững thông tin này để chủ động đề phòng, mà còn rất cần thông tin về giải pháp.

Đối với xoài Đài Loan xanh, do thị trường Trung Quốc “ăn hàng” mạnh trở lại nên giá tăng nhanh (từ 30 - 40.000 đồng/kg), lúc cao điểm giá tăng đến 55 ngàn đồng/kg (loại thường), 75 ngàn đồng (loại đặc biệt). Hiện tại, giá xoài Đài Loan ở mức 30 ngàn đồng/kg (loại thường) và 40 ngàn đồng/kg (loại đặc biệt).

Trò chuyện với anh nông dân 42 tuổi đời, có hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng nho, chúng tôi được biết, anh là nhóm trưởng gồm 10 thành viên liên kết trồng trên 1,1 ha nho an toàn thôn An Thạnh 1. Nhóm thành lập từ vụ hè-thu 2014, DASU huyện Ninh Phước hỗ trợ phân bón, thuốc sinh học phòng trừ bệnh hại, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây nho theo quy trình an toàn.

Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật theo hướng công nghệ cao để tăng năng suất và hướng đến mục tiêu giảm giá thành sản xuất từ 15 - 20% so với cách sản xuất thông thường. Hỗ trợ đầu tư, cải tiến cơ giới hóa và các công nghệ sau thu hoạch trong sản xuất bắp lai.

Trước đó, đầu tháng 1/2015, trong quá trình lấy mẫu kiểm dịch cho hàng nông sản nhập khẩu, Cục Kiểm dịch thực vật vùng I (Cục Bảo vệ thực vật) đã phát hiện 8 lô hàng với 35 container (gần 700 tấn) lạc nhân nhập khẩu từ Ấn Độ qua cảng Hải Phòng có chứa mọt lạc serratus.