Buốt Lòng Người Trồng Dâu

Nhà vườn trồng dâu bòn bon ở các địa phương vùng ĐBSCL đang đứng ngồi không yên do dâu rớt giá thê thảm, chín rục rụng khắp vườn nhưng không bán được...
Ông Phạm Minh Hoàng - ngụ khu vực 3, phường Lái Hiếu, TX.Ngã Bảy, Hậu Giang - kể: “Vườn nhà tôi có 7 công dâu bòn bon với 250 cây. Mọi năm, thu hoạch xong khoảng ngày 23.6. Năm nay, chẳng có thương lái nào đến mua. Thu hoạch bán lẻ đã kéo dài cả tháng, nhưng chỉ bán được 3 cây. Năm 2013, bán được giá 5.000 đồng/kg, năm nay đầu vụ giá giảm còn 1.500 đồng/kg!”.
Hiện người trồng dâu ở huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ); huyện Châu Thành A, TX.Ngã Bảy (Hậu Giang), huyện Tịnh Biên (An Giang) rất khó khăn tìm “đầu ra”. “Chắc tôi và nhiều người sẽ đốn hết vườn dâu để chuyển sang trồng cây khác. Vườn dâu nhà tôi đã chín rục, trái đã rơi rụng khoảng 30 - 40%. Vụ này thất thu khoảng 50 triệu đồng” - ông Hoàng bộc bạch tiếp.
Bà Nguyễn Thị Hai - ngụ ấp Nhơn Thọ 2A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền - cũng thấp thỏm: “Gia đình tui có 3,5 công dâu. Năm trước dâu thất mùa, nhưng thu lãi trên 10 triệu đồng. Năm nay trúng mùa, vậy mà phải chạy ra những vựa lớn kêu bán với giá 1.500 đồng/kg.
Mang đến tận nơi họ mới mua, nhưng chỉ mua vài trăm ký. Tiền mướn nhân công, thuê xe vận chuyển mỗi chuyến cũng bằng bán trên 200kg dâu”.
Không bán được cho thương lái, một số nhà vườn đành thu hoạch vài chục ký/lần, đem ra chợ hoặc để trước nhà bán lẻ. Ông Đặng Chí Hiếu - ngụ cùng địa phương với bà Hai - cho biết thêm: “Trồng dâu rất cực công thu hoạch, hầu hết nhà vườn phải thuê nhân công. Chi phí đầu tư thuê nhân công, phân bón, thuốc sâu…trên 5 triệu đồng. Vườn nhà tôi thu hoạch được 4 tấn dâu, bán giá 1.500 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 năm rồi”.
Ông Lê Văn Thương - chủ vựa trái cây ở huyện Phong Điền - cho biết: “Chưa năm nào dâu rớt giá mạnh như năm nay. Thông thường vào mùa mưa là mùa dâu xuất bán sang Campuchia với số lượng lớn. Năm nay, thị trường Campuchia không “ăn hàng” nên dội chợ, đẩy giá dâu xuống thấp; nhất là dâu bòn bon.
Các nhà vườn trồng dâu da xanh, dâu Gia Bảo, dâu xiêm… tuy giá giảm nhưng vẫn tiêu thụ được. Vụ dâu năm nay vựa của tôi nhập gần 10 tấn dâu bòn bon, không có “đầu ra” cuối cùng đành đổ bỏ…”.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 18/4/2014, Viện Lúa ĐBSCL phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo lần 2 đề tài “Chọn lọc giống khoai lang mới và xây dựng vùng sản xuất giống tại huyện Bình Tân- Vĩnh Long”. Hội thảo đã tập trung thảo luận phẩm chất các giống khoai mới, nhu cầu thị trường trước khi đưa vào sản xuất đại trà.

Tưới nước ít hơn vẫn bảo đảm năng suất, thông tin này được giới khoa học đưa ra thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm của nông dân làm cà phê. Điều đó càng đặc biệt có ý nghĩa khi tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đang hiện hữu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, trong đó có sự sụt giảm mực nước ngầm phục vụ tưới tiêu cho cây trồng…

Giữa năm 2013, tại một số huyện trong tỉnh Đắk Nông, người dân đã đốn bỏ hàng trăm hécta ca cao bởi nhiều nguyên nhân như giá cả, dịch vụ thu mua kém, dịch bệnh… Tuy nhiên, hiện nay, giá ca cao tăng lên trở lại từ 50.000 - 57.000 đồng/kg hạt. Điều này cho thấy, thị trường ca cao đang có nhiều tiềm năng hứa hẹn đối với nông dân.

Sau khi thu hoạch xong tỏi đông xuân 2013-2014, bà con nông dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã khẩn trương bắt tay vào sản xuất gần 80 ha hành tháng 2 âm lịch. Đây là một trong những vụ hành chính vụ được bà con nông dân trên đảo kỳ vọng.

Cây râu mèo là vị thuốc đông y có tác dụng điều trị bệnh sỏi thận, tăng bài tiết, hạ đường huyết… Râu mèo được trồng nhiều tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Theo Viện Dược liệu, hằng năm nước ta nước phải nhập khẩu hàng chục tấn dược liệu cây râu mèo từ Trung Quốc, Campuchia.