Buốt Lòng Người Trồng Dâu

Nhà vườn trồng dâu bòn bon ở các địa phương vùng ĐBSCL đang đứng ngồi không yên do dâu rớt giá thê thảm, chín rục rụng khắp vườn nhưng không bán được...
Ông Phạm Minh Hoàng - ngụ khu vực 3, phường Lái Hiếu, TX.Ngã Bảy, Hậu Giang - kể: “Vườn nhà tôi có 7 công dâu bòn bon với 250 cây. Mọi năm, thu hoạch xong khoảng ngày 23.6. Năm nay, chẳng có thương lái nào đến mua. Thu hoạch bán lẻ đã kéo dài cả tháng, nhưng chỉ bán được 3 cây. Năm 2013, bán được giá 5.000 đồng/kg, năm nay đầu vụ giá giảm còn 1.500 đồng/kg!”.
Hiện người trồng dâu ở huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ); huyện Châu Thành A, TX.Ngã Bảy (Hậu Giang), huyện Tịnh Biên (An Giang) rất khó khăn tìm “đầu ra”. “Chắc tôi và nhiều người sẽ đốn hết vườn dâu để chuyển sang trồng cây khác. Vườn dâu nhà tôi đã chín rục, trái đã rơi rụng khoảng 30 - 40%. Vụ này thất thu khoảng 50 triệu đồng” - ông Hoàng bộc bạch tiếp.
Bà Nguyễn Thị Hai - ngụ ấp Nhơn Thọ 2A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền - cũng thấp thỏm: “Gia đình tui có 3,5 công dâu. Năm trước dâu thất mùa, nhưng thu lãi trên 10 triệu đồng. Năm nay trúng mùa, vậy mà phải chạy ra những vựa lớn kêu bán với giá 1.500 đồng/kg.
Mang đến tận nơi họ mới mua, nhưng chỉ mua vài trăm ký. Tiền mướn nhân công, thuê xe vận chuyển mỗi chuyến cũng bằng bán trên 200kg dâu”.
Không bán được cho thương lái, một số nhà vườn đành thu hoạch vài chục ký/lần, đem ra chợ hoặc để trước nhà bán lẻ. Ông Đặng Chí Hiếu - ngụ cùng địa phương với bà Hai - cho biết thêm: “Trồng dâu rất cực công thu hoạch, hầu hết nhà vườn phải thuê nhân công. Chi phí đầu tư thuê nhân công, phân bón, thuốc sâu…trên 5 triệu đồng. Vườn nhà tôi thu hoạch được 4 tấn dâu, bán giá 1.500 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 năm rồi”.
Ông Lê Văn Thương - chủ vựa trái cây ở huyện Phong Điền - cho biết: “Chưa năm nào dâu rớt giá mạnh như năm nay. Thông thường vào mùa mưa là mùa dâu xuất bán sang Campuchia với số lượng lớn. Năm nay, thị trường Campuchia không “ăn hàng” nên dội chợ, đẩy giá dâu xuống thấp; nhất là dâu bòn bon.
Các nhà vườn trồng dâu da xanh, dâu Gia Bảo, dâu xiêm… tuy giá giảm nhưng vẫn tiêu thụ được. Vụ dâu năm nay vựa của tôi nhập gần 10 tấn dâu bòn bon, không có “đầu ra” cuối cùng đành đổ bỏ…”.
Có thể bạn quan tâm

Nhìn những quả na dai to đều, nặng trĩu khắp các cành cao, cành thấp mới cảm nhận được nỗ lực chịu thương, chịu khó học hỏi không ngừng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thuyết để có được những bí quyết hay và thành quả của ngày hôm nay.

Đây là mô hình nằm trong chương trình Đề án về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc nuôi trồng nhằm mục tiêu tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp người nuôi từng bước tiếp cận với phương thức sản xuất mới từ đó nâng cao trình độ sản xuất, thích hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Cá chày mắt đỏ là một trong những loài cá bản địa sống ở các sông, hồ tự nhiên khu vực phía Bắc, đến nay trở nên quý hiếm do sản lượng ngày càng suy kiệt. Việc nhân giống cá chày mắt đỏ và phổ biến quy trình nhân giống có ý nghĩa lớn trong bảo tồn đa dạng sinh học tự nhiên, đồng thời gợi mở cho các hộ nuôi trồng thủy sản một hướng phát triển kinh tế tiềm năng.

Nằm ở lưu vực sông Sêrêpôk đoạn qua xã Ea Na, huyện Krông Ana, nơi nối liền hai huyện Krông Ana (tỉnh Dak Lak) và huyện Krông Nô (tỉnh Dak Nông) có một trang trại cá diêu hồng, với sản lượng cá xuất ra hàng ngày lên tới 3-5 tấn. Vì nằm trên cồn, biệt lập với đất liền nên người dân quanh vùng đặt tên cho nơi này là "đảo cá".

Sau hơn ba năm triển khai thí điểm, đến nay, mô hình bảo hiểm nông nghiệp, trong đó có nghề nuôi tôm, đang từng bước đi vào đời sống, trở thành tấm lá chắn cho người nông dân trước những rủi ro, biến động trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải được tháo gỡ.