Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bưởi da xanh lên đời

Bưởi da xanh lên đời
Ngày đăng: 18/11/2015

Trồng bưởi da xanh khấm khá

Ông Đặng Văn Nám, ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tôi vừa bán mấy tấn bưởi da xanh với giá 42.000 đồng/kg, mức giá đảm bảo cho nhà vườn lời đậm.

Tính chung từ đầu năm 2015 đến nay, gia đình tôi đã “bỏ túi” gần 2 tỉ đồng từ việc chuyên canh hơn 1,2ha bưởi da xanh.

Nông dân tụi tôi sống với nghề làm vườn mấy chục năm nay và trồng nhiều loại cây khác nhau.

Tuy nhiên, bưởi da xanh là cây hiệu quả kinh tế cao nhất.

Ngoài chuyện giá cả ở mức cao giúp nông dân an tâm sản xuất, thì cây bưởi da xanh còn có ưu điểm như chỉ tốn chi phí nhiều trong vài ba năm đầu, đến khi cây bưởi cho trái ổn định thì giá thành giảm xuống còn khoảng 3.000 đồng/kg (chỉ bằng 10% so giá bán hiện nay).

Mặt khác, bưởi da xanh ít mất mùa, ít bị sâu bệnh, tuổi thọ cao…”.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, tiết lộ: “Toàn huyện có khoảng 1.350ha bưởi các loại.

Nếu như trước đây người dân trồng nhiều bưởi Năm Roi thì vài năm nay bà con ở xã Đông Thạnh, Phú Hữu, thị trấn Ngã Sáu… đẩy mạnh phát triển bưởi da xanh, do loại cây này được giá cao, lời nhiều”.

Tại Bến Tre, bưởi da xanh phát triển rất mạnh.

Ông Đào Văn Minh, ngụ xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, tiết lộ: “Tôi vừa bán 1,3 tấn bưởi da xanh với giá bình quân 40.000 đồng/kg, được tổng cộng hơn 48 triệu đồng.

Tính chung vườn bưởi 8 công của gia đình tôi năm nay thu hoạch hơn 26 tấn, mang về khoảng 1 tỉ đồng”.

Theo ông Minh, nếu so sánh với nhiều loại trái cây khác như chôm chôm, thanh long, cam, mận, ổi, nhãn… thì bưởi da xanh là được giá cao nhất và tiêu thụ dễ nhất.

Chỉ cần bưởi đến thời điểm thu hoạch là có thương lái và các cơ sở tới nhà mua, trả tiền liền.

Chính vì thế mà nhiều nông dân trồng bưởi da xanh phất lên thấy rõ.

Hợp tác cùng đưa bưởi da xanh đi xa...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cho biết toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 7.000ha bưởi da xanh, đây là loại cây rất triển vọng, bởi giống ngon nên được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Cái hay của bưởi da xanh là các địa phương có sự quy hoạch, đầu tư, phát triển bài bản; ngành nông nghiệp, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân… có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất chất lượng GAP, năng suất cao; quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ ổn định, giá cao…

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre là địa phương đi đầu về việc đầu tư mô hình phát triển bưởi da xanh bền vững.

Theo đó, ngành nông nghiệp mở nhiều lớp tập huấn về giống, chuyển giao kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản… thu hút hàng ngàn nông dân tham dự.

Thành lập nhiều tổ hợp tác và hợp tác xã để đưa nông dân vào sản xuất liên kết nhằm tăng chất lượng, giảm giá thành.

Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam tích cực hỗ trợ Bến Tre nhiều dự án về canh tác bưởi da xanh theo tiêu chuẩn GAP, nhờ đó người dân không ngừng nâng cao trình độ sản xuất.

Nếu như năm 2005, toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 1.530ha bưởi da xanh, năng suất 9-10 tấn/ha, nay diện tích tăng lên hơn 5.000ha, năng suất từ 14-15 tấn/ha trở lên; có hộ đạt trên 20 tấn/ha...

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, khẳng định: “Song hành cùng việc đầu tư tích cực của các ngành chức năng để phát triển bưởi da xanh về năng suất, chất lượng… thì vấn đề khá quan trọng là các doanh nghiệp, cơ sở thu mua… đã liên kết chặt với nông dân, đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị để trái bưởi da xanh trở thành loại trái cây hấp dẫn người tiêu dùng xa gần”.

Ông Đàm Văn Hưng, Chủ cơ sở thu mua bưởi Hương Miền Tây (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) là người có công lớn trong việc quảng bá bưởi da xanh, cho biết: “Chín tháng đầu năm 2015, cơ sở của tôi cung cấp cho thị trường hơn 10.000 tấn bưởi da xanh; trong đó khoảng 95% là tiêu thụ nội địa và 5% xuất khẩu.

Điều lạ lùng là thị trường nội địa “khoái” ăn bưởi loại 1 dù giá từ 50.000 đồng/kg.

Còn bưởi loại 2, loại 3 dành để xuất khẩu…”.

Theo ông Hưng, mấy năm qua, ông là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư, liên kết với nhà vườn phát triển bưởi da xanh.

Hiện tại, cơ sở Hương Miền Tây ký hợp đồng với 27 tổ hợp tác và HTX về sản xuất và tiêu thụ.

“Tôi sẵn sàng mua hết số lượng và giá nhỉnh hơn thị trường để nông dân được lợi.

Song, yêu cầu nông dân phải tuân thủ các quy trình canh tác, đảm bảo an toàn, tuyệt đối không thu hoạch bưởi non dưới 8 tháng tuổi, bưởi có sử dụng thuốc tăng trưởng… vì như thế sẽ làm người tiêu dùng chê, ảnh hưởng uy tín của bưởi da xanh”, ông Hưng bộc bạch.


Có thể bạn quan tâm

Hơn 60% Hộ Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Có Lãi Hơn 60% Hộ Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Có Lãi

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải – Trà Vinh, tính đến ngày 21/8/2013, trên địa bàn huyện có 644 hộ thả nuôi hơn 225 triệu con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 412 hécta. Tập trung nhiều tại các xã Hiệp Thạnh, Long Hữu, Long Toàn.

24/08/2013
Nông Dân Thua Lỗ Vì Chồn Nhung Nông Dân Thua Lỗ Vì Chồn Nhung

Những người nông dân huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã nuôi giấc mộng làm giàu từ một loài vật nuôi có cái tên lạ hoắc: Chồn nhung. Sự thật về loài vật nuôi này hiện nay đang ra sao? Liệu chúng có đáng giá đến mức người nông dân phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua về nuôi? Loài vật nuôi ngoại nhập này đã dấy lên một cơn sốt chồn nhung đen tại miền Bắc, khi mà nhiều đối tượng bán hàng đa cấp trục lợi đang thổi giá bán lên hàng triệu đồng mỗi đôi.

24/08/2013
Trồng Tần Dày Lá Tắc Đầu Ra Trồng Tần Dày Lá Tắc Đầu Ra

Ông Đào Văn Măng (ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Bình Thành, Châu Thành - An Giang) trồng khoảng 1.200m2 tần dày lá đến thời điểm thu hoạch, nhưng không có đầu ra.

24/08/2013
Người Dân Lao Đao Vì Ngô Lai Mất Giá Người Dân Lao Đao Vì Ngô Lai Mất Giá

Vụ mùa 2013, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) gieo tỉa trên 6.330 ha ngô lai, tăng 630 ha so với kế hoạch, tập trung nhiều nhất tại các địa phương như: Cư Kbang, Cư M’lan, Ea Lê, Ia T’mốt, thị trấn Ea Súp…

24/08/2013
Chủ Động Phòng Trừ Dịch Hại Lúa Mùa Sau Mưa Lũ Chủ Động Phòng Trừ Dịch Hại Lúa Mùa Sau Mưa Lũ

Sau những cơn mưa kéo dài vừa qua, nhiều diện tích lúa mùa ở các huyện, thành phố đã xuất hiện nhiều loại dịch hại. Để phòng trừ dịch hại sau mưa lũ, bà con nông dân trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ, hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh gây ra..

24/08/2013