Bưởi Da Xanh Không Lo Đầu Ra

Nhà vườn trồng bưởi da xanh ở Bến Tre nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung đã và đang được DN đồng hành trong việc ổn định đầu ra, bằng cách xây kho lạnh trữ hàng mỗi khi thu hoạch rộ, giá bưởi giảm.
Ông Nguyễn Văn Xốt, ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) canh tác 5.000 m2 bưởi da xanh nói: "Nhà vườn trồng bưởi da xanh bây giờ chỉ tập trung vào sản xuất sao cho đạt năng suất cao và chất lượng. Đầu ra không cần phải lo vì thương lái ép giá nữa, bởi toàn bộ sản phẩm đã được cơ sở Hương Miền Tây ký hợp đồng bao tiêu".
Từ đầu năm 2014 đến nay, giá bưởi da xanh ổn định và luôn đứng ở mức khá cao. Hiện đang là vụ thu hoạch rộ nhưng giá vẫn đứng ở mức 38.000 đ/kg loại I; loại II có giá 28.000 đ/kg; loại III giá 18.000 đ/kg. Với mức giá này sau khi trừ chí đầu tư nhà vườn thu lãi hơn 70%/tổng thu nhập.
Ông Mai Văn Rẩy, ấp Hội Thành, xã Tân Hội (Mỏ Cày Nam, Bến Tre) đang canh tác 220 gốc bưởi da xanh 7 năm tuổi chia sẻ: "Vườn bưởi da xanh của tôi sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP, đến ngày thu hoạch cơ sở Hương Miền Tây đưa người và xe đến hái. Nhờ có Hương Miên Tây mà giá bưởi đứng ở mức khá cao. Ước năm nay sau khi trừ chi phí tôi cầm chắc lợi nhuận trên 200 triệu đồng".
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng ban nhân dân ấp Hội Thành, xã Tân Hội (Mỏ Cày Nam, Bến Tre), toàn ấp Hội Thành có 53,4 ha bưởi da xanh, trong đó 60% diện tích đang cho trái. Nhà vườn rất vui vì bưởi đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng giá vẫn ở mức cao.
Lý do chính là bưởi da xanh ở đây canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP nên được cơ sở Hương Miền Tây hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. Bình quân 1 ha bưởi da xanh trồng xen trong vườn dừa từ 5 năm tuổi trở lên sẽ giúp cho nhà vườn thu trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, Bến Tre cho biết: Thị trường bưởi da xanh trong thời gian qua rất ổn định và đang ở mức khá cao. Trong nhiều nguyên nhân khiến giá luôn cao hơn các loại bưởi khác, một phần là: Cây bưởi da xanh rất khó trồng, kén thổ nhưỡng, đòi hỏi kỹ thuật cao, nên chỉ có khoảng 40% số hộ trồng bưởi da xanh thành công. Tuy nhiên, nếu canh tác đạt năng suất khoảng 12 tấn/ha, thì nhà vườn có lãi ròng khoảng 70%...
Ông Phan Văn Khổng, Giám đốc Trung tâm KN-KN Bến Tre, cho biết: "Dự án phát triển 6.000 ha bưởi da xanh trong vườn dừa đã và đang hình thành vùng nguyên liệu ổn định về sản lượng và chất lượng. Đầu ra của trái bưởi da xanh được cơ sở Hương Miền Tây đảm nhận rất tốt trong mối liên kết 4 nhà, đã và đang giúp cho các bên đều có lợi".
Ông Đàm Văn Hưng, chủ cở sở Hương Miền Tây, đóng tại ngã ba Bền, xã Phước Mỹ Trung (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) chia sẻ: Thực tế đang chứng minh, khi liên kết với các nhà vườn, tuy bước vào vụ thu hoạch rộ nhưng giá không giảm như mọi năm. Hiện bình quân mỗi ngày cơ sở thu mua khoảng 30 tấn trái, với giá 38.000 đ/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước 10.000 đ/kg.
Có được thành công về giá bưởi da xanh như năm nay, là do cơ sở Hương Miền Tây đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng đầu tư kho trữ lạnh 1.400 tấn. Kho lạnh sẽ bảo quản trái bưởi từ 60 ngày trở lên, màu sắc, chất lượng không thay đổi.
Ông Hưng nói: "Sở dĩ tôi mạnh dạn xây dựng kho lạnh trữ bưởi da xanh là xuất phát từ thành công của năm 2013. Khi bước vào mùa thu hoạch rộ (tháng 7 - 9) bưởi da xanh giảm còn 27.000 đ/kg mà vẫn bị thương lái ép giá. Khi đó DN đã thu mua dự trữ hơn 120 tấn trái đưa vào kho lạnh trữ lại 60 ngày thì giá tăng trở lại mức 35.000 đ/kg.
Nếu không có kho lạnh thì giá có khả năng xuống đến mức 20.000 đ/kg. Từ thành công đó chúng tôi rút ra bài học là có kho lạnh sẽ điều tiết được thị trường trong nước và XK".
Một điều nữa mà nhà vườn cần hiểu rằng, XK trái cây là để bình ổn giá trong nước chứ không phải lúc nào cũng bán được giá cao. Thực tế qua 8 năm đưa trái bưởi da xanh ra nước ngoài, chưa bao giờ DN bán được giá cao hơn 2 USD/kg, nhưng DN vẫn XK, vừa để giúp nhà vườn tiêu thụ sản phẩm, vừa điều tiết thị trường trong nước, tránh giá giảm sâu gây thua lỗ cho cả DN lẫn nhà vườn.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, xã Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao giúp nhiều nông dân thoát nghèo và làm giàu chính đáng như: mô hình nuôi cá lóc, nuôi bò, nuôi thỏ kết hợp nuôi cá... đặc biệt mô hình nuôi nai của ông Nguyễn Thành Nam cho lợi nhuận 40 - 50 triệu đồng từ bán nhung và nai giống.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm mới có giá trị tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là ở thành phố du lịch như Hạ Long.

Gần đây, ở huyện Thoại Sơn (An Giang) và một vài nơi khác mọc lên những ngôi nhà mới cao tầng, không để ở mà xây “lâu đài” cho chim yến trú ngụ với mục đích lấy tổ bán làm giàu.

Gà chín cựa tưởng như chỉ tồn tại trong truyền thuyết nhưng năm nay, con vật này có thể sẽ xuất hiện trong mâm cỗ Tết của nhiều gia đình.

Trước tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang bùng phát mạnh và hàng loạt dịch cúm A khác: A/H5N1, H1N1, H10N8, H9N2… có chiều hướng gia tăng và tiến sát biên giới Việt Nam. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán, các địa phương đang triển khai cấp bách biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch xâm nhập và bùng phát dịch.