Bùng Phát Bệnh Đốm Trắng Cây Thanh Long

Bệnh đốm trắng đang có chiều hướng lan rộng trên cây thanh long ở Bình Thuận, vì thế không ít nhà vườn bị thất thu, dù giá trái cao hơn mọi năm.
Như nhiều hộ khác, vườn thanh long nhà chị Nguyễn Thị Hồng ở khu phố 1, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc bỏ không ít chi phí đầu tư, mồ hôi công sức... nhưng vụ vừa qua đã trắng tay vì cây bị bệnh đốm trắng.
Chị Hồng than vãn: “Gia đình tôi có 500 trụ thanh long tơ, vụ mùa ra bông rất nhiều. Tôi tưởng chừng sẽ có nguồn thu lớn, vì giá trái rất cao, từ 8.000 - 10.000 đ/kg nhưng không ngờ bệnh đốm trắng làm trái thối sạch. Vì vậy cả vườn nhà tôi chỉ thu được hơn 1 tấn trái nhưng đều nhiễm nấm, phải bán rẻ như bèo, không đủ chi phí mua thuốc phun xịt”.
Theo chị, lúc đầu bệnh này chỉ xuất hiện trên những cành già có chấm hình tròn bằng đồng xu, một số cành non cũng có nhiều đốm chấm, sau đó chuyển sang màu vàng xám làm cành bị thối. Không chỉ gây hư cành, bệnh này còn lan xuống trái, nếu mức độ nhẹ thì trên trái có những đốm chấm, nổi sần như da con tắc kè (người dân hay gọi là nấm tắc kè), còn nặng hơn thì làm thối trái.
Hơn nữa bệnh này có tốc độ lây lan rất nhanh, nếu không phun thuốc BVTV kịp thời thì sẽ lan sang những trụ kế tiếp. Điều đáng lưu ý là mặc dù chị Hồng thường xuyên chặt bỏ những cành mắc bệnh, phun rất nhiều loại thuốc BVTV, mỗi lần phun mất khoảng 300.000 đồng, định kỳ 7 - 10 ngày là phun, nhưng không thể khắc phục.
Tương tự, vườn thanh long của hộ anh Dân Thanh ở khu phố Lâm Giáo, thị trấn Ma Lâm cũng bị "dính" bệnh đốm trắng. "Gia đình tôi có 300 trụ thanh long. Cách đây 2 tháng, bệnh nấm hại cành chỉ xuất hiện có vài trụ nên tôi không chú ý, nay hầu như lan rộng cả vườn. Dù đã đầu tư cả máy phun xịt, mua các loại thuốc đặc trị bệnh nấm, phun nhiều lần nhưng không cứu vãn nổi", anh Thanh nói.
Theo Chi cục BVTV Bình Thuận, diện tích thanh long trong tỉnh bị nhiễm bệnh đốm trắng hại cành và quả lên đến 252 ha, tập trung rải rác ở các huyện. Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh để dùng thuốc đặc trị. Bệnh thường gây hại ở những vườn nhiều cỏ, độ pH trong gốc cây thấp, bộ rễ kém phát triển... Đây có thể là một bệnh do sinh lý thực vật gây ra, tác nhân chủ yếu do chế độ canh tác.
Trong khi chờ kết quả giám định mẫu bệnh, Chi cục đưa ra một số giải pháp khắc phục như dọn sạch cỏ vườn thanh long, thu gom cành, trái bị hư hỏng ra khỏi vườn. Phun thuốc Agri-life, Actinovate khoảng 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần. Tăng cường bón phân lân và kali, hạn chế bón đạm và thuốc kích thích sinh trưởng...
Có thể bạn quan tâm

Cao su - một trong những nông sản chủ lực ở khu vực Tây Nguyên đang gặp rất nhiều khó khăn, một phần do giá mủ xuống thấp, một phần do việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Ở nhiều vườn cao su liên kết và cao su tiểu điền, nông dân đã ngừng cạo mủ vì tiền bán sản phẩm thấp hơn chi phí.

Do thời gian qua, giá một số loại nấm đứng ở mức thấp nên mùa vụ này, nhiều nông dân trồng nấm không đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nhu cầu tiêu thụ bịch phôi nấm không cao bằng các vụ nấm khác trong năm. Hiện lượng nấm mèo khô tồn tại các trại nấm còn khá nhiều vì giá thu mua thấp, chỉ có từ 70-72 ngàn đồng/kg.

Khi mùa dưa hấu chính vụ đã qua, giá dưa từ 2.000 đồng/kg được thu mua tại ruộng vào thời điểm cách đây hơn 1 tháng nay đã tăng lên 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những ruộng dưa còn thu hoạch vào thời điểm này ít nên xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.

Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Thới Bình phối hợp với ban, ngành, các cấp thực hiện phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với đăng ký thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi luôn được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tích cực hưởng ứng.

Mỹ đã “soán ngôi” EU về nhập khẩu cá tra Việt Nam là thông tin được ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đưa ra tại hội nghị giao ban giữa Hiệp hội Cá tra Việt Nam với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình sản xuất và xuất khẩu cá tra, được tổ chức ngày 6/5 tại thành phố Cần Thơ.