Bốn Chàng Công Nghệ Bỏ Nghề Đi Trồng Rau Sạch

Với phần mềm quản lý tự viết, 4 chàng trai tin rằng lợi thế kinh doanh của mình là có thể giúp khách hàng tra rõ lai lịch đến từng bó rau.
Gần một năm qua, bộ tứ Như Phúc, Quang Hưng, Văn Sơn và Đức Thọ đã quen với phản ứng bất ngờ từ bè bạn, người thân khi biết họ bỏ nghề công nghệ thông tin đã theo đuổi bấy lâu để xây dựng dự án trồng rau sạch. Chia sẻ với VnExpress, những người trong cuộc cho biết họ đều cảm thấy mãn nguyện và không hối tiếc.
"Bọn mình quyết định trồng rau sạch vì tin rằng có thể làm giàu từ nó. Ngoài ra, con cái mình cũng có lợi vì có được rau sạch để ăn", anh Hưng, một trong bốn thành viên nói. Hưng hiện là Phó giám đốc công ty mới thành lập.
Con đường đến với kinh doanh rau sạch của bốn chàng trai cùng sinh năm 1984 bắt đầu từ tháng 4 năm ngoái. Không một chút kiến thức về nông nghiệp, các doanh nhân trẻ nhiều tuần lặn lội xuống từng ruộng rau ở quanh Hà Nội để xem cách nông dân trồng rau, sau đó vào Đà Lạt để học cách lập mô hình trang trại.
Ngoài ra, nhóm cũng liên kết với Đại học Nông nghiệp để được trợ giúp về mặt kỹ thuật, liên hệ với Trung tâm Chứng nhận Phù hợp - Quacert của Bộ Khoa học Công nghệ để được cấp chứng chỉ VietGap cho 56 loại rau khác nhau.
Nguồn vốn bỏ ra toàn bộ là từ gia đình các thành viên hỗ trợ. Trụ sở chính là nhà của một thành viên trong nhóm, khu đất làm kho hàng cũng là đất của gia đình. Sau một thời gian vạch kế hoạch, bốn chàng trai quyết định lập trang trại rộng 6 hecta ở Mộc Châu. Dù cùng quê ở Điện Biên và đều đang làm việc ở Hà Nội, nhưng họ nhận thấy ở miền Bắc, thời tiết ở Mộc Châu phù hợp hơn với việc trồng trọt và lập trang trại lớn.
Một thành viên được cắt cử để "định cư" luôn ở trang trại, theo dõi việc sản xuất hằng ngày. Những người còn lại ở Hà Nội để đảm nhiệm việc kinh doanh, phân phối. Họ đã mất tám tháng để dựng lên trang trại và trải qua nhiều phen đập đi xây lại vì những bỡ ngỡ trong lần đầu học việc. Sau đó, nhóm dành thêm hai tháng tính đến cuối 2013 để thử nghiệm các loại rau. Cuối cùng, họ đã trồng thành công, và đến nay cho ra gần chục đợt rau.
Là dân công nghệ, dự án trồng rau sạch của bốn chàng trai trẻ có nhiều điểm khác "người thường". Ngoài việc tự xây dựng website bán rau trực tuyến, họ cũng mày mò tự viết một phần mềm cho phép khách hàng truy xuất nguồn gốc của từng bó rau.
"Trên mỗi bó rau có một mã số. Khi khách hàng mua về và muốn xem nguồn gốc, họ chỉ cần gõ mã số lên trang web là biết được bó rau này được thu hoạch vào ngày nào, trồng ở luống số bao nhiêu, tổng khối lượng của đợt rau ngày hôm đó là bao nhiêu... Kể cả hai năm sau khách mới vào tìm hiểu thì dữ liệu vẫn còn", anh Hưng giải thích.
Nếu khách hàng vẫn chưa yên tâm và tiếp tục muốn biết cụ thể hơn về bó rau họ mua, công ty sẽ cung cấp tiếp tầng thông tin thứ hai cụ thể hơn như đợt rau đó được gieo từ ngày nào, trồng như thế nào, bón phân gì, lịch bón ra sao...
Do mới đi vào sản xuất, số lượng rau trồng được còn ít nên nguồn rau làm ra không đủ cung cấp. "Đến tháng 5 sản lượng bắt đầu đều thì công ty sẽ bán rộng rãi, còn hiện nay mới bán cho khách quen", anh Hưng nói thêm.
Anh Hưng cho biết hiện nay mỗi tuần có 3 chuyến xe chở rau từ Mộc Châu về Hà Nội, mỗi lần mang khoảng 800 kg rau. "Sau ngày 25/4, sản lượng sẽ tăng lên 1,3 đến 1,4 tấn mỗi chuyến, mỗi tuần 5 đến 6 chuyến vì đến thời điểm đó rau bắt đầu nhiều, các loại cây cho quả như cà chua cũng bắt đầu thu hoạch. Chúng tôi đang cân nhắc đổi xe tải loại to hơn để mới chở đủ", đại diện công ty này nói.
Phải bỏ nghề và đầu tư hàng tỷ đồng cho dự án trang trại rau sạch, bốn doanh nhân trẻ chấp nhận bán lỗ một vài nghìn đồng mỗi cân rau. "Đây chỉ là lỗ tạm thời vì hiện nay sản lượng còn ít", Giám đốc Lê Như Phúc cho biết. Anh tính toán trong tương lai khi năng suất tăng lên, giá thành giảm xuống họ sẽ có lãi. "Chúng tôi xác định sẽ lỗ trong một hai năm đầu", anh tính toán.
Dù vậy, các doanh nhân trẻ vẫn tin rằng mình đang đi đúng hướng. "Do có lợi thế là phần mềm quản lý rau, chúng tôi tin rằng khách hàng sẽ ngày càng nhiều", giám đốc Lê Như Phúc khẳng định.
"Nếu ai tự tay trồng rau, chứng kiến rau lớn từng ngày mới hiểu cảm giác 'sướng' của người trồng như thế nào", anh Hưng chia sẻ. Bỏ nghề công nghệ đi làm nông nghiệp, anh Hưng cho biết giờ đây còn được vợ hoan nghênh vì ngày nào cũng có rau sạch để nấu bột cho con ăn.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, nông dân canh tác vườn các xã trên địa bàn huyện Tịnh Biên (An Giang) đang thu hoạch xoài sớm, với mức giá bình quân 8.000 đồng/kg. Ông Đinh Văn Được, nông dân xã An Cư, cho biết: “Giá xoài năm nay không cao hơn cùng kỳ, nhưng người trồng cũng có lời từ 2 triệu - 3 triệu đồng/công. Xoài đầu mùa thường có giá cao, khi vào vụ thu hoạch rộ thì giá giảm nhưng vẫn mang lại lợi nhuận”.

Không như những năm trước đây người dân chỉ trồng dưa để phục vụ cho Tết Nguyên đán, hiện nay rất nhiều nông dân trên địa bàn huyện Định Quán (Đồng Nai) đã tiến hành xuống giống dưa để chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết Dương lịch 2014.

Với chất lượng ngon, ngọt nên xoài cát Hòa Lộc là một trong những loại trái cây được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, “điệp khúc trúng mùa, rớt giá” vẫn thường xuyên xảy ra. Chính vì vậy, một số nhà vườn ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xử lý xoài ra hoa rải vụ nhằm bán được giá cao.

Theo đánh giá của Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh thuỷ sản có nhiều diễn biến phức tạp, tuy có giảm hơn so với năm 2012, nhưng một số dịch bệnh xuất hiện trong giai đoạn cuối tháng 5-2013, ở trên địa bàn huyện Tiên Yên với diện tích trên 600ha tôm sú tại xã Hải Lạng gây thiệt hại cho 311 hộ dân; trong tháng 6, dịch bệnh bùng phát tại phường Hà An (TX Quảng Yên) đã có 966.000 con tôm giống từ 45-70 ngày tuổi bị chết; dịch bệnh trên tu hài do nhiễm Perkinsus vẫn xảy ra rải rác tại các hộ nuôi mới ở huyện Vân Đồn; bệnh đốm trắng và vi khuẩn ở tôm thẻ chân trắng bị chết tại huyện Đầm Hà. Ngoài ra, một số lượng cá lồng bè bị chết ở Vân Đồn, Đầm Hà, Móng Cái... chưa phát hiện nguyên nhân cụ thể.

Mỗi năm đến tháng 10 âm lịch, lũ rút nhanh cũng là lúc cá từ đồng tìm đường ra sông. Mùa cá chỉ có duy nhất một lần trong năm nên người dân sống vùng sông nước lại hối hả chuẩn bị chài, lọp để đánh bắt.