Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bốn Chàng Công Nghệ Bỏ Nghề Đi Trồng Rau Sạch

Bốn Chàng Công Nghệ Bỏ Nghề Đi Trồng Rau Sạch
Ngày đăng: 04/04/2014

Với phần mềm quản lý tự viết, 4 chàng trai tin rằng lợi thế kinh doanh của mình là có thể giúp khách hàng tra rõ lai lịch đến từng bó rau.

Gần một năm qua, bộ tứ Như Phúc, Quang Hưng, Văn Sơn và Đức Thọ đã quen với phản ứng bất ngờ từ bè bạn, người thân khi biết họ bỏ nghề công nghệ thông tin đã theo đuổi bấy lâu để xây dựng dự án trồng rau sạch. Chia sẻ với VnExpress, những người trong cuộc cho biết họ đều cảm thấy mãn nguyện và không hối tiếc.

"Bọn mình quyết định trồng rau sạch vì tin rằng có thể làm giàu từ nó. Ngoài ra, con cái mình cũng có lợi vì có được rau sạch để ăn", anh Hưng, một trong bốn thành viên nói. Hưng hiện là Phó giám đốc công ty mới thành lập.

Con đường đến với kinh doanh rau sạch của bốn chàng trai cùng sinh năm 1984 bắt đầu từ tháng 4 năm ngoái. Không một chút kiến thức về nông nghiệp, các doanh nhân trẻ nhiều tuần lặn lội xuống từng ruộng rau ở quanh Hà Nội để xem cách nông dân trồng rau, sau đó vào Đà Lạt để học cách lập mô hình trang trại.

Ngoài ra, nhóm cũng liên kết với Đại học Nông nghiệp để được trợ giúp về mặt kỹ thuật, liên hệ với Trung tâm Chứng nhận Phù hợp - Quacert của Bộ Khoa học Công nghệ để được cấp chứng chỉ VietGap cho 56 loại rau khác nhau.

Nguồn vốn bỏ ra toàn bộ là từ gia đình các thành viên hỗ trợ. Trụ sở chính là nhà của một thành viên trong nhóm, khu đất làm kho hàng cũng là đất của gia đình. Sau một thời gian vạch kế hoạch, bốn chàng trai quyết định lập trang trại rộng 6 hecta ở Mộc Châu. Dù cùng quê ở Điện Biên và đều đang làm việc ở Hà Nội, nhưng họ nhận thấy ở miền Bắc, thời tiết ở Mộc Châu phù hợp hơn với việc trồng trọt và lập trang trại lớn.

Một thành viên được cắt cử để "định cư" luôn ở trang trại, theo dõi việc sản xuất hằng ngày. Những người còn lại ở Hà Nội để đảm nhiệm việc kinh doanh, phân phối. Họ đã mất tám tháng để dựng lên trang trại và trải qua nhiều phen đập đi xây lại vì những bỡ ngỡ trong lần đầu học việc. Sau đó, nhóm dành thêm hai tháng tính đến cuối 2013 để thử nghiệm các loại rau. Cuối cùng, họ đã trồng thành công, và đến nay cho ra gần chục đợt rau.

Là dân công nghệ, dự án trồng rau sạch của bốn chàng trai trẻ có nhiều điểm khác "người thường". Ngoài việc tự xây dựng website bán rau trực tuyến, họ cũng mày mò tự viết một phần mềm cho phép khách hàng truy xuất nguồn gốc của từng bó rau.

"Trên mỗi bó rau có một mã số. Khi khách hàng mua về và muốn xem nguồn gốc, họ chỉ cần gõ mã số lên trang web là biết được bó rau này được thu hoạch vào ngày nào, trồng ở luống số bao nhiêu, tổng khối lượng của đợt rau ngày hôm đó là bao nhiêu... Kể cả hai năm sau khách mới vào tìm hiểu thì dữ liệu vẫn còn", anh Hưng giải thích.

Nếu khách hàng vẫn chưa yên tâm và tiếp tục muốn biết cụ thể hơn về bó rau họ mua, công ty sẽ cung cấp tiếp tầng thông tin thứ hai cụ thể hơn như đợt rau đó được gieo từ ngày nào, trồng như thế nào, bón phân gì, lịch bón ra sao...

Do mới đi vào sản xuất, số lượng rau trồng được còn ít nên nguồn rau làm ra không đủ cung cấp. "Đến tháng 5 sản lượng bắt đầu đều thì công ty sẽ bán rộng rãi, còn hiện nay mới bán cho khách quen", anh Hưng nói thêm.

Anh Hưng cho biết hiện nay mỗi tuần có 3 chuyến xe chở rau từ Mộc Châu về Hà Nội, mỗi lần mang khoảng 800 kg rau. "Sau ngày 25/4, sản lượng sẽ tăng lên 1,3 đến 1,4 tấn mỗi chuyến, mỗi tuần 5 đến 6 chuyến vì đến thời điểm đó rau bắt đầu nhiều, các loại cây cho quả như cà chua cũng bắt đầu thu hoạch. Chúng tôi đang cân nhắc đổi xe tải loại to hơn để mới chở đủ", đại diện công ty này nói.

Phải bỏ nghề và đầu tư hàng tỷ đồng cho dự án trang trại rau sạch, bốn doanh nhân trẻ chấp nhận bán lỗ một vài nghìn đồng mỗi cân rau. "Đây chỉ là lỗ tạm thời vì hiện nay sản lượng còn ít", Giám đốc Lê Như Phúc cho biết. Anh tính toán trong tương lai khi năng suất tăng lên, giá thành giảm xuống họ sẽ có lãi. "Chúng tôi xác định sẽ lỗ trong một hai năm đầu", anh tính toán.

Dù vậy, các doanh nhân trẻ vẫn tin rằng mình đang đi đúng hướng. "Do có lợi thế là phần mềm quản lý rau, chúng tôi tin rằng khách hàng sẽ ngày càng nhiều", giám đốc Lê Như Phúc khẳng định.

"Nếu ai tự tay trồng rau, chứng kiến rau lớn từng ngày mới hiểu cảm giác 'sướng' của người trồng như thế nào", anh Hưng chia sẻ. Bỏ nghề công nghệ đi làm nông nghiệp, anh Hưng cho biết giờ đây còn được vợ hoan nghênh vì ngày nào cũng có rau sạch để nấu bột cho con ăn.


Có thể bạn quan tâm

Vườn Dâu, Cà Chua Ngọt Siêu Sạch Cho Khách Thăm Quan Dịp Festival Vườn Dâu, Cà Chua Ngọt Siêu Sạch Cho Khách Thăm Quan Dịp Festival

Anh Vũ Nhuần (24 Vạn Kiếp, khu phố Hà Đông, phường 8, Tp.Đà Lạt), cho biết: Để chuẩn bị cho Festival hoa sắp tới, gia đình đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng trồng thử nghiệm mô hình dâu tây siêu sạch theo phương pháp thủy canh và cà chua siêu ngọt để cho khách thăm quan trong dịp lễ hội.

15/11/2013
Đột Phá Từ Cây Măng Tây Xanh Đột Phá Từ Cây Măng Tây Xanh

Măng tây xanh được xem là loại rau cao cấp, có giá trị dinh dưỡng cao. Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, UBND tỉnh đã có định hướng sẽ thực hiện đề án phát triển và tiêu thụ cây măng tây xanh trên địa bàn TP. Bạc Liêu.

15/11/2013
Tập Trung Xuống Giống Vụ Lúa Đông Xuân Tập Trung Xuống Giống Vụ Lúa Đông Xuân

Ngày 13/11, Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức hội nghị triển khai sản xuất vụ đông xuân năm 2013- 2014. Theo lịch thời vụ của Sở NN-PTNT, vụ lúa đông xuân 2013-2014, thời vụ xuống giống tập trung từ ngày 20/12/2013 đến 10/1/2014, để lúa trổ sau tiết Kinh Trập (5/3/2014). Các địa phương ở vùng trũng thấp, cuối nguồn nước thuộc các huyện Đông Hòa, Tuy An, Phú Hòa, TP Tuy Hòa bố trí lịch thời vụ vào trà cuối từ 1/1 đến 10/1/2014, dùng giống ngắn ngày gieo sạ để tránh mưa, lũ ngập úng gây hư hại.

15/11/2013
Nông Dân Lại Nói Làm Lúa Vụ 3 Hại Nhiều Hơn Lợi Nông Dân Lại Nói Làm Lúa Vụ 3 Hại Nhiều Hơn Lợi

Sau khi TBKTSG Online đăng tin "Bộ NN-PTNT: Lúa vụ 3 lợi nhiều hơn hại" từ một dự thảo quy hoạch sản xuất lúa vụ 3 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tòa soạn đã nhận được bài viết phản hồi của một nông dân trồng lúa ở ĐBSCL, chúng tôi đăng bài viết này để rộng đường dư luận vốn có nhiều tranh luận về lợi và hại của lúa vụ 3 trong nhiều năm qua.

15/11/2013
Giá Ớt Cao “Kỷ Lục” Giá Ớt Cao “Kỷ Lục”

Chị Thắm, bạn hàng tại chợ Châu Đốc (An Giang) cho biết: “Mấy ngày nay, giá ớt tại chợ tới 60.000 đồng/kg. Cứ lâu lâu ớt lại lên giá một lần nhưng ít khi lên đến mức này. Tôi phải xuống tận rẫy nông dân mua mà vẫn không đủ bán”. Nhiều nông dân cho biết, chỉ với giá 25.000 đồng/kg người trồng ớt đã thu lãi khoảng 10 triệu đồng/công. Mỗi lần xuống giống, ớt cho thu hoạch 3 đợt, năng suất bình quân 800 kg/công.

15/11/2013