Bòn Bon Thái Cần Giải Pháp Để Nhân Rộng

Bòn bon là một trong những loại trái cây sạch và an toàn do hầu hết đều sinh trưởng và kết trái trong điều kiện tự nhiên. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại bòn bon, tuy nhiên, bòn bon Thái hay còn gọi là Longkong (tiếng Thái) được người dân ưa chuộng vì trái to, thịt giòn, ngọt, hột lép hơn trái bòn bon thường.
Hiện nay, xã Vĩnh Thành và Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách (Bến Tre)có khoảng trên dưới mười hộ dân sản xuất giống bòn bon Thái, mỗi hộ cung cấp cho thị trường từ 1 ngàn cây đến 4,5 ngàn cây mỗi năm. Do nhu cầu cung cấp cây giống bòn bon Thái rất lớn nên sản xuất giống bòn bon Thái có thu nhập cao. Tuy nhiên, số người tham gia không nhiều vì đòi hỏi tay nghề cao và tỷ lệ ghép thành công tương đối thấp (70 - 75%) so với các cây giống khác.
Là một trong những người sản xuất giống Longkong ở xã Vĩnh Hòa, anh Vũ Hoàng Minh cho biết, anh tham gia sản xuất giống bòn bon Thái được 7 năm, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 1 ngàn cây giống, chủ yếu là các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên. 4 năm trở lại đây, khách hàng ở TP. Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng đến nhà anh đặt mua rất nhiều, lượng cây giống sản xuất ra không đủ bán.
Giá cây giống dao động từ 30 ngàn đồng đến 90 ngàn đồng/cây, tùy loại lớn nhỏ. Về kinh nghiệm sản xuất giống bòn bon Thái, anh Minh chia sẻ: Trước tiên, bứng gốc bòn bon ta có từ 3 - 10 năm tuổi vô túi đem trồng; lựa những cây chủ suôn đẹp, sau đó chọn bo (mắt ghép) có lưỡi gà từ cây bòn bon Thái. Cây gốc ghép được cắt ngọn cách mặt đất độ 20 cm, rồi ghép bo dọc, 3 tháng sau có thể xuất bán với tỷ lệ thuần giống bòn bon Thái khá cao.
Theo anh, muốn sản xuất giống bòn bon Thái có chất lượng thì khâu chọn bo là quan trọng nhất, bởi nếu cây chủ và bo có chất lượng thì tỷ lệ thành công đạt khoảng 95% trở lên.
Được giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Hữu Lộc (tên thường gọi là Phong), ngụ ấp Quân Bình, xã Tân Thiềng, một địa chỉ bán bo ghép giống bòn bon Thái quen thuộc của nhiều nhà vườn huyện Chợ Lách.
Vườn bòn bon Thái nhà anh hiện có khoảng 60 - 70 gốc 10 năm tuổi, được trồng xen trong vườn sầu riêng rộng 3 ngàn mét vuông, đã cho trái được 3 mùa, vào tháng 8, sản lượng bình quân 1 tấn/năm. Ngoài thu nhập từ trái, có giá khoảng 35 ngàn đồng/kg, anh Phong còn bán bo, mỗi năm thu thêm vài chục triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng bòn bon Thái, anh Phong cho biết, từ trước đến nay, anh luôn để cây Longkong phát triển trong môi trường tự nhiên.
Cây bòn bon Thái thích hợp những nơi mát mẻ, có bóng râm và ít gió, nhất là lúc ra hoa, kết quả. Cây trồng được trên nhiều loại đất, nhưng phải thoát nước và mực nước ngầm không quá gần mặt đất. Cây có thể nhân giống bằng hạt, chiết cành và ghép.
Nhân giống bằng hạt thì cây ít biến dị nhưng phải từ 10 - 15 năm mới cho trái. Trồng bòn bon nói chung gồm bòn bon ta và bòn bon Thái rất ít sử dụng phân thuốc để tránh bị nứt trái.
Theo nhận định của ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, bòn bon ta và nhất là bòn bon Thái đang được nhiều người tiêu dùng ưa thích vì có vị ngọt, chua rất đặc trưng. So với bòn bon ta, bòn bon Thái có giá cao và ổn định hơn.
Tuy nhiên, để nhân rộng loại cây này không phải dễ. Do bòn bon Thái đang được người dân trồng xen; không nằm trong danh sách những loại cây chủ lực của huyện nên huyện chưa có thống kê về diện tích cũng như nghiên cứu về năng suất, chất lượng của cây trên địa bàn huyện.
Thiết nghĩ, từ hiệu quả kinh tế và lợi thế cây bòn bon Thái mang lại cho người trồng và sản xuất cây giống, ngành nông nghiệp huyện Chợ Lách cần phải có những giải pháp thiết thực để phát triển, nhân rộng, phù hợp với tình hình cụ thể của huyện...
Có thể bạn quan tâm

Vườn ươm mắc ca giống của Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên tại xã Tà Lèng (TP. Điện Biên Phủ) được tưới ẩm bằng hệ thống phun sương tự động.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất mía, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, tăng thu nhập, nhưng lại khó nhân rộng.

Mới đây, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã có công điện khẩn yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Hồng và các công ty thủy lợi khẩn trương chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng lấy nước đổ ải cho vụ đông xuân 2013 - 2014 từ ngày 14/1.

Đứng thẫn thờ nhìn ruộng lúa gần 20 ngày tuổi chết dần chết mòn, chị Phan Thị Hòa ở thôn Đơn Sa, xã Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch - Quảng Bình) quả quyết “Phải gieo lại thôi, chứ như thế này không cứu vãn được nữa”.

Những ngày này, bà con nông dân ở Câu lạc bộ (CLB) cây ăn trái Đồng Tiến (ấp 6, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc - Đồng Nai) đang phấn khởi chuẩn bị bước vào thu hoạch cam, quýt phục vụ thị trường tết với giá bán cao.