Bổ Sung 149 Tỷ Đồng Mua Hạt Giống Cây Trồng Dự Trữ Quốc Gia

Ngày 19-8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký Quyết định số 1451/QĐ-TTg cấp bổ sung kinh phí bù hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia. Theo đó, bổ sung 149 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2014 cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua bù 4.040 tấn hạt giống lúa, 353 tấn hạt giống ngô và 110 tấn hạt giống rau đưa vào dự trữ quốc gia.
* Ưu tiên thông quan nông sản trong nước tại cửa khẩu phụ Bản Vược (Lào Cai)
Theo văn bản số 3151 của UBND tỉnh Lào Cai, từ ngày 22-8, tất cả các doanh nghiệp đang thực hiện thông quan hàng tạm nhập, tái xuất tại Cửa khẩu phụ Bản Vược (Bát Xát, Lào Cai) sẽ tạm ngừng hoạt động, để ưu tiên thông quan lượng hàng nông sản trong nước còn tồn đọng tại đây.
Lý do của việc tạm ngừng thông quan hàng tạm nhập, tái xuất qua Cửa khẩu phụ Bản Vược là: Cơ sở hạ tầng, bến bãi, năng lực thông quan còn hạn chế; hàng hóa tái xuất từ các tỉnh biên giới dồn về, gây quá tải ở cửa khẩu này. Mặt khác, hiện còn một số lượng lớn hàng nông sản và hàng công nghiệp đã qua chế biến ở trong nước còn tồn kho, đang tập kết tại biên giới, chưa xuất khẩu được.
Theo Sở Công thương Lào Cai, hiện có 55.100 tấn gạo và 8.350 tấn đường sản xuất trong nước tồn đọng trong 25 kho hàng, tại Cửa khẩu phụ Bản Vược. Dự kiến, sau khi tạm ngừng thông quan hàng tạm nhập, tái xuất tại Cửa khẩu phụ Bản Vược, sau 15 đến 20 ngày sẽ thông quan, xuất khẩu hết lượng gạo, đường tồn đọng nói trên.
* Nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại ở Đồng Nai
Chiều 20-8, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức gặp mặt gần 50 doanh nghiệp (DN) để thông báo kết quả khắc phục thiệt hại và các giải pháp hỗ trợ các DN bị thiệt hại do những hành vi vi phạm pháp luật của một số đối tượng gây ra tại các khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh vào giữa tháng 5 vừa qua.
Đến thời điểm này, Đồng Nai đã hoàn thuế hơn 322 tỷ đồng cho 50 DN bị thiệt hại; Cục Hải quan Đồng Nai đã hỗ trợ 34 DN bị thiệt hại bằng cách giải quyết thủ tục hải quan ngoài giờ hành chính, giải quyết nợ dấu mộc, cung cấp các dữ liệu tờ khai hải quan, không thu thuế giá trị gia tăng tương ứng với máy móc thiết bị nhập khẩu thay thế của hai DN với trị giá gần 730 nghìn USD; tỉnh Đồng Nai đã phối hợp Bộ Tài chính trao tạm ứng tiền bồi thường bảo hiểm cho 34 DN bị thiệt hại với số tiền 37,6 tỷ đồng; gia hạn, không tính lãi chậm trả và phí gia hạn khoản vay ngân hàng cho một số DN...
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định: trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành liên quan rà soát để nhanh chóng hỗ trợ các DN bị thiệt hại; triển khai cụ thể việc hỗ trợ tiền lương DN đã thanh toán cho người lao động trong thời gian nghỉ việc (khoảng 42 tỷ đồng), tối đa không quá 70% tiền lương thực trả từ nguồn thuế thu nhập DN theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các công ty bảo hiểm nhanh chóng giải quyết bồi thường thiệt hại cho các DN.
* Tỷ lệ nội địa hóa dệt may tăng mạnh
Ngày 20-8, tại Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã có buổi làm việc với Vinatex nhằm đánh giá năm năm thực hiện CVĐ.
Sau năm năm, tổng doanh thu nội địa của Vinatex tăng dần, từ 15.740 tỷ đồng năm 2010 lên khoảng 22.200 tỷ đồng năm 2014, ước tăng 6,3% so với năm 2013.
Thực hiện CVĐ cũng đánh dấu thành công của chiến lược phát triển thương hiệu của các đơn vị thuộc Vinatex, khẳng định được vị thế, khả năng cạnh tranh với các nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài trên thị trường Việt Nam. Kết quả cho thấy, ở lĩnh vực dệt may, tỷ lệ nội địa hóa đã tăng lên đáng kể, ở mức trung bình 20% trong năm năm trở lại đây. Vinatex có vai trò dẫn dắt ngành dệt may Việt Nam trong việc tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Nhằm đẩy mạnh thực hiện CVĐ trong thời gian tới, Vinatex chủ trương triển khai đưa hàng Việt về nông thôn thông qua việc kết nối mạng lưới tiêu thụ nội bộ trong tập đoàn, giữa các đơn vị thành viên, nỗ lực đưa sản phẩm dệt may Việt Nam đến mọi miền đất nước.
Có thể bạn quan tâm

Ông cũng từng trồng một số cây quýt - loại quýt cổ bản địa trên diện tích này nhưng hiệu quả kinh tế không đáng kể. Thu nhập chính của gia đình suốt ngần ấy năm chỉ trông vào một ít đất ruộng cấy lúa, chăn nuôi vài con lợn, con gà, kinh tế chủ yếu tự cấp, tự túc.

Hiện các vườn nho ở Ninh Thuận đang thu hoạch vụ chính, năng suất cao xấp xỉ 2 tấn/sào nên người trồng nho được lợi kép, tức vừa được mùa lại trúng giá. Ước tính mỗi sào nho, nông dân lãi ròng khoảng 25-27 triệu đồng.

Thực hiện chủ trương đưa cây màu xuống chân ruộng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp và cải tạo độ màu mỡ đất, những năm gần đây, ông Kiều Văn Ngữ ở ấp 4, xã Thạnh Lộc (huyện Cai Lậy - Tiền Giang) áp dụng mô hình trồng xen canh lúa - dưa hấu cho lợi nhuận cao trên cùng đơn vị diện tích.

Do sức mua giảm tại các chợ đầu mối TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long vào 2 phiên chợ cuối năm (ngày 29 và 30 Tết) nên tình hình tiêu thụ quýt hồng của các thương lái gặp khó khăn, số diện tích quýt đã mua tại các nhà vườn không thể thu hoạch để tiêu thụ. Hiện tại, các vườn quýt vẫn còn tồn lại sản lượng quýt trên 400 tấn.

Từ cuối năm 2013 đến nay, một số loại trái cây của Đồng Nai đã ký được hợp đồng xuất khẩu. Cơ hội vẫn đang mở ra với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất - kinh doanh trái cây.