Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn Phản Hồi Thông Tin Về Nuôi Cá Chạch Bùn

Theo báo cáo và nghiên cứu tại các tỉnh có nuôi cá chạch bùn, trong quá trình nuôi chưa phát hiện các loại bệnh mới. Người dân có thể yên tâm tiếp tục phát triển nuôi cá chạch bùn, tuy nhiên, cần áp dụng theo đúng các quy trình kỹ thuật nuôi và khuyến cáo của các nhà khoa học.
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Nguyễn Văn Cương (tỉnh Ninh Bình) phản ánh, hiện nay thông tin về loại cá chạch bùn không thống nhất, có ý kiến cho rằng loại cá này có thể phát tán mầm bệnh mới cho các loại thủy sản hiện có tại địa phương nên không khuyến khích nuôi. Tuy nhiên, lại có thông tin khẳng định đây là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, có nơi đã cho sinh sản nhân tạo thành công hàng triệu con giống để cung cấp cho thị trường.
Các thông tin khác nhau khiến người dân lúng túng trong việc đầu tư nuôi cá chạch bùn. Ông Cương đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, có thông tin chính thức về vấn đề này.
Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
Cá chạch bùn (Misgurnus anguillicaudatus Cantor, 1842) thuộc giống cá chạch bùn Misgurnus Lacépère 1803, họ cá chạch Cobitidae, bộ cá chép Cypriniformes, ở nước ta, cá thường được phân bố ở vùng đồng bằng, trung du miền núi phía Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cá có mình dài, đoạn trước vây bụng hình ống tròn, đoạn sau dẹt dần, cuống đuôi dẹt mỏng, đầu tương đối nhọn, mắt nhỏ có da che phủ, là loài sống đáy, thường sống ở khu vực nông của sông, hồ,ao, ruộng, kênh mương. Cá ăn tạp, lúc nhỏ ăn động vật là chính, về sau chuyển dần sang ăn tạp, giai đoạn trưởng thành ăn thực vật là chủ yếu.
Ở nước ta, cá chạch bùn đã tiến hành cho sinh sản nhân tạo thành công, chủ động được nguồn giống nên đã được bà con nông dân các tỉnh trong cả nước phát triển nuôi thương phẩm trong ao, bể và ruộng, do đây là một đối tượng bản địa có giá trị kinh tế, giàu dinh dưỡng nên được người dùng ưa thích. Giá bán thương phẩm hiện nay khá cao, từ 120.000 - 200.000 đồng/kg.
Hiện nay, theo báo cáo và nghiên cứu tại các tỉnh có nuôi cá chạch bùn, trong quá trình nuôi chưa thấy, chưa phát hiện các loại bệnh mới gây thiệt hại cho người nuôi mà cá thường mắc một số bệnh hay gặp như nấm, đốm đỏ, lở loét, bệnh đường ruột… do môi trường nước ô nhiễm hoặc nuôi với mật độ cao.
Vì vậy, bà con nông dân yên tâm để tiếp tục phát triển nuôi cá chạch bùn, lưu ý trong quá trình nuôi cần áp dụng theo đúng các quy trình kỹ thuật nuôi, khuyến cáo của các nhà khoa học và cơ quan quản lý tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của hạn hán đã làm cho diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh Bình Định giảm mạnh, kéo theo sản lượng cá nuôi cũng giảm đáng kể. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ thả nuôi được 850 ha cá nước ngọt, bằng 38% cùng kỳ năm 2012.

Sau thời gian thành công với nấm bào ngư thương phẩm, chị Nguyễn Thị Như Thưởng, phường 8, thành phố Trà Vinh tiếp tục trồng thử nghiệm nấm linh chi đỏ. Chị cho biết, trong một lần đi tham quan mô hình trồng nấm linh chi đỏ ở một tỉnh miền Đông, chị nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tìm tòi học hỏi, tiếp cận với phương pháp trồng nấm và trồng thử nghiệm mô hình này.

Nhiều nhà vườn trồng xoài cát Hòa Lộc nghịch mùa ở vùng Bảy Núi (An Giang) cho biết, hiện tại, thương lái thu mua xoài cát Hòa Lộc giá 20.000 đồng/kg, giảm khoảng 15.000 đồng so với vụ trước nên không có lời.

“Không ai xoá nghèo thay được cho ND, nhưng muốn ND tự vươn lên thì ngoài việc tăng cường đầu tư, hỗ trợ, phải giúp họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm lạc hậu bao đời qua”- Chủ tịch Hội ND tỉnh Điện Biên, anh Sùng Chứ Thếnh nói.

Một nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) mới đây cho thấy, có tới hơn 50% số hộ gia đình nông thôn (HGĐNT) chịu các “cú sốc” về thu nhập với nhiều mức độ khác nhau.