Bỏ Hoang Ruộng Bên Hồ

Nhiều diện tích ruộng bên cạnh lòng hồ thủy lợi, thủy điện nhưng phải bỏ hoang, cây chết héo vì nắng hạn. Nỗ lực canh tác vụ hè thu của bà con nông dân gần như bất thành tại một số nơi.
Bỏ hoang ruộng đồng
Nằm sát bên “túi nước khổng lồ” của lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3 nhưng chưa năm nào bà con sống gần lưu vực hồ lại bỏ hoang ruộng như vụ hè thu năm nay. Ngoài bỏ hoang đồng đất, nhiều diện tích cây trồng trên cạn hoặc cây lâu năm cũng héo hắt vì hạn.
Đi dọc các xã nằm sát lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3 như Tiên Lãnh, Tiên Ngọc (Tiên Phước), hoặc các xã trên địa bàn huyện Hiệp Đức, nhiều nông dân thở than vì ruộng đất nứt nẻ. Nông dân Trần Thanh (thôn 8, xã Tiên Lãnh) tiếc rẻ nhìn 5 sào đất đã cày bừa chờ nước trời. Ông Thanh nói: “Nếu chờ đợi hơn một tuần mà trời không mưa, tôi sẽ bỏ luôn, vì gieo sạ muộn năng suất lúa rất thấp, lại dễ bị thiên tai tàn phá”. Nhiều nông dân đã gieo sạ thì ngậm ngùi nhìn cảnh lúa non vàng héo do thiếu nước.
Theo ông Võ Hồng Nhiệm – Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, dù đã chủ động chuyển cây lúa sang trồng các loại hoa màu có sức chịu hạn cao như đậu, bắp, sắn, nhưng vụ này nông dân thiệt hại nặng nhất trong vòng 5 năm nay. Có ít nhất 140ha lúa không thể gieo sạ được vụ hè thu này.
Hình thức đa canh, chưa phát huy hiệu quả vì hiện trạng nông nghiệp trên địa bàn phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên. “Thiệt hại lớn nhất là cây cau, ước khoảng 7 - 8 tỷ đồng. Nguyên nhân là ngoài giá cả xuống thấp, thị trường không mua cau non, một số nơi người dân chặt cây vì không chịu nổi với nắng hạn” – ông Nhiệm nói.
Nằm phía hạ nguồn hồ thủy điện Sông Tranh, nhiều đồng ruộng ở Hiệp Đức cũng bỏ hoang vì hạn. Thống kê của ngành nông nghiệp huyện cho thấy, địa bàn có gần 500ha lúa, bắp, đậu phụng vụ hè thu có nguy cơ chết hoặc dự báo mất mùa. Hơn 64 hồ chứa và đập dâng tưới cho gần 1.000ha lúa hè thu, mực nước đã xuống thấp nhất từ trước đến nay.
Ông Huỳnh Đức Viên – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức khẳng định, do nắng hạn kéo dài từ cuối năm 2013 đến nay, nền nhiệt độ cao, một số hồ chứa có dung tích và lưu vực nhỏ trong khi lượng mưa thấp, các hồ chứa đến mực nước chết nên tình trạng ruộng đồng nứt nẻ trên diện rộng xuất hiện chưa từng thấy.
Giành nguồn nước
Gần 275ha đậu phụng bị khô hạn
Theo ngành nông nghiệp, vụ hè thu 2014 này nông dân trên địa bàn tỉnh gieo trồng tổng cộng 1.900ha đậu phụng. Hiện nay, cây đậu đang trong giai đoạn cây con – phân cành, một số diện tích tỉa sớm bước vào thời kỳ ra hoa – đâm tia.
Tuy nhiên, do thời gian qua nắng nóng kéo dài trên diện rộng nên hiện toàn tỉnh đã có gần 275ha đậu phụng bị khô hạn nặng, tập trung nhiều nhất tại 2 huyện Hiệp Đức và Tiên Phước. Nếu những ngày tới thời tiết vẫn diễn biến phức tạp thì rất nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng cây đậu phụng non bị chết héo.(MAI LINH)
Thời điểm này, 17 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh mực nước thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 1 - 2,5m, lượng nước thiếu hụt ước khoảng 78 triệu mét khối. Đại công trình thủy nông Phú Ninh lượng nước chỉ ở cao trình hơn 27m, thấp nhất trong hơn 30 năm qua.
Chính vì thế, các địa phương vùng tây Thăng Bình, Tam Kỳ và khu vực cuối kênh Phú Ninh thiếu nước nghiêm trọng. Để cứu sống diện tích lúa đã gieo sạ, nhiều nông dân phải thức trắng đêm chờ lịch tháo nước từ các trạm bơm.
Ông Lương Quốc Ngọ (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) nói như than: “Nhà tôi canh tác gần 6 sào ruộng, lúa đã bắt đầu chuyển màu héo úa nên rất cần nước cứu sống. Suốt nửa tháng qua, cả nhà thay nhau túc trực đưa nước vào ruộng rất khổ sở”.
Nằm sát cuối kênh thủy lợi Phú Ninh nhưng xã Tam Lộc (Phú Ninh) vẫn có gần 60ha thắc thỏm chờ nước. Để điều tiết nước hợp lý, các đơn vị cung cấp nước rất “đau đầu” vì địa phương nào cũng xảy ra tình trạng cầu vượt cung.
Hiện tại, chính quyền các huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành đã phân bổ thêm nguồn ngân sách để đầu tư kênh, hồ đập, nạo vét kênh mương để người dân chủ động nguồn nước tưới.
Trên các sông suối, người dân đã dùng ống nhựa chuyển nước chống hạn cho cây trồng, triển khai củng cố các đập bổi hiện có. Ngoài ra, nhiều nơi còn triển khai nạo vét kênh mương, tu bổ các đập kiên cố bị hư hỏng; các hồ chứa nước có mực nước chết đã đặt máy bơm trong cống áp lực để bơm chống hạn.
Trước thời tiết nắng diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang chỉ đạo các địa phương tăng cường mọi biện pháp chống hạn hiệu quả; yêu cầu các đơn vị quản lý công trình thủy lợi thực hiện việc tính toán, cân đối khả năng nguồn nước của các hồ chứa nước, điều tiết nước phù hợp…
Có thể bạn quan tâm

Với 2 ao rộng 500m2 phía sau nhà, sau khi cải tạo và xử lý vôi bột tìm diệt cá tạp, ếch, rắn, chị Nguyễn Thị Nhít ngụ ấp Long An A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) thả hơn 15.000 con cá lóc giống.

Sau gần một năm thực hành nuôi heo, gà trên nền mùn cưa, nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng không chỉ tiết kiệm đáng kể nguồn vốn đầu tư chuồng trại, mà còn giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường từ nguồn phân thải, phòng chống hiệu quả các dịch bệnh phát sinh trên từng vật nuôi.

Sáng 24/6, ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 Lào Cai, cho biết: Trước thông tin khoai tây hồng nhập khẩu từ Trung Quốc bị cơ quan chức năng TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm đồng phát hiện có dư lượng hoạt chất Chlorpyrifos (thuốc chống mối) vượt ngưỡng gấp 16 lần cho phép của Bộ Y tế, buộc phải tiêu hủy, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 Lào Cai đã tăng cường nhân lực kiểm dịch khoai tây hồng nhập khẩu tại Cửa Quốc tế khẩu Lào Cai.

Nhiều thương lái Trung Quốc tiếp tục lách luật, núp bóng danh nghĩa khách du lịch có thời hạn để thu gom cua biển tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ban đầu, họ tạo uy tín qua việc chi trả sòng phẳng.

Với mong muốn nông dân sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần với ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Mới đây, UBND tỉnh thống nhất việc hỗ trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh qua từng năm, kết thúc vào cuối năm 2015...