Bỏ hàng loạt phí, lệ phí thú y

Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 113/2015/TT-BTC (Thông tư 113) bãi bỏ một số nội dung tại Thông tư số 04/2012/TT-BTC (Thông tư 04).
Theo đó, sửa đổi 1 khoản và bãi bỏ 13 khoản thu liên quan đến cấp giấy phép có thu lệ phí. Đồng thời, bỏ hàng loạt chỉ tiêu thu phí thú y ở các khâu khác nhau.
Thông tư 113 được ban hành trên cơ sở đề xuất của Bộ NN-PTNT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/8/2015.
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, phí và lệ phí trong lĩnh vực thú y đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Trước đề nghị của Bộ NN-PTNT về việc điều chỉnh lại Thông tư 04 nhằm giảm thủ tục hành chính, tránh chồng chéo, không hợp lý, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ NN-PTNT rà soát các khoản phí và lệ phí quy định tại Thông tư số 04 ngày 27/1/2015.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Tài chính thấy rằng, theo một số quy định chuyên ngành trong lĩnh vực thú y thì có một số hoạt động chuyên môn thực hiện lặp đi lặp lại ở nhiều khâu.
Vì vậy khi thực hiện lặp lại các công việc này ở các khâu khác nhau, đã đề xuất thu các khoản phí, lệ phí tương ứng dẫn đến có sự trùng lặp, cần phải sửa đổi để cải cách thủ tục hành chính.
Căn cứ trên cơ sở đề xuất của Bộ NN-PTNT, ngày 7/8/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 113 về việc bãi bỏ một số nội dung tại Thông tư số 04/2012/TT-BTC.
Theo đó, sửa đổi 1 khoản, bãi bỏ 13 khoản thu liên quan đến cấp giấy phép có thu lệ phí, đồng thời bãi bỏ nhiều chỉ tiêu thu phí thú y.
13 khoản lệ phí cấp giấy bị bãi bỏ bao gồm: Cấp giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển; Cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y; Cấp lại giấy chứng nhận kiểm dịch do khách hàng yêu cầu; Cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y đối với nơi tập trung động vật, sản phẩm động vật để bốc xếp;
Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển qua bưu điện, hàng mang theo người; Cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm nghiệm thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản; Cấp giấy phép thay đổi nội dung đơn hàng nhập khẩu thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản;
Cấp giấy chứng nhận Phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn xét nghiệm bệnh động vật; Cấp giấy chứng nhận mậu dịch tự do (FSC) để xuất khẩu; Cấp giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản (cấp mới, gia hạn); Cấp giấy chứng nhận sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép lưu hành thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản (qui cách đóng gói), thay đổi nhãn sản phẩm, bao bì; Cấp giấy chứng nhận chất lượng thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật dùng trong thú y, thú y thủy sản.
Sửa đổi điểm 3 phần I, Phụ lục I như sau: Lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu: 70.000 đồng/lần.
Các chỉ tiêu thu phí thú y bị bãi bỏ bao gồm: Phí vệ sinh khử trùng, tiêu độc; Phí kiểm tra việc đăng ký chó nuôi; Phí tạm giữ chó thả rông bị cơ quan thú y bắt; Phí kiểm tra việc đăng ký chó nuôi; Phí xử lý các chất phế thải động vật; Phí kiểm dịch trứng gia cầm các loại (gồm cả trứng giống, trứng đã ấp và trứng thương phẩm); Phí kiểm dịch sản phẩm động vật pha lóc, đóng gói lại, sơ, chế biến; Phí kiểm dịch trứng cút; Phí kiểm dịch trứng tằm;
Phí kiểm dịch tinh dịch; Phí kiểm dịch trứng đà điểu; Phí kiểm dịch sừng mỹ nghệ; Phí kiểm tra chất thải động vật đã qua xử lý; Phí kiểm tra thực trạng hàng hóa đối với sản phẩm động vật thủy sản đông lạnh; Phí kiểm tra thực trạng hàng hóa đối với sản phẩm động vật thủy sản qua phơi, sấy; Phí kiểm tra thực trạng hàng hóa đối với sản phẩm động vật thủy sản dạng lỏng, sệ; Phí kiểm tra thực trạng hàng hóa đối với các loại sản phẩm động vật thủy sản khác; Phí kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản; Phí kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở kinh doanh giống thủy sản;
Phí vệ sinh tiêu độc trong công tác kiểm dịch (bao gồm xe ô tô, máy bay, toa tầu xe lửa và các loại xe khác; Sân, bến bãi, khu cách ly kiểm dịch, cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất con giống, ấp trứng, cơ sở giết mổ động vật, chế biến, sản phẩm động vật, cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, chợ mua bán sản phẩm động vật); Phí niêm phong phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; Phí đánh dấu gia súc (bao gồm cả phí bấm thẻ tai đại gia súc; tiểu gia súc; phí dán tem kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật).
Theo Bộ Tài chính, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Bộ NN-PTNT rà soát, xây dựng dự thảo Thông tư thay thế hoàn toàn Thông tư số 04/2012/TT-BTC theo hướng bãi bỏ các khoản phí, lệ phí chồng chéo, bất hợp lý.
Có thể bạn quan tâm

Trong 5 năm qua, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta tiếp tục có bước phát triển. Cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực xuất hiện nhiều gia trại, trang trại, cánh đồng mẫu lớn mang lại thu nhập cao. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi do Hội Nông dân (HND) các cấp phát động trong những năm qua.

Dựa trên những dự báo về tình hình khí hậu thời tiết trong năm, trong vụ mà ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh xây dựng khung thời vụ thích hợp, áp dụng các biện pháp kỹ thuật liên hoàn trong sản xuất đối với từng loại cây trồng. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo, điều hành sản xuất một cách hợp lý.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới thế nhưng có một nghịch lý là người nông dân luôn phải đối mặt với nỗi lo thường trực về sự bấp bênh của đầu ra sản phẩm. Được mùa mất giá, được giá mất mùa luôn là nỗi lòng kéo dài nhiều năm qua của người nông dân.

Đã có những mô hình sản xuất đem lại lợi nhuận cao cho người trồng mía, trong khi việc tận dụng bã mía để sản xuất điện sinh khối, tham gia chuỗi giá trị sau đường cũng giúp một số nhà máy không những tồn tại được mà còn sống tốt trong thời điểm hiện nay.

Để có mã số xuất khẩu sang Mỹ, vùng trồng nhãn phải được canh tác trên cơ sở tiêu chuẩn VietGAP nhưng có kiểm soát của Cục Bảo vệ thực vật VN như phải bọc trái trước khi thu hoạch tối thiểu ba tuần, không được sử dụng nhóm thuốc bảo vệ thực vật mà Mỹ cấm sử dụng.