Bơ Chín Muộn, Giá Trên 100.000 Đồng/kg Vẫn Cháy Hàng

Giống bơ nhập khẩu từ Mỹ được trồng thành công tại Đắk Lắk cho ra trái muộn có giá bán đắt gấp đôi bơ chính vụ, giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg nhưng vẫn đắt khách, khan hàng.
Từ đầu tháng 10, trung bình mỗi ngày cửa hàng chị Nguyễn Hương Giang (Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) chuyển 70 - 100kg bơ ra thị trường Hà Nội tiêu thụ, với giá bán gần nhất là 105.000 đồng/kg. "Trước khách mua bao nhiêu có bấy nhiêu, nhưng giờ nguồn hàng ngày càng khan hiếm. Mấy hôm nay khách đặt rất đông nhưng shop chỉ có khoảng 40 - 50kg trái bán ra", chị Giang chia sẻ.
Chị cho biết, đây là giống bơ Booth nhập khẩu từ Mỹ, được người dân Đắk Lắk trồng thành công, chất lượng thơm ngon, cho trái đồng đều (2-3 trái/kg). Thời điểm này chỉ có bơ Booth cho trái nên nguồn cung khan hiếm, đẩy giá sản phẩm lên cao gấp đôi, gấp 3 giá bơ mùa.
Một chủ vườn tại huyện Krôngnăng xác nhận, giá bơ cuối mùa bán tại Đắk Lắk từ đầu tháng 10 khoảng 75.000 - 80.000 đồng/kg loại trái to, nhưng hiện đã lên tới 95.000 - 100.000 đồng/kg. Do bơ Booth hiện có giá quá cao, hàng lại khan nên sức tiêu thụ sản phẩm tại địa phương đã giảm, phần lớn các chủ vườn gom hàng để đổ buôn đi các nơi, tập trung ở TP.HCM và Hà Nội. Để chủ động nguồn cung, những chủ buôn nhập với số lượng khá lớn như chị Giang đã mở rộng khu vực mua gom bơ chín muộn tới Đà Lạt, nhưng số lượng không nhiều.
Chị Nguyễn Thanh Thủy (Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, bơ là loại quả được cả gia đình chị yêu thích, nhất là các con chị. Giá bơ sáp chị Thủy mua lẻ trong thời điểm chính vụ khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 tới nay, giá tăng vọt gấp đôi khiến chị "xót ruột".
"Hơn trăm ngàn được 2 quả bơ làm được 2 cốc sinh tố là quá đắt. Tuy bơ Booth ngon nhưng giá cao quá nên giờ 1 tuần tôi chỉ dám mua 1 lần cho hai con ăn", chị Thủy cho biết.
Từ tháng 9 tới nay, cửa hàng trái cây sạch của vợ chồng anh Đinh Viết Hải trên phố Hàng Khoai, Hà Nội, nhờ bán giống bơ chín muộn nên có thêm nguồn khách. Anh Hải cho biết, bơ là loại quả lành, vì người trồng không phải phun bất cứ loại thuốc gì, lại thơm ngon bổ dưỡng nên người dân Hà Nội ngày càng yêu thích.
"Có khách mua quen kể với tôi là chỉ chờ tới dịp này để mua bơ Booth về ăn, dù phải chịu mức giá đắt gấp đôi gấp ba lần bơ giữa mùa. Bơ Booth quả tròn chứ không dài như các giống bơ khác, cơm dẻo, màu vàng đậm, mùi thơm mát, hạt không lỏng lẻo mà khá chắc, được nhiều khách hỏi mua.
Giá bán ra hiện là 100.000 đồng/kg quả nhỏ và 115.000 đồng/ kg loại cỡ 2 quả/kg". Trung bình mỗi ngày cửa hàng này bán được 30 - 40kg bơ. Chủ quán cho biết, do hàng ngày càng hiếm nên giá sẽ không chỉ dừng ở 115.000 đồng/kg mà còn tăng thêm.
Ngoài bán bơ trái vụ, một số cửa hàng tại Hà Nội bắt đầu rao bán cây bơ giống lai ghép với giá 35.000 - 45.000 đồng/kg. Việc này xuất phát từ nhu cầu trồng bơ lấy bóng mát và quả ăn của một số gia đình có diện tích đất vườn rộng tại thủ đô và các tỉnh lân cận.
Anh Trịnh Xuân Mười, chủ thương hiệu bơ tại Đắk Lắk chia sẻ, trồng cây bơ khá dễ, sau 3 năm sẽ cho ra trái đầu tiên, từ năm thứ 4, 5, cây bơ có thể cho trái đều, một số giống cây cho trái quanh năm.
Tuy nhiên, anh Mười cũng nhấn mạnh, người chọn mua cây bơ giống cần tìm tới nguồn cung đảm bảo chất lượng, nên chọn giống bơ lai ghép thay vì giống gieo hạt, để tránh tình trạng gặp phải giống cây đã bị thoái hóa, sản lượng quả kém, chất lượng trái không ngon.
Có thể bạn quan tâm

Các mặt hàng nông sản tươi như khoai, chuối, hồng, rau củ… đang “đau đầu” vì giá cả bấp bênh, thì ngược lại, các sản phẩm này khi được sấy khô lại bán với giá rất cao.

Từ cách đây vài chục năm, cây sơn lấy nhựa đã xuất hiện trên đất Thanh Sơn và phát triển ở một số xã như: Thạch Khoán, Sơn Hùng, Hương Cần, Văn Miếu, Võ Miếu do những người từ huyện Tam Nông di thực vào, hoặc học hỏi bà con giáp ranh.

Ông Phạm Tiện (trú thôn 7, xã Hương An, Quế Sơn) bị mù cả 2 mắt nhưng nhiều năm liền được khen tặng là nông dân sản xuất giỏi của địa phương.

Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành, Kiên Giang) mỗi ngày tiếp nhận hàng chục chiếc tàu đánh bắt xa bờ trở về, với sản lượng tôm, cá cả trăm tấn. Trái hẳn với tâm trạng háo hức mang thành quả lao động từ biển về, phần lớn những ngư dân mà chúng tôi gặp tại đây đều buồn rười rượi.

Vụ nuôi tôm hùm vừa qua nhờ tôm ít bị bệnh, giá bán lại cao nên nhiều hộ dân ở TX Sông Cầu (Phú Yên) có thu nhập hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng ngư dân “mạnh tay” đầu tư vốn để phát triển lồng bè nuôi tôm một cách tự phát đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại và vỡ quy hoạch vùng nuôi.