Bơ Chín Muộn, Giá Trên 100.000 Đồng/kg Vẫn Cháy Hàng

Giống bơ nhập khẩu từ Mỹ được trồng thành công tại Đắk Lắk cho ra trái muộn có giá bán đắt gấp đôi bơ chính vụ, giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg nhưng vẫn đắt khách, khan hàng.
Từ đầu tháng 10, trung bình mỗi ngày cửa hàng chị Nguyễn Hương Giang (Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) chuyển 70 - 100kg bơ ra thị trường Hà Nội tiêu thụ, với giá bán gần nhất là 105.000 đồng/kg. "Trước khách mua bao nhiêu có bấy nhiêu, nhưng giờ nguồn hàng ngày càng khan hiếm. Mấy hôm nay khách đặt rất đông nhưng shop chỉ có khoảng 40 - 50kg trái bán ra", chị Giang chia sẻ.
Chị cho biết, đây là giống bơ Booth nhập khẩu từ Mỹ, được người dân Đắk Lắk trồng thành công, chất lượng thơm ngon, cho trái đồng đều (2-3 trái/kg). Thời điểm này chỉ có bơ Booth cho trái nên nguồn cung khan hiếm, đẩy giá sản phẩm lên cao gấp đôi, gấp 3 giá bơ mùa.
Một chủ vườn tại huyện Krôngnăng xác nhận, giá bơ cuối mùa bán tại Đắk Lắk từ đầu tháng 10 khoảng 75.000 - 80.000 đồng/kg loại trái to, nhưng hiện đã lên tới 95.000 - 100.000 đồng/kg. Do bơ Booth hiện có giá quá cao, hàng lại khan nên sức tiêu thụ sản phẩm tại địa phương đã giảm, phần lớn các chủ vườn gom hàng để đổ buôn đi các nơi, tập trung ở TP.HCM và Hà Nội. Để chủ động nguồn cung, những chủ buôn nhập với số lượng khá lớn như chị Giang đã mở rộng khu vực mua gom bơ chín muộn tới Đà Lạt, nhưng số lượng không nhiều.
Chị Nguyễn Thanh Thủy (Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, bơ là loại quả được cả gia đình chị yêu thích, nhất là các con chị. Giá bơ sáp chị Thủy mua lẻ trong thời điểm chính vụ khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 tới nay, giá tăng vọt gấp đôi khiến chị "xót ruột".
"Hơn trăm ngàn được 2 quả bơ làm được 2 cốc sinh tố là quá đắt. Tuy bơ Booth ngon nhưng giá cao quá nên giờ 1 tuần tôi chỉ dám mua 1 lần cho hai con ăn", chị Thủy cho biết.
Từ tháng 9 tới nay, cửa hàng trái cây sạch của vợ chồng anh Đinh Viết Hải trên phố Hàng Khoai, Hà Nội, nhờ bán giống bơ chín muộn nên có thêm nguồn khách. Anh Hải cho biết, bơ là loại quả lành, vì người trồng không phải phun bất cứ loại thuốc gì, lại thơm ngon bổ dưỡng nên người dân Hà Nội ngày càng yêu thích.
"Có khách mua quen kể với tôi là chỉ chờ tới dịp này để mua bơ Booth về ăn, dù phải chịu mức giá đắt gấp đôi gấp ba lần bơ giữa mùa. Bơ Booth quả tròn chứ không dài như các giống bơ khác, cơm dẻo, màu vàng đậm, mùi thơm mát, hạt không lỏng lẻo mà khá chắc, được nhiều khách hỏi mua.
Giá bán ra hiện là 100.000 đồng/kg quả nhỏ và 115.000 đồng/ kg loại cỡ 2 quả/kg". Trung bình mỗi ngày cửa hàng này bán được 30 - 40kg bơ. Chủ quán cho biết, do hàng ngày càng hiếm nên giá sẽ không chỉ dừng ở 115.000 đồng/kg mà còn tăng thêm.
Ngoài bán bơ trái vụ, một số cửa hàng tại Hà Nội bắt đầu rao bán cây bơ giống lai ghép với giá 35.000 - 45.000 đồng/kg. Việc này xuất phát từ nhu cầu trồng bơ lấy bóng mát và quả ăn của một số gia đình có diện tích đất vườn rộng tại thủ đô và các tỉnh lân cận.
Anh Trịnh Xuân Mười, chủ thương hiệu bơ tại Đắk Lắk chia sẻ, trồng cây bơ khá dễ, sau 3 năm sẽ cho ra trái đầu tiên, từ năm thứ 4, 5, cây bơ có thể cho trái đều, một số giống cây cho trái quanh năm.
Tuy nhiên, anh Mười cũng nhấn mạnh, người chọn mua cây bơ giống cần tìm tới nguồn cung đảm bảo chất lượng, nên chọn giống bơ lai ghép thay vì giống gieo hạt, để tránh tình trạng gặp phải giống cây đã bị thoái hóa, sản lượng quả kém, chất lượng trái không ngon.
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu năm 2013 đến nay, tình hình xuất khẩu chung của cả nước gặp nhiều khó khăn, nhưng mặt hàng tôm lại có những bứt phá đầy ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.

Thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam chiếm 97% thị trường thế giới nhưng 3 năm nay, giá xuất khẩu bình quân giảm, hàng loạt doanh nghiệp, người nuôi liên tục thua lỗ và phá sản.

Ngành cá tra từng có giai đoạn phát triển mạnh đến khó tin, mỗi hecta có thể đạt cả chục tỷ đồng và đem lại hàng tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Thế nhưng thời “dễ nuôi, dễ ăn” đã nhanh chóng đi qua sau hàng loạt “đợt bão”: giá cá sụt giảm sâu, giá thức ăn tăng, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng…

Trong khi các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đang tìm mọi cách để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải của vật nuôi thì người dân xã Yên Hòa (Yên Mỹ - Hưng Yên) đã và đang áp dụng thành công mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí và hạn chế dịch bệnh, mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững.

Người dân huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã gây nuôi thành công cá lăng đuôi đỏ, một loại đặc sản của dòng sông Sêrêpôk, mở ra hướng phát triển kinh tế mới.