Bình tĩnh trước cơn sốt hành tím

Giá giống hành tím lên cao
Ông Huỳnh Bạc Thiện - Bí thư khóm Cà Sang, phường 2, thị xã Vĩnh Châu, vừa là cán bộ địa phương vừa là một nông dân có kinh nghiệm trồng hành nhiều năm, cho biết: “Đến thời điểm này giá hành giống ở mức 30.000 đồng/kg. Đến vụ trồng rộ thì giá có thể đẩy lên khoảng 50.000-60.000 đồng/kg”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thiện giải thích: “Nguyên nhân giá hành giống tăng là do vụ rồi giá hành xuống quá thấp, rồi sau đó được các cơ quan, doanh nghiệp giúp đỡ mua hành cho nông dân, dẫn đến giá hành thương phẩm được đẩy lên khá cao. Chính vì vậy nhiều nông dân vẫn muốn tiếp tục giữ diện tích trồng hành”.
Còn ông Huỳnh Bạc Lợi ở cùng khóm Cà Sang bộc bạch: “Mấy chục năm nay dân ở đây đã quen với trồng hành tím, nguồn sống duy nhất cũng nhờ hành tím. Thói quen canh tác bấy lâu nay không dễ bỏ được. Hơn nữa, dù sao thì đất đai ở đây vẫn hợp nhất là trồng hành tím, vì vậy tôi vẫn tiếp tục chuẩn bị khoảng 500kg hành giống để làm gần 6 công hành”.
Trước tình hình giá hành đang có chiều hướng tăng nhiều người có vốn đang đổ xô đi mua hành để trữ rồi bán ra, còn những hộ ít vốn thì cũng tranh thủ mua hành để chuẩn bị giống cho vụ hành tới, vì nếu để đến lúc xuống giống mới mua thì sợ không có đủ tiền.
Nên tập trung thị trường nội
Thị xã Vĩnh Châu từ lâu nổi tiếng là thủ phủ hành tím, với diện tích từ 5.000-7.000ha/năm, tổng sản lượng đạt khoảng 130.000 tấn. Thị trường xuất khẩu hành tím chủ yếu là Indonesia. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, Indonesia bất ngờ ngừng nhập khẩu vì họ vừa trồng thành công giống hành này. Vì thế, tháng 4 vừa rồi, 50.000 tấn hành tím ở Vĩnh Châu bị tắc đầu ra, có thời điểm giá chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg.
Trao đổi về giải pháp tiêu thụ lâu dài cho vùng hành tím Vĩnh Châu, ông Ngô Minh Trạng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “Bây giờ chúng ta nên tập trung cho thị trường tiêu thụ nội địa, chứ xuất khẩu thì không thể xuất nữa. Thị trường nước ngoài thì xem như đã hết cửa vì họ không có nhu cầu, chỉ có một số nước châu Á có tiêu thụ hành của mình nhưng hiện giờ họ cũng đã tự trồng được”.
Sau lần rớt giá thảm hại hồi tháng 4.2015 và được một số “hiệp sĩ” giải cứu giúp tiêu thụ, tên gọi “hành tím Vĩnh Châu” đã được cả nước biết đến nên việc tổ chức tiếp thị, tiêu thụ trong tương lai có thể khả quan hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn trong cách tổ chức phân phối sản phẩm: “Cách tiếp cận của các doanh nghiệp kinh doanh hành tím ở Vĩnh Châu vẫn còn yếu, vì siêu thị muốn giá cố định mà mình lại đòi giá cao, nhưng tôi nghĩ sắp tới sẽ có điều chỉnh - ông Huỳnh Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng nhận định.
Theo ông Vân, cho dù các doanh nghiệp tiêu thụ tại chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh có ký kết hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ, tuy nhiên họ cũng yêu cầu lượng hành phải cung cấp đều. Vì vậy, để đáp ứng thì phải có giải pháp trữ hành và ghép người trồng vào vùng trồng với tiêu chuẩn GAP để giữ chất lượng...
Có thể bạn quan tâm

Chiều ngày 30/01/2015, tại Lô C, đường Số 1, Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) tổ chức khánh thành Nhà máy chế biến giống cây trồng Trà Vinh. Tham dự lễ khánh thành có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phía Nam), lãnh đạo các sở, ngành tỉnh;

Cây mắc ca có xuất xứ từ Úc. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắc ca được xếp vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại hạt”. Vỏ của quả mắc ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi. Nhân hạt mắc ca dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem… Dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.

Những ngày cuối năm âm lịch, nông dân trồng khoai mỡ ở xã Phú Mỹ rất phấn khởi vì thu hoạch khoai mỡ bán được giá cao. Anh Lê Văn Hồng, ấp Phú Thạnh, phấn khởi cho biết, anh có 8 công đất trồng khoai mỡ, qua 3 đợt thu hoạch được trên 17 tấn khoai. Đợt 1 thu hoạch bán được giá 14.000 đồng/kg, đợt 2 có giá 13.500 đồng/kg, còn đợt 3 vừa mới thu hoạch cách nay mấy ngày bán được giá 10.000 đồng/kg.

Mì chỉ là cây trồng xen lấy ngắn nuôi dài của nông dân Bình Phước. Nhưng cứ “giáp hạt” là giá cao, vào vụ giá giảm. Năm nay, giá mì lúc vụ chính thì nông dân chỉ hòa vốn, nếu hộ nào không nhổ kịp thì nay lỗ giá và cũng không bán được. “Trồng mì khó có lãi” - ông Nguyễn Anh Nhật ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh) với 10 năm trồng mì thở dài.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2015, ngành tiêu chủ trương không tăng số lượng mà củng cố nâng cao chất lượng, khuyến khích các DN đầu tư cho chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu.