Bình Thuận Tìm Đường Mới Cho Thanh Long Xuất Ngoại

Từ đầu năm đến nay thị trường thanh long của tỉnh Bình Thuận bị biến động mạnh, giá sụt giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp, chất lượng sản phẩm giảm làm cho nhiều nhà vườn lao đao…Tìm và mở thị trường mới là nhu cầu cấp bách của thanh long Bình Thuận.
Theo Sở NN&PTNN tỉnh Bình Thuận, năm 2013 giá thanh long ở mức cao với mức bình quân chính vụ là 13.273 đồng/kg, giá trái vụ 17.210 đồng/kg. Giá thanh long vào đầu năm 2014 tăng lên đến 28.000 - 30.000 đồng/kg, giúp cho người trồng thanh long lãi 250 -300 triệu đồng/ha/năm. Niềm vui được mùa trúng giá thanh long chưa được lâu thì tình trạng sức mua, giá giảm xuất hiện.
Vào trung tuần tháng 6, giá thanh long loại tốt chỉ còn 14.000 -21.000 đồng/kg, thanh long loại thường bán vườn giảm còn 6000 -7000 đồng/kg. Ông Huỳnh Văn Năm - chủ trang trại thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam - cho biết, giá thanh long giảm mạnh là do mùa này trái cây các loại ở miền Nam chín rộ, chất lượng thanh long xuống thấp vì mưa nhiều và thị trường xuất khẩu bị hẹp lại.
“Thanh long Bình Thuận phần lớn xuất khẩu qua Trung Quốc, gần đây tình hình buôn bán tiểu ngạch qua thị trường này bị giảm mạnh, nhiều xe thanh long bị ách lại ở cửa khẩu nên thương lái chỉ ăn hàng nhỏ giọt”- ông Năm cho biết.
Mặt khác trong những năm gần đây, thanh long đem lại lợi nhuận cao khiến nông dân mở rộng diện tích trồng thanh long ở Bình Thuận một cách ồ ạt. Nay giá thanh long xuống thấp đã xẩy ra tình trạng nhiều nhà vườn đã ngắt bỏ bông, kể cả trái non để dưỡng sức cho cây ra trái vụ sau, mặc dù đã tốn khá nhều chi phí sau thời gian dài chong điện .
Nhiều nhà vườn trồng thanh long ở Bình Thuận hiện đang đứng ngồi không yên vì đầu ra của trái thanh long bị thu hẹp. Ông Trần Minh Hường, chủ vườn thanh long ở huyện Hàm Tân cho biết, khi thanh long đi Trung Quốc giảm, khâu tiêu thụ thanh long ở thị trường mới chưa được khai thông nên giá thanh long rót nhanh và dồn ứ vì khó tiêu thụ.
Ông Ung Ngọc Hải - chủ trang trại Thanh Long Ngọc Hân rộng 18 hecta ở Hàm Thuận Nam - cho biết, khoảng hai năm nay thanh long Bình Thuận bị “dội chợ” và cạnh tranh về giá do vùng Hải Nam và Quảng Châu của Trung Quốc đã trồng khoảng 30.000 hecta thanh long. Theo ông Hải, việc Trung Quốc trồng thanh long đã diễn ra mấy năm nay và xu hướng phát triển rất mạnh, vì vậy đây là một bước cản lớn làm thu hẹp thị trường thanh long Việt Nam.
Để trái thanh long không bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, kinh nghiệm của người trồng thanh long lâu năm như ông Hải là chỉ còn cách tạo ra những trái thanh long chất lượng cao đế bán cho các nước khác thuộc EU, Mỹ, Nhật, New Zealand vì nhu cầu ở đây không hề nhỏ.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, diện tích thanh long ở Bình Thuận hiện là 21.278 hecta, đến năm 2020 sẽ đạt 25.000 hecta, trong đó 90% diện tích thanh long sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng ổn định từ 700.000 - 750.000 tấn. Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu thanh long đến năm 2015 đạt 56 triệu USD/năm, năm 2020 đạt 100 triệu USD/năm.
Để đạt được điều này, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu trang trại, doanh nghiệp cần phát triển thị trường, tăng cường các biện pháp quản lý, loại bỏ các đối tượng mua bán trung gian, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư kho bảo quản dự trữ thanh long nhằm điều tiết sản lượng thanh long cung cấp ra thị trường trong mùa thu hoạch, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.
Để tìm đường mới cho thanh long ở thị trường nước ngoài, ngành công thương Bình Thuận đã trực tiếp ra nước ngoài tiếp thị, tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại và hội thảo quốc tế và có nhiều điểm sáng dần hé lộ. Mới đây thanh long Bình Thuận là sản phẩm của Việt Nam đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu thanh long sang New Zealand.
Tuy nhiên lượng hàng xuất đi chưa nhiều do hàng rào kỹ thuật về dịch hại và vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này rất nghiêm ngặt. Ông Huỳnh Văn Bổn, chủ trang trại thanh long ở TP.Phan Thiết cho rằng, thanh long nhập khẩu vào thị trường New Zealand phải bảo đảm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và phải qua xạ nhiệt, trong khi khả năng đáp ứng các nhu cầu này của các DN xuất khẩu thanh long của Bình Thuận chưa hội đủ năng lực để đáp ứng theo yêu cầu của thị trường của họ.
Có thể bạn quan tâm

Cá lăng chấm (Hemibagrus guttatus) là loài cá quý hiếm hoang dã sống trên hệ thống sông Hồng. Thịt cá mềm, thơm ngon, ít xương dăm, giàu chất dinh dưỡng, được liệt vào hàng đặc sản. Cá lăng chấm sống ở những vùng nước sạch, có dòng chảy nhẹ. Hiện nay, cá lăng chấm bị khai thác rất mạnh đến mức cạn kiệt

Theo Viện trưởng Lê Quốc Doanh thì lạc dại (Arachis pintoi) là cây họ đậu thuộc loại thân bò, sinh trưởng vô hạn, hoa có màu vàng tươi, hạt nhỏ (8-12mm x 4-6mm), màu nâu nhạt, rễ có nhiều nốt sần có khả năng cố định đạm từ nitơ khí trời rất tốt. Lạc dại dễ trồng, sinh trưởng, phát triển nhanh, có thể thích ứng với nhiều loại đất từ đất xấu bạc màu, nghèo dinh dưỡng, đất đồi núi dốc đến đất cát, đất chua mặn ven biển.

Thế nhưng khi về huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), chúng tôi mới biết rằng "di chứng" của cơn sốt gạo ấy vẫn còn gây lo lắng cho người nông dân nơi này, nhất là với những hộ lâu nay sinh sống chủ yếu nhờ vào cây bắp.

Mùa nước nổi năm nay có rất nhiều mô hình làm giàu từ lũ được nhân rộng ở các địa phương vùng ĐBSCL như: nuôi tôm càng xanh, nuôi cá chình, lươn, cá lóc, cá bông... ở các huyện: Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp), Tân Hưng (Long An)...

Gần đây, trong làng giống cây trồng Việt Nam xuất hiện một tên tuổi mới, đó là thương hiệu Sao Cao Nguyên® Seeds. Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng và người sản xuất, Cty này đã cùng một lúc đưa ra thị trường 3 giống khổ qua lai F1 với các đặc tính cơ bản như: thu trái sớm; trái sai, thời gian thu trái dài; màu sắc, hình dáng đẹp; cứng trái thích hợp vận chuyển xa và bảo quản lâu. Các giống lai này có tính thích nghi rộng, phù hợp với nhiều vùng miền ở cả Bắc, Trung, Nam.