Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bình Thuận Đưa Chuối Già Lùn Lên Vùng Cao La Dạ

Bình Thuận Đưa Chuối Già Lùn Lên Vùng Cao La Dạ
Ngày đăng: 12/08/2014

Trong tháng 8/2014, giống chuối già lùn nuôi cấy mô sẽ được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận đưa lên trồng thí điểm tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận).

Viện Sinh học Nhiệt đới (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) là đơn vị chuyển giao công nghệ cho đơn vị chức năng ở địa phương để triển khai dự án xây dựng mô hình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô và trồng thâm canh chuối già lùn tại Bình Thuận.

Với thời gian thực hiện đến tháng 3/2016, dự án này hướng đến mục tiêu đào tạo được 6 kỹ thuật viên nắm vững các quy trình công nghệ chuyển giao từ Viện Sinh học nhiệt đới.

Đồng thời, sản xuất khoảng 14.000 cây chuối già lùn cấy mô đạt tiêu chuẩn cây giống tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận để cung cấp cho mô hình. Tiếp nữa là xây dựng thành công và chuyển giao quy trình trồng, thâm canh cây chuối già lùn bằng giống nuôi cấy mô với tổng diện tích 5 ha tại xã La Dạ, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Theo Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận, trồng chuối nuôi cấy mô không những đảm bảo sạch bệnh mà còn tăng năng suất từ 15 - 20% so với trồng từ chồi hay củ chuối. Thực tế cho thấy, ưu điểm lớn nhất của giống cây trồng này là chuối ra hoa đồng loạt, buồng chuối đồng đều, chất lượng đồng hạng, thu hoạch đồng loạt…

Mặt khác, chi phí cho mỗi ha trồng nuôi cấy mô chỉ tương đương chi phí trồng bằng chồi. Tính toán hiệu quả kinh tế, 1 ha chuối nuôi cấy mô có thể cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng (tùy mật độ trồng), tức bằng giá trị sản phẩm của 3,8 ha trồng lúa, 6 ha trồng ớt hoặc 10 ha trồng lạc…

Sau khi xuống giống đợt đầu tiên tại xã La Dạ, mô hình hy vọng khoảng 12 tháng tới thì lứa chuối già lùn nuôi cấy mô sẽ cho thu hoạch buồng thứ nhất, tiếp đến 8 - 10 tháng nữa là buồng thứ hai. Ngoài đem lại thu nhập từ buồng trái, hầu như toàn bộ sản phẩm của cây chuối có thể sử dụng làm thức ăn gia súc, nguyên liệu dùng trong đan lát hàng thủ công mỹ nghệ, bán lá tươi…

Dự kiến 1 ha trồng được 2.500 cây chuối già lùn nuôi cấy mô, sau 12 tháng hộ tham gia mô hình thu hoạch sản lượng khoảng 40 tấn chuối. Với giá bán 5.000 đồng/kg, bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao này có thể đạt doanh thu lên đến 200 triệu đồng cho mỗi ha. Sau khi trừ chi phí, đem lại thu nhập trung bình cho người dân La Dạ hơn 53 triệu đồng/ha.

Vùng cao La Dạ, là địa bàn tập trung đông bà con dân tộc K’ho, Tày, Mường, Chăm… và hiện có tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao với khoảng 40%.

Chính vì vậy, dự án này là cơ hội để đồng bào vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, dự án còn hướng đến hình thành vùng thâm canh cây chuối nhằm thay đổi phương thức canh tác lạc hậu, xóa bỏ tập quán đốt rừng làm rẫy theo mùa. Và nếu giống cây trồng này được tập trung nhân rộng, sẽ góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc cho La Dạ (địa bàn có đồi núi chiếm 94% diện tích tự nhiên), đồng thời ngăn chặn xói mòn đất, bảo vệ môi trường.


Có thể bạn quan tâm

Trúng Mùa Ruốc, Ngư Dân Thu 2 Triệu Đồng/người/ngày Trúng Mùa Ruốc, Ngư Dân Thu 2 Triệu Đồng/người/ngày

Những ngày đầu tháng 1 đến nay, bà con ngư dân 2 xã Quảng Công, Quảng Ngạn(Thừa Thiên Huế) trúng đậm mùa ruốc. Sau mỗi ngày ra khơi, trung bình mỗi tàu khai thác trên 3 tạ ruốc.

13/01/2014
Triển Vọng Nghề Nuôi Thủy Đặc Sản Triển Vọng Nghề Nuôi Thủy Đặc Sản

Đối với người nuôi thủy sản tỉnh, thành công của mô hình nuôi cá chình do Công ty TNHH Hưng Biển thực hiện từ tháng 7-2011 đến tháng 11-2012 trên vùng cát Bảo Ninh đã giúp họ có cái nhìn mới đối với việc đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi, trong đó có việc tìm đến những đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao.

13/01/2014
Nuôi Cá Lóc Thu Tiền Tỷ Nuôi Cá Lóc Thu Tiền Tỷ

Ông Võ Văn Hưng, 61 tuổi (tổ 28, Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có thâm niên 23 năm nuôi cá lóc. Năm nay mô hình nuôi cá lóc trong lưới của ông cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.

26/12/2013
Làm Giàu Từ Nghề Trồng Gấc Làm Giàu Từ Nghề Trồng Gấc

Về thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (Bắc Giang), hỏi thăm đến nhà ông “vua gấc” Trần Sĩ Quảng, bà con trong thôn từ già đến trẻ nhỏ ai nấy đều cho biết, ông Quảng là một nông dân cần cù, chịu khó, làm giàu và nổi danh từ nghề trồng cây gấc.

26/12/2013
Đầu Tư Hạ Tầng Vùng Nuôi Đầu Tư Hạ Tầng Vùng Nuôi

Chính sách đầu tư hạ tầng ngày càng hoàn thiện để người dân Trần Đề (Sóc Trăng) tiếp tục khai thác lợi thế của vùng đất ngập mặn ven biển thành công hơn.

13/01/2014