Bình Thuận dự kiến cung cấp 20 tỷ con tôm giống trong năm nay

Để đảm bảo chất lượng tôm giống, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã tiến hành giám sát chặt chẽ ở 3 khâu: quản lý đầu vào (tôm bố mẹ, thức ăn, thuốc thú y và các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường); quản lý quá trình sản xuất và đầu ra.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 151 cơ sở sản xuất tôm giống (chủ yếu sản xuất giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú), tập trung chủ yếu ở huyện Tuy Phong. Phần lớn các cơ sở kinh doanh tôm giống đều được xây dựng quy mô lớn và không ngừng mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận, hiện nay diện tích nuôi tôm giống ngày càng thu hẹp, không đủ phát triển số lượng, chất lượng, thể tích nuôi tôm giống trên địa bàn mới chỉ đạt hơn 50.000m3, không đủ để cung cấp cho thị trường vốn đang thiếu tôm giống như hiện nay.
Qua khảo sát ý kiến từ các doanh nghiệp sản xuất tôm giống, giải pháp để duy trì lợi thế, tăng nguồn thu từ tôm giống là tìm cách hình thành một vùng sản xuất tôm giống tập trung, vùng nuôi công nghiệp cho các doanh nghiệp lớn. Nhưng đến nay việc quy hoạch mới vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hoàn thành.
Hiện nay, nhu cầu con giống ngày một tăng, nguồn tôm bố mẹ phụ thuộc vào việc nhập từ Mỹ, Thái Lan, Australia… do đó giá thành nhập khẩu tôm giống rất cao. Chính vì vậy, việc chủ động sản xuất tôm giống bố mẹ luôn được các doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm.
Tuy nhiên để làm việc này cần kinh phí lớn, trong khi đó, điều kiện sản xuất tôm bố mẹ chưa an toàn do việc quy hoạch vùng nuôi tôm chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, việc phát triển tôm giống sẽ bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm môi trường biển và khói bụi của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân tại huyện Tuy Phong.
Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, để tháo gỡ khó khăn, tỉnh đang triển khai một khu quy hoạch nuôi tôm giống tại xã Chí Công với diện tích 157ha để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Quy hoạch này sẽ giải quyết dứt điểm việc chồng lấn giữa quy hoạch nuôi tôm giống và quy hoạch phát triển du lịch để tạo điều kiện khai thác tốt nhất hai ngành nhiều tiềm năng này. Dự kiến cuối năm 2015 tỉnh sẽ hoàn thành quy hoạch này, tuy nhiên việc triển khai này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang muốn mở rộng xây dựng trên diện tích lớn nên vùng quy hoạch này chưa đáp ứng đủ yêu cầu của tất cả doanh nghiệp.
Trong 5 năm gần đây (2011 - 2015), nghề nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là sản xuất tôm giống ở Bình Thuận có bước phát triển mạnh, chiếm tới gần 70% lượng tôm giống cung cấp cho thị trường trong cả nước.
Năm 2014, sản lượng tôm giống Bình Thuận đạt 28 tỷ con giống (tôm sú giống là 2 tỷ con, tôm thẻ chân trắng giống là 26 tỷ con).
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, để tránh tình trạng thiếu nguyên liệu, thu mua cạnh tranh, sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn đang ngày càng có xu hướng “tự cấp”.

Trước đây cây chanh thường được nông dân trồng xen chứ không ai trồng chuyên canh. Bởi chanh chẳng cho hiệu quả là mấy, bán giá thấp. Cho đến khi có người bạn chuyên bán giống cây trồng ở Bến Tre giới thiệu có giống chanh tàu chùm mới nhập về, thuyết phục mua nên ông Dũng mạnh tay mua về trồng thử trên đất phía sau nhà 2.000 gốc với giá lúc đó là 22.000 đồng/gốc

Ông Trần Văn Thọ - PGĐ Cty TNHH MTV QLKTCTTL Quảng Trị cho biết năm nay diễn biến thời tiết, khí hậu bất thuận, vụ đông xuân 2011 kéo dài hơn một tháng nên tình hình nước tưới chống hạn cho lúa vụ hè thu cũng hết sức căng thẳng

Thực hiện Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP), năm 2011 Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm” tại xã Năng Khả, huyện Na Hang với diện tích 0,5 ha, số lượng cá giống thả nuôi là 10.000 con, có 10 hộ gia đình tham gia. Sau 5 tháng thực hiện mô hình đã cho hiệu quả kinh tế khả quan, mở ra hướng làm kinh tế mới cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản ở Na Hang.

Nằm trong “Chương trình khí sinh học dành cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do Chính phủ Hà Lan tài trợ, Chương trình ứng dụng khí biogas an toàn sinh học được tổ chức thí điểm cho 22 hộ chăn nuôi gia súc ở xã An Nông, huyện miền núi Tịnh Biên, An Giang đã thành công.