Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bình Thuận Cấm Bẫy Bắt Tôm Hùm Con Từ Tháng 3 Đến Tháng 9

Bình Thuận Cấm Bẫy Bắt Tôm Hùm Con Từ Tháng 3 Đến Tháng 9
Ngày đăng: 21/03/2014

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn giao thông trên biển và tạo không gian thông thoáng cho các môn thể thao dưới nước, năm 2014 UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục cấm các hoạt động bẫy bắt tôm hùm con trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 9.

Năm 2013, TP Phan Thiết phối hợp với lực lượng Thanh tra thủy sản và các phường, xã ven biển đã tháo gỡ hơn 2.700 bẫy tôm hùm con. Trong số này tập trung chủ yếu ở các địa bàn trọng điểm du lịch của thành phố như: Hàm Tiến, Mũi Né, Hưng Long…

Ông Đặng Thanh Tiến – Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Phan Thiết cho biết: Từ tháng 3 đến tháng 9 năm nay, Phan Thiết sẽ tiếp tục ra quân tuyên truyền, xử lý, nghiêm cấm các trường hợp bẫy bắt tôm hùm con trong thời gian cấm. Dự kiến, các tổ kiểm tra liên ngành sẽ tổ chức ít nhất 3 đợt ra quân, sử dụng ca nô và tàu chuyên dụng để trục vớt, thu giữ các bẫy tôm vi phạm.

Các phường, xã ven biển sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân không thả bẫy cho đến hết tháng 9. Riêng giữa tháng 2 vừa qua, TP Phan Thiết đã kiểm tra và yêu cầu tháo gỡ 70m bẫy tôm hùm con vi phạm tại khu vực biển thuộc phường Hàm Tiến để phục vụ Giải lướt ván buồm (Fun Cup) lần thứ 15.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay tuy đã bước vào thời gian cấm, nhưng các dây phao của bẫy tôm vẫn còn xuất hiện khá dày tại các vùng biển Phan Thiết. Chỉ cách bờ biển khoảng hơn 20m là sự xuất hiện của hàng chục đường dây mắc lưới bẫy tôm hùm con.

Các đường dây này được đặt san sát nhau khiến các tàu thuyền khi ra vào bờ rất dễ mắc lưới. Riêng những vùng biển phục vụ trọng điểm du lịch của Phan Thiết như Hàm Tiến – Mũi Né, Tiến Thành, hoạt động vi phạm của bà con ngư dân ảnh hưởng lớn đến các môn thể thao biển.

Bẫy bắt tôm hùm con thường chỉ hoạt động trong thời điểm vụ bấc của năm, biển càng động thì tôm càng xuất hiện nhiều để tìm thức ăn. Đây là dịp để bà con ngư dân có thêm nguồn thu trước mùa biển êm. Vài năm trở lại đây, nghề bẫy bắt tôm hùm con xuất hiện dày đặc dọc vùng biển từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi.

Tôm hùm con sau khi đánh bắt, thường được bán ra các tỉnh miền Trung với giá từ 150 ngàn đến 200 ngàn đồng/con. Mặc dù nghề bẫy bắt tôm hùm con giúp bà con có thêm nguồn thu, nhưng về lâu dài hoạt động này ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản của vùng biển Bình Thuận. Con tôm hùm nếu được để trong môi trường tự nhiên đến tuổi khai thác có giá trị gấp nhiều lần tôm hùm con.

Những năm qua, nguồn lợi hải sản ven bờ có xu hướng giảm mạnh, trong đó có nguyên nhân không nhỏ từ việc đánh bắt kiểu tận diệt. Chính vì vậy công tác tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải bắt đầu ngay hôm nay. Và những ngư dân trực tiếp khai thác cần phát huy tính tự giác để giữ gìn giá trị của “biển bạc”.


Có thể bạn quan tâm

Từ tay trắng thu tiền tỷ nhờ nấm linh chi Từ tay trắng thu tiền tỷ nhờ nấm linh chi

Trước khi trở thành ông chủ của một trong những trại nấm linh chi quy mô lớn tại huyện Đầm Hà, anh Phan Quốc Hưng từng có thời gian dài ngập trong số nợ lớn

16/01/2017
Những tỷ phú nông dân vùng Kinh Bắc Những tỷ phú nông dân vùng Kinh Bắc

Tận dụng những vùng đất trũng hay bãi phù sa sông Đuống để phát triển kinh tế làm giàu là những bước đi mà nông dân ở Cảnh Hưng đang hướng đến.

19/01/2017
Làm giàu nhờ chuối cấy mô Làm giàu nhờ chuối cấy mô

Sau gần 10 năm làm việc tại TP.HCM, tôi chợt nhận ra rằng, sức trẻ mình có, đất vườn gia đình, tôi quyết định về lại quê, cải tạo đất để trồng chuối cấy mô

21/01/2017
Những tỷ phú nông dân Những tỷ phú nông dân

Với sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân trong tỉnh đã biến những khó khăn thành lợi thế

24/01/2017
'Vua gà' xứ nghệ, lãi ròng trên 1,5 tỷ đồng/năm 'Vua gà' xứ nghệ, lãi ròng trên 1,5 tỷ đồng/năm

Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, chỉ sau 6 năm, trải qua bao phen “sấp ngửa”, Trần Hữu Đức đã có 3 trại gà lý tưởng, lãi ròng trên 1,5 tỷ đồng/năm

06/02/2017