Bình Định sản xuất cây trồng cạn trên đất lúa thiếu nước hiệu quả cao nhưng chưa bền vững

Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã sản xuất trên 10.600 ha cây trồng cạn, gồm bắp lai trên 2.600 ha, đậu phụng hơn 1.700 ha, đậu nành 123 ha, mè 1.569 ha, rau màu các loại 4.558 ha. Trong đó, diện tích các loại cây trồng cạn thực hiện trên diện tích đất lúa bị thiếu nước tưới 3.151 ha, tập trung tại các huyện: Phù Mỹ 1.151 ha, Phù Cát 607 ha, Hoài Ân 568 ha, Hoài Nhơn 549 ha... Kết quả, chẳng những ứng phó được tình trạng hạn hán, nông dân còn có thu nhập khá.
Tại thôn Hy Tường, xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn), anh Nguyễn Văn Thu, nông dân tham gia thực hiện mô hình trồng bắp lai SSC 2095 trên đất lúa thiếu nước, cho biết: Trước đây diện tích này tôi trồng lúa, mấy năm nay vụ HT nào cũng bị hạn nên cây lúa thường mất mùa do thiếu nước. Năm nay chuyển đổi sang sản xuất bắp lai tôi thấy rất hiệu quả. Năng suất bắp lai đạt 6,4 tấn/ha, giá bán hiện nay 5.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 17 triệu đồng/ha, cao hơn 4 triệu đồng/ha so với trồng lúa.
Mô hình trồng mè V6 vụ HT trên đất trồng lúa kém hiệu quả tại thôn Tăng Long, xã Canh Vinh (Vân Canh) cho lợi nhuận cao hơn 11,2 triệu đồng/ha so với trồng lúa. Ông Nguyễn Văn Huy - cán bộ khuyến nông xã Canh Vinh, trực tiếp “đứng chân” mô hình - cho biết: Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cải tạo đồng ruộng, ngăn chặn được sự phát sinh, phát triển của một số sâu bệnh hại lúa cũng như hạn chế được hiện tượng mất mùa hoặc bỏ đất hoang do thiếu nước tưới. Đây là cơ sở thực tiễn giúp bà con lựa chọn cây trồng, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cạn trên vùng đất ruộng thiếu nước, trồng lúa vụ HT kém hiệu quả ở xã Canh Vinh.
Mô hình trồng bắp trên đất lúa thiếu nước kết hợp nuôi bò ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát, lợi nhuận tăng gần gấp đôi so với làm lúa. Theo nông dân Nguyễn Xuân Thọ, ở thôn Cảnh An, nếu dùng bắp làm thức ăn nuôi nghé cái để làm bò sinh sản, 12 tháng sau bán con bò được 15 - 16 triệu đồng; nếu nuôi bò vỗ béo thì 3 - 4 tháng sau sẽ lãi 7 - 8 triệu đồng/con, hiệu quả hơn cả nuôi bò sinh sản.
Hiệu quả kinh tế mang lại từ việc chuyển sang sản xuất cây trồng cạn trên đất lúa thiếu nước tưới khá cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần diện tích chuyển đổi quá nhỏ so với tổng diện tích canh tác lúa của tỉnh. Đa số chỉ dừng lại ở cấp độ mô hình sản xuất, hoặc người dân tự chuyển đổi theo cách đơn lẻ, quy mô nhỏ, thiếu liên kết, không tập trung… Đặc biệt, đầu ra của các sản phẩm chuyển đổi thường lệ thuộc chủ yếu vào thương lái nên tính bền vững chưa cao. Thêm cái khó hiện nay trong việc phát triển cây màu là thiếu hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng yếu kém; mối liên kết “4 nhà” chưa chặt chẽ, số doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm rau màu còn rất ít.
Nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất là nhu cầu cấp bách đặt ra trong giai đoạn hiện nay; song để chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu hoặc cây khác có hiệu quả thì không thể làm tràn lan, mà nên phát huy lợi thế từng vùng, từng địa phương. Bước đầu phải thu hút được doanh nghiệp cùng đầu tư với nông dân, tiến tới xây dựng “cánh đồng lớn liên kết” cho các sản phẩm này. Khi sự chuyển dịch gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ thì việc chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa nói riêng và chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nói chung mới đem lại hiệu quả bền vững lâu dài.
Có thể bạn quan tâm

Hiện tại, Tổ hợp tác trồng cây có múi của xã đã phát triển khá nhanh, từ 7 thành viên ban đầu với diện tích 7 ha vào năm 2012 nay đã phát triển lên gấp về diện tích. Chủ tịch Hội Nông dân xã, kiêm Chủ nhiệm Tổ hợp tác trồng cây có múi Nguyễn Văn Minh cho biết, thu nhập cao nhất của hội viên trồng cam sành lên đến trên 800 triệu đồng/năm.

Là vùng đất chiêm trũng với diện tích mặt nước lớn, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã tận dụng lợi thế, mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản (NTTS) giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Hơn 13 năm qua, kể từ ngày chè cây cao được đưa vào trồng trên nương ngô, nương sắn cũng là chừng ấy năm, các hộ gia đình ở Can Hồ bỏ công chăm sóc, làm hàng rào bảo vệ cẩn thận, mặc dù nguồn thu từ cây chè chẳng đáng là bao. Chè búp tươi sau khi thu hái, sơ chế chỉ bán cho người dân bản Thèn Pả xã Huổi Lèng sử dụng.

Tính đến cuối tháng 7, nông dân huyện Điện Biên Đông đã hoàn thành gieo cấy những thửa ruộng cuối cùng thuộc trà muộn vụ lúa mùa năm 2014. Hiện nay, phần lớn diện tích lúa mùa trên địa bàn đang bén rễ hồi xanh và bước vào thời kỳ đẻ nhánh.

Thạch Đỉnh là một trong những xã nghèo của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đầu năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã kết hợp với UBND xã Thạch Đỉnh xây dựng mô hình trình diễn "Nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng bền vững trong ao đất có quạt nước" do anh Lê Văn Loan làm chủ mô hình.