Bình Định Hạn Hán Gây Khó Khăn Cho Hoạt Động Nuôi Trồng Thủy Sản

Từ đầu năm đến nay, do lượng mưa thấp, nắng nóng gay gắt kéo dài, nên hầu hết các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh Bình Định bị khô kiệt, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS). Hiện nay, diện tích nuôi cá nước ngọt bị thu hẹp đáng kể, tình hình dịch bệnh tôm nuôi có nguy cơ bùng phát.
Diện tích NTTS giảm
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục NTTS thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Hạn hán kéo dài khiến diện tích NTTS trên địa bàn tỉnh sụt giảm mạnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới thả nuôi cá nước ngọt được gần 1.047 ha/1.876 ha trên các hồ chứa (chiếm 55,8%), nuôi cá trong ao 134 ha/192 ha (chiếm 69,7%).
Bên cạnh đó, do mực nước tại các hồ chứa xuống thấp hoặc khô kiệt, hoạt động nuôi cá lồng trong các hồ chứa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hiện chỉ còn tập trung tại hồ chứa nước lớn như hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh), hồ Hội Sơn (Phù Cát), hồ Quang Hiển (Vân Canh). Tại hồ chứa nước Định Bình, nắng nóng kéo dài tạo điều kiện bùng phát dịch bệnh trên đàn cá điêu hồng nuôi trong lồng; ước tính đã có trên 50 tấn cá nuôi bị chết, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi cá.
Hạn hán cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác thực nghiệm, duy trì bảo vệ đàn cá giống bố mẹ, sản xuất con giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Thế Vũ, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang quản lý 2 trạm giống thủy sản đặt tại xã Mỹ Châu (Phù Mỹ) và Cát Tiến (Phù Cát), sản xuất con giống thủy sản nước ngọt, lợ, mặn cho người dân trong tỉnh và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, tình hình khô hạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của đơn vị.
Đáng lo ngại là việc duy trì, bảo vệ đàn cá giống bố mẹ đang được nuôi dưỡng tại Trạm Thực nghiệm NTTS Mỹ Châu, bởi lượng nước tại hồ Hóc Hòm, Hóc Lách, Đồng Đèo đã khô kiệt, không đảm bảo đủ nước ngọt để duy trì đàn cá giống. Trạm Thực nghiệm NTTS Mỹ Châu đang nuôi giữ 13 tấn cá giống bố mẹ gồm các giống trắm, trôi, mè, chép, rô phi, điêu hồng, lăng nha, bống tượng, trê lai, chim trắng, với tổng giá trị gần 1,9 tỉ đồng.
Để có đàn cá giống này, đơn vị phải nghiên cứu, lai tạo, phát triển trong thời gian gần 10 năm. Thế nhưng, tình trạng hạn hán kéo dài đe dọa đến việc nuôi giữ đàn cá. Trạm đã và đang dùng mọi biện pháp chống hạn, như nạo vét hồ chứa, dùng máy bơm đưa nước về để duy trì đàn cá giống…
Hạn hán cũng đã ảnh hưởng đến việc NTTS nước lợ tại các địa phương ven biển. Do thiếu nguồn nước ngọt nên tiến độ thả tôm giống khá chậm; độ mặn trong ao hồ nuôi tôm tăng cao, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh khá cao. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ thả nuôi được 1.891 ha/2.243 ha, chiếm 86,1% diện tích nuôi tôm hiện có.
Trong đó, diện tích tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh, bán thâm canh là 344,5 ha, nuôi quảng canh cải tiến xen tôm với các đối tượng thủy sản khác như cua, cá 1.447 ha. Diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh đến thời điểm này là 27 ha, xảy ra trên đối tượng tôm thẻ chân trắng nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh; tập trung tại các vùng nuôi tôm của huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn.
Tập trung chống hạn cho NTTS
Trước tình hình hạn hán đe dọa đến hoạt động NTTS, thời gian qua, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành triển khai các biện pháp chống hạn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra đối với hoạt động NTTS.
Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Từ nguồn kinh phí hỗ trợ thủy lợi phí của Bộ Tài chính, tỉnh đã nhanh chóng phân bổ giúp các địa phương nạo vét kênh mương, ao, hồ, mua nhiên liệu hỗ trợ người dân bơm nước chống hạn, trong đó ưu tiên cho việc cung cấp nước ngọt cho hoạt động NTTS.
Các đơn vị chức năng đã tập trung cải tạo, nạo vét, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi quan trọng, nhằm cung cấp kịp thời nguồn nước ngọt cho nuôi tôm. Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã ưu tiên nguồn nước tại các hồ chứa và lên lịch cụ thể cung cấp nước ngọt cho NTTS ven biển.
Đối với việc bảo vệ đàn cá giống bố mẹ tại Trạm Thực nghiệm NTTS Mỹ Châu, đơn vị đã chi kinh phí để nạo vét, khơi sâu 2 hồ chứa Hóc Hòm và Hóc Lách trên địa bàn xã Mỹ Châu; hỗ trợ kinh phí mua xăng dầu bơm nước, xây dựng hệ thống thủy lợi, mua hóa chất khử trùng, men vi sinh…, phục vụ cho việc nuôi dưỡng, duy trì đàn cá giống bố mẹ. Trước tình hình hạn hán đang còn diễn biến phức tạp, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đang tính đến giải pháp vận chuyển đàn cá giống bố mẹ đến nuôi giữ tạm thời tại đập Thiết Đính (Hoài Nhơn) để duy trì đàn cá giống.
Riêng đối với hoạt động NTTS trên các ao hồ, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân không nên nuôi cá tại những nơi không đảm bảo nguồn nước, thả giống mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế những thiệt hại do hạn hán gây ra…
Có thể bạn quan tâm

Theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành, hành vi sử dụng các biện pháp, phương tiện, công cụ có tính hủy diệt trong khai thác tài nguyên và nguồn lợi biển sẽ bị phạt tiền từ 80-150 triệu đồng.

Không chỉ là xã ven biển có diện tích mặt nước mặn, nước lợ chiếm gần 50% tổng diện tích tự nhiên, Tiền Phong (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) còn có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ hải sản. Chính vì thế, những năm qua, dựa vào lợi thế sẵn có của địa phương, người dân xã Tiền Phong đã mạnh dạn lựa chọn và đưa nhiều loại giống thuỷ sản mới vào nuôi thí điểm. Không ít mô hình nuôi trồng thuỷ sản cho hiệu quả kinh tế cao đã thành công và được nhân ra trên diện rộng. Nuôi cá vược theo hình thức quảng canh là một trong những mô hình như thế...

Để việc triển khai quy chế quản lý cá tra bố mẹ hiệu quả, Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Đại, Châu Thành (Bến Tre) tiến hành khảo sát tình hình khai thác đàn cá tra bố mẹ chọn giống tại các cơ sở sản xuất giống.

Chưa bao giờ phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát rộ lên mạnh mẽ như thời gian gần đây. Trong khi việc kiểm soát của địa phương, ngành chức năng còn nhiều khó khăn, sông Trường Giang tiếp tục gồng mình với tình trạng rút ruột và xả thải.

Ít nơi nào trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững như thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang). Sau khi nuôi heo, gà hiệu quả kinh tế không cao, năm 2005, hàng chục hộ ở đây chuyển sang nuôi chim cút. Mấy năm gần đây, loài chim này đem lại cơ hội làm giàu cho hơn 60 gia đình.