Biến Tiềm Năng, Thế Mạnh Thành Kinh Tế Mũi Nhọn

Với hơn 30km bờ biển chạy theo hình vòng cung gần như ôm trọn TX Quảng Yên (Quảng Ninh); trên 12.000ha diện tích đất bãi bồi cửa sông, ven biển cùng với nghề đi biển và nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) là những tiềm năng, lợi thế của Quảng Yên trong phát triển kinh tế. Quyết tâm làm giàu từ biển của cấp uỷ, chính quyền, người dân đang được phát huy.
Trong tiết trời lạnh giá của những ngày cuối năm, dọc tuyến đường từ trung tâm thị xã dẫn sang các xã đảo khu vực Hà Nam, chúng tôi được chứng kiến bà con tấp nập chở các loại thuỷ sản: Tôm, cá, cua, ruốc... từ các xã ven biển sang trung tâm thị xã tiêu thụ.
Theo hẹn trước, chúng tôi đi cùng với đồng chí Đinh Đức Thành, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng TX Quảng Yên xuống một số xã, phường ven biển tìm hiểu việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế từ biển ở địa phương.
Tại xã Liên Hoà, vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu đầm nuôi thuỷ sản, đồng chí Lê Văn Mịn, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Hiện nay, xã có khoảng 100 hộ và 400 phương tiện tham gia đánh bắt, NTTS; tổng diện tích nuôi thả trên địa bàn xã là 500ha, trong đó tập trung nuôi tôm, cua, cá.
Xác định đây là ngành kinh tế chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, cấp uỷ, chính quyền tập trung chỉ đạo, vận động các chủ hộ đẩy mạnh cải tạo ao, đầm, áp dụng tiến bộ KHKT trong NTTS, mạnh dạn đầu tư nuôi thả các loại con giống mới như:
Cua biển, tôm càng xanh, tôm chân trắng Nam Mỹ... cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, kinh tế thuỷ sản ngày càng phát triển mạnh với sản lượng tăng cao sau mỗi năm. Từ đầu năm 2013 đến nay, sản lượng khai thác đánh bắt tự nhiên và nuôi thả của xã đạt trên 2.200 tấn tôm, cá các loại, giá trị đạt 28 tỷ đồng, chiếm 75,56% giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của địa phương.
Rời xã Liên Hoà, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi thả thuỷ sản của hộ anh Lê Văn Mạnh, tại thôn Vị Khê, xã Liên Vị. Anh Mạnh cho biết, gia đình anh có 50ha nuôi thả tôm, cua bể, cá các loại, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng.
Ngay gần đầm của gia đình anh Mạnh, chúng tôi gặp anh Phạm Văn Bình đang thu hoạch cá nuôi, anh Bình tâm sự: “Gia đình có 2ha nuôi thả cua và cá, mỗi năm cho thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng”. Nhiều người dân ở các xã, phường ven biển, sông, đang giàu lên từ nghề NTTS, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo của địa phương.
Theo Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng TX Quảng Yên Đinh Đức Thành, năm 2013, mặc dù điều kiện thời tiết có diễn biến phức tạp, dịch bệnh vẫn xảy ra ở một số địa phương, nhưng sản lượng đánh bắt và NTTS của Quảng Yên vẫn đạt trên 17.000 tấn, trị giá 284 tỷ đồng, chiếm 44,9% tổng giá trị ngành nông nghiệp của thị xã.
Đặc biệt, một số sản phẩm được chế biến và xuất khẩu như: Tôm, mực, cua, đạt doanh thu 9 triệu USD. Có được những kết quả này là nhờ Đảng bộ, chính quyền TX Quảng Yên đã bám sát chủ trương, định hướng của Trung ương về phát triển kinh tế biển đảo và sự chỉ đạo của tỉnh về thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng biển đảo của Quảng Ninh.
Thị xã đã quan tâm, chú trọng chỉ đạo các ngành, địa phương và người dân phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo, vùng ven biển. Trong đó, vận động người dân tập trung đầu tư mở rộng diện tích nuôi thuỷ sản; chú trọng sửa chữa, nâng cấp, mua mới phương tiện đánh bắt thuỷ sản tuyến khơi...
Cùng với đó, thị xã cũng đã thực hiện đề án chia nhỏ đầm để nuôi thuỷ sản theo hướng thâm canh; xây dựng 4 vùng chuyển diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản; quy hoạch chi tiết vùng nuôi thuỷ sản Đông Yên Hưng giai đoạn 2001-2015...
Đồng thời, thị xã đang triển khai Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cua biển Quảng Yên, thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Việc đưa cua biển vào nuôi tại địa bàn thị xã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, hàng năm sản lượng đạt xấp xỉ 50 tấn, trị giá gần 10 tỷ đồng.
Tại các vùng nuôi thuỷ sản tập trung, nông dân cũng chú trọng đầu tư, nâng cấp các đầm nuôi và đã dần đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật. Đến nay, tổng diện tích nuôi thuỷ sản trên địa bàn thị xã đạt trên 7.000ha, trong đó tập trung nuôi tôm, cua, cá lồng bè.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch UBND TX Quảng Yên cho biết: Cùng với việc phát huy, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh từ biển, sông trong việc phát triển ngành đánh bắt và NTTS của địa phương, thời gian tới Quảng Yên tập trung xây dựng các khu công nghiệp (KCN) từ những bãi bồi ven biển như:
KCN đóng mới, sửa chữa và sản xuất thiết bị máy móc tàu biển tại khu vực bãi bồi Đồng Bái, KCN đóng mới và sửa chữa tàu biển trọng tải lớn Lạch Huyện, KCN tổng hợp đa năng Đầm Nhà Mạc; củng cố, mở rộng các KCN đóng tàu Hà An, KCN chế biến thuỷ sản...
Cùng với đó, thị xã cũng chú trọng xây dựng quy hoạch mở rộng các cơ sở công nghiệp chế biến thuỷ sản, nâng cấp phương tiện, khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ; đầu tư nâng cấp hệ thống vận tải dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền trú bão Tân An, nâng cấp các bến bãi vận chuyển hàng hoá, cảng cá và dịch vụ nghề cá...
Có thể bạn quan tâm

Huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có diện tích đất có khả năng trồng lạc lớn và quy mô tập trung, thuận lợi để đẩy mạnh phát triển sản xuất luân canh, xen canh, thâm canh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Với quy mô sản xuất ổn định hơn 700 ha, đứng thứ hai sau cây lúa, hiện lạc là cây trồng có tính hàng hóa cao, mang lại nguồn thu nhập chính góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện.

Chăn nuôi bò thâm canh đang là hướng đi đầy triển vọng được nhiều địa phương trong tỉnh tập trung phát triển. Ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị), những năm qua việc phát triển đàn bò lai theo hướng thâm canh được địa phương quan tâm triển khai và đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Vùng đất đỏ ba zan huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có diện tích hơn 3.000 ha, trải dài trên địa bàn 3 xã Cam Chính, Cam Nghĩa và Cam Thành, thuân lợi để phát triển các cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu. Thời kỳ Nông trường Tân Lâm những năm 1980-1995, cây hồ tiêu ở Cam Lộ phát triển cực thịnh với quy mô tập trung hơn 1.500 ha, được đầu tư hạ tầng đồng bộ, quy trình thâm canh áp dụng thống nhất, là đặc sản “vàng đen” làm giàu cho cả vùng.

Với mục tiêu lựa chọn giống lúa thuần mới, có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết, đất đai trên địa bàn tỉnh, đồng thời có khả năng kháng một số đối tượng sâu bệnh chủ yếu nhằm bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa chủ lực của tỉnh, vụ đông xuân 2014 -2015 Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình tổ chức khảo nghiệm giống lúa SV 181 (Sao Việt 181) tại HTX Trung Đơn (xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Mô hình được thực hiện tập trung với quy mô 1 ha trên chất đất thịt nhẹ với 5 hộ tham gia.

Ở những tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất tôm giống trong tỉnh Bình Thuận ước đạt khoảng 5 tỷ con, giảm 15% so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do thời tiết lạnh kéo dài, người nuôi hạn chế thả giống. Nhu cầu mua tôm giống ở các tỉnh miền Tây và miền Trung không cao nên các cơ sở giảm sản xuất.