Biện Pháp Hạn Chế Dịch Bệnh Trên Đàn Heo, Gà

Đồng Nai là tỉnh có nhiều quốc lộ đi qua nên nguy cơ bị lây lan các dịch bệnh cho gia súc, gia cầm rất cao. Vậy, làm thế nào hạn chế được dịch bệnh trên đàn heo, gà? Để giúp người chăn nuôi nắm vững vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với Phó giáo sư - tiến sĩ LÊ VĂN NĂM, Phó chủ tịch Hiệp hội sản xuất - kinh doanh thuốc thú y Việt Nam kiêm Phó ban khoa học Hiệp hội gia cầm Việt Nam - người đã có nhiều năm nghiên cứu, phát hiện và điều trị thành công một số bệnh mới trên heo, gà...
* Phóng viên: Thưa ông, để phòng bệnh có hiệu quả trên đàn heo, gà, người chăn nuôi phải thực hiện những biện pháp nào?
- PGS - TS Lê Văn Năm: Hiện nay, dịch bệnh trên đàn heo, gà trong cả nước diễn biến ngày càng phức tạp, các ổ dịch liên tiếp xảy ra ở các tỉnh thành. Vì vậy, người chăn nuôi heo, gà phải có kiến thức cơ bản về nuôi dưỡng và phòng bệnh, để xuyên suốt quá trình nuôi luôn áp dụng quy trình an toàn sinh học. Cụ thể, bắt đầu từ khâu xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn, quá trình nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho heo, gà ăn đầy đủ các dưỡng chất, tiêm phòng các bệnh bắt buộc tăng sức đề kháng. Đồng thời, sau mỗi đợt nuôi phải đảm bảo thời gian cách ly để tiêu độc, sát trùng chuồng trại. Con giống chọn nuôi phải rõ nguồn gốc và khỏe mạnh. Nếu người chăn nuôi thực hiện tốt các yêu cầu cơ bản trên thì đàn heo, gà có tỷ lệ sống cao, hiếm khi xảy ra dịch bệnh.
* Thời gian qua, bệnh tai xanh trên heo đã gây thiệt hại lớn cho nhiều tỉnh thành, trong đó có Đồng Nai. Bệnh này tuy chưa có thuốc đặc trị, song ông đã thí điểm thành công phương pháp điều trị ở Đồng Nai, Đắk Lắk, tại sao chưa nhân rộng?
- Bệnh tai xanh sau khi hết dịch thì virus vẫn còn trong cơ thể heo khoảng 17 tuần dẫn đến 2 hiện tượng: nếu heo tiếp tục được chăm sóc tốt sẽ tự khỏi, còn không chăm sóc tốt thì sức đề kháng giảm, có thể bệnh tái phát trở lại. Hiện vaccine phòng bệnh tai xanh không đủ mạnh để giúp heo kháng thể, tỷ lệ bảo hộ chưa cao nên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không bắt buộc người dân phải sử dụng. Cách phòng bệnh tai xanh tốt nhất là người chăn nuôi không nên dùng giống không rõ nguồn gốc, trôi nổi ngoài thị trường. Khi nhập đàn phải đảm bảo thời gian cách ly và tiêm đầy đủ các vaccine phòng bệnh bắt buộc cho đàn heo. Nếu phát hiện trong đàn có heo bị bệnh tai xanh buộc phải tách riêng con khỏe với con ốm. Với những heo bị bệnh tai xanh, điều trị bằng cách cho uống đủ nước, trong nước pha một số loại thuốc kháng sinh, như: T. cúm gia súc, điện giải, super-vitamine... kèm tiêm an thần, hạ sốt, trợ lực và kháng sinh đặc hiệu trong 4 - 6 ngày liên tiếp. Với phác đồ điều trị này, tôi đã chữa khỏi trên 90% heo bệnh tại một số mô hình điểm. Tuy nhiên, mô hình này chưa nhân rộng được vì đòi hỏi quy trình chữa trị nghiêm ngặt, mất nhiều công sức và khá tốn kém.
* Gần đây, trên đàn heo, gà xuất hiện một số bệnh mới làm tỷ lệ hao hụt đàn cao. Ông có thể nói rõ hơn về loại bệnh này và cách phòng trừ?
- Trên đàn heo, gà hiện xuất hiện một số bệnh mới có triệu chứng giống như các bệnh thường gặp. Do đó, nếu người chăn nuôi không theo dõi kỹ rất dễ nhầm lẫn dẫn đến điều trị sai bệnh và tỷ lệ heo, gà chết thường khá cao. Ví dụ, trên đàn gà hiện nay xuất hiện bệnh đầu đen, cúm H5N1 ở phía Bắc đã biến đổi sang chủng khác dẫn đến các loại vaccine tiêm phòng hiện hiệu quả không cao. Còn ở heo, bệnh tai xanh sau một thời gian virus cũng đã biến đổi thành loại động lực cao khiến heo bị bệnh chết nhanh hơn... Biện pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là áp dụng các quy trình an toàn sinh học trong chăn nuôi, khi phát hiện heo, gà bệnh nên báo ngay với cơ quan thú y địa phương để tìm ra đúng bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp. Người chăn nuôi không nên giấu bệnh, tự điều trị hoặc bán chạy đàn heo, gà sẽ làm bệnh phát tán, lây lan ra diện rộng./.
Có thể bạn quan tâm

Theo nhiều người dân sống dọc bãi biển thuộc 2 xã Dân Thành và Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, từ đầu tháng 5-2012 đến nay, khu vực này xuất hiện nghêu giống khá nhiều. Mỗi ngày có hàng trăm người dân tham gia cào nghêu giống bán lại cho thương lái. Vài năm trở lại đây, năm nào cũng có nghêu giống xuất hiện đem lại nguồn thu nhập cho bà con nghèo ven biển. Ông Đào Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, cho biết: năm nay trữ lượng nghêu giống không nhiều hơn mọi năm, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm người dân nghèo xuống biển cào nghêu giống kiếm thêm thu nhập.

Những năm gần đây, người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) đã mạnh dạn đầu tư đưa vào trồng một số cây ăn quả như: Cam Đường Canh, nhãn, phật thủ, thanh long… Đặc biệt, mô hình xen canh cam Đường Canh và cây phật thủ ở xã Phượng Sơn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, diện tích tôm được thả trong năm nay là 9ha tại xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B. Giá tôm giống năm nay cao hơn năm trước không nhiều, dao động từ 180 đồng - 185 đồng/con, cao hơn khoảng 15 đồng/con. Hiện đàn tôm phát triển rất tốt.

Cuối tuần qua, nhiều hộ chăn nuôi tại Đồng Nai, TP. HCM và khu vực ĐBSCL cho biết, giá heo hơi hiện chỉ còn xấp xỉ 40.000 đồng/kg. Không chỉ heo hơi giảm giá, nhiều chủ trại heo giống cũng “than ngắn thở dài” khi cả tháng trở lại đây, họ không bán heo con ra được mặc dù giá đã liên tục giảm sâu.

Hằng năm, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, hàng ngàn ha rơm phải bỏ tại ruộng hoặc rải rác tại các cặp bờ kênh. Lũ về, những hạt lúa còn sót lại trôi theo dòng nước tứ tán rơi đều trên mặt ruộng, nằm im trong lòng đất chờ cơ hội phát triển thành lúa von. Còn những đống rơm, trôi lênh đênh trên mặt nước, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm cản trở giao thông đường thủy. Có không ít nông dân cũng đã tận dụng nguồn rơm dư thừa này để trồng nấm.