Biện Pháp Hạn Chế Dịch Bệnh Trên Đàn Heo, Gà

Đồng Nai là tỉnh có nhiều quốc lộ đi qua nên nguy cơ bị lây lan các dịch bệnh cho gia súc, gia cầm rất cao. Vậy, làm thế nào hạn chế được dịch bệnh trên đàn heo, gà? Để giúp người chăn nuôi nắm vững vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với Phó giáo sư - tiến sĩ LÊ VĂN NĂM, Phó chủ tịch Hiệp hội sản xuất - kinh doanh thuốc thú y Việt Nam kiêm Phó ban khoa học Hiệp hội gia cầm Việt Nam - người đã có nhiều năm nghiên cứu, phát hiện và điều trị thành công một số bệnh mới trên heo, gà...
* Phóng viên: Thưa ông, để phòng bệnh có hiệu quả trên đàn heo, gà, người chăn nuôi phải thực hiện những biện pháp nào?
- PGS - TS Lê Văn Năm: Hiện nay, dịch bệnh trên đàn heo, gà trong cả nước diễn biến ngày càng phức tạp, các ổ dịch liên tiếp xảy ra ở các tỉnh thành. Vì vậy, người chăn nuôi heo, gà phải có kiến thức cơ bản về nuôi dưỡng và phòng bệnh, để xuyên suốt quá trình nuôi luôn áp dụng quy trình an toàn sinh học. Cụ thể, bắt đầu từ khâu xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn, quá trình nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho heo, gà ăn đầy đủ các dưỡng chất, tiêm phòng các bệnh bắt buộc tăng sức đề kháng. Đồng thời, sau mỗi đợt nuôi phải đảm bảo thời gian cách ly để tiêu độc, sát trùng chuồng trại. Con giống chọn nuôi phải rõ nguồn gốc và khỏe mạnh. Nếu người chăn nuôi thực hiện tốt các yêu cầu cơ bản trên thì đàn heo, gà có tỷ lệ sống cao, hiếm khi xảy ra dịch bệnh.
* Thời gian qua, bệnh tai xanh trên heo đã gây thiệt hại lớn cho nhiều tỉnh thành, trong đó có Đồng Nai. Bệnh này tuy chưa có thuốc đặc trị, song ông đã thí điểm thành công phương pháp điều trị ở Đồng Nai, Đắk Lắk, tại sao chưa nhân rộng?
- Bệnh tai xanh sau khi hết dịch thì virus vẫn còn trong cơ thể heo khoảng 17 tuần dẫn đến 2 hiện tượng: nếu heo tiếp tục được chăm sóc tốt sẽ tự khỏi, còn không chăm sóc tốt thì sức đề kháng giảm, có thể bệnh tái phát trở lại. Hiện vaccine phòng bệnh tai xanh không đủ mạnh để giúp heo kháng thể, tỷ lệ bảo hộ chưa cao nên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không bắt buộc người dân phải sử dụng. Cách phòng bệnh tai xanh tốt nhất là người chăn nuôi không nên dùng giống không rõ nguồn gốc, trôi nổi ngoài thị trường. Khi nhập đàn phải đảm bảo thời gian cách ly và tiêm đầy đủ các vaccine phòng bệnh bắt buộc cho đàn heo. Nếu phát hiện trong đàn có heo bị bệnh tai xanh buộc phải tách riêng con khỏe với con ốm. Với những heo bị bệnh tai xanh, điều trị bằng cách cho uống đủ nước, trong nước pha một số loại thuốc kháng sinh, như: T. cúm gia súc, điện giải, super-vitamine... kèm tiêm an thần, hạ sốt, trợ lực và kháng sinh đặc hiệu trong 4 - 6 ngày liên tiếp. Với phác đồ điều trị này, tôi đã chữa khỏi trên 90% heo bệnh tại một số mô hình điểm. Tuy nhiên, mô hình này chưa nhân rộng được vì đòi hỏi quy trình chữa trị nghiêm ngặt, mất nhiều công sức và khá tốn kém.
* Gần đây, trên đàn heo, gà xuất hiện một số bệnh mới làm tỷ lệ hao hụt đàn cao. Ông có thể nói rõ hơn về loại bệnh này và cách phòng trừ?
- Trên đàn heo, gà hiện xuất hiện một số bệnh mới có triệu chứng giống như các bệnh thường gặp. Do đó, nếu người chăn nuôi không theo dõi kỹ rất dễ nhầm lẫn dẫn đến điều trị sai bệnh và tỷ lệ heo, gà chết thường khá cao. Ví dụ, trên đàn gà hiện nay xuất hiện bệnh đầu đen, cúm H5N1 ở phía Bắc đã biến đổi sang chủng khác dẫn đến các loại vaccine tiêm phòng hiện hiệu quả không cao. Còn ở heo, bệnh tai xanh sau một thời gian virus cũng đã biến đổi thành loại động lực cao khiến heo bị bệnh chết nhanh hơn... Biện pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là áp dụng các quy trình an toàn sinh học trong chăn nuôi, khi phát hiện heo, gà bệnh nên báo ngay với cơ quan thú y địa phương để tìm ra đúng bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp. Người chăn nuôi không nên giấu bệnh, tự điều trị hoặc bán chạy đàn heo, gà sẽ làm bệnh phát tán, lây lan ra diện rộng./.
Có thể bạn quan tâm

Được hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học năm 2012, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) đã triển khai mô hình thâm canh 2 giống mỳ mới KM 228 và KM 140 tại 2 hộ dân ở thôn Ma Trai và thôn Động Thông (xã Phước Chiến).

Xuất khẩu thủy sản cả năm được dự báo sẽ cán đích trên 6,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2012, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của xuất khẩu tôm thẻ ở hầu hết các thị trường. Tuy nhiên, thành quả này có thể bị ảnh hưởng bởi thiếu nguyên liệu đầu vào cho chế biến tôm xuất khẩu đang thiếu trầm trọng.

Những ngày này, nông dân tại các xã của huyện Krông Pa (Gia Lai) đang tập trung thuê lao động cho vụ thu hoạch mì, vui hơn khi mùa vụ năm nay năng suất cây mì cho sản lượng cao hơn, mỗi ha mì cho thu hoạch 22 tấn, cao hơn vụ trước 2 tấn/ha. Với diện tích gần 9.500 ha mì gieo trồng trong vụ Đông Xuân, Krông Pa là địa phương có diện tích và sản lượng mì lớn nhất tỉnh.

Theo tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương (Lào Cai), hiện toàn huyện có gần 75 ha mía “xương gà” trồng tập trung ở xã Thanh Bình, trung bình mỗi ha mía “xương gà” thu gần 190 triệu đồng/ha.

Nhiều hộ nông dân ở ấp 3, xã Tân Thành (Bù Đốp - Bình Phước) đang phất lên nhờ kết hợp trồng tiêu và nuôi dê. Với lợi thế vốn đầu tư ít, dê thương phẩm có thị trường tiêu thụ lớn nên mô hình này đang được nhân rộng.