Bí Thư Chi Bộ Làm Kinh Tế Giỏi

Nhà cửa rộng rãi, bề thế với khá đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền; có cửa hàng thức ăn gia súc lớn nhất, nhì xã Phúc Lương (Đại Từ), phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân 3 xóm (Cây Tâm, Cây Ngái, Hàm Rồng); mua xe ô tô 8 chỗ ngồi vừa để phục vụ sinh hoạt gia đình vừa làm dịch vụ chở khách…
Đó là thành quả mà vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang, xóm Cây Tâm gây dựng được từ hai bàn tay và khối óc trong nhiều năm qua.
Nhớ lại những ngày tháng cơ hàn, ông Quang càng thêm tự hào trước những gì mình có được hôm nay, ông bảo: Tôi đã từng trải qua nhiều công việc khác nhau, từ làm gạch, xay xát gạo đến nấu rượu, chăn lợn… Nói chung cứ có việc phù hợp với khả năng, sức khỏe là tôi làm để mong có được cuộc sống khấm khá hơn.
Nhưng tất cả những việc đó vẫn không làm cho kinh tế gia đình tôi “bật” lên được chỉ cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm trong cuộc sống. Sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở, tôi nhận thấy, ở quê tôi có nhiều hộ phát triển chăn nuôi, nhưng mỗi lần muốn mua thức ăn cho lợn, gà… lại phải ra tận trung tâm xã hoặc đi rất xa mới mua được, thì tại sao mình không mở đại lý để cung cấp cho bà con.
Vậy là năm 2005, tôi mạnh dạn thế chấp “bìa đỏ” của gia đình cho ngân hàng để vay vốn mở cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi, phân bón, hàng tạp hóa các loại. Kết hợp với đó, tôi đầu tư chăn nuôi mỗi năm từ 30-70 con lợn thịt. Với 8 sào đất ruộng, tôi cấy 2 vụ lúa bằng các loại giống mới cho năng suất, chất lượng cao; còn một vụ đông, tôi trồng ngô, khoai tây và dưa bao tử…
Nhờ vậy, kinh tế gia đình dần ổn định và phát triển, sau 2-3 năm, gia đình tôi đã trả xong nợ ngân hàng, ngoài ra, tôi vẫn còn dư vốn để đầu tư mua máy xay xát gạo, máy tuốt lúa; xe ô tô về làm dịch vụ phục vụ bà con. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng (đã trừ chi phí).
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Quang còn là một Bí thư Chi bộ nhiệt tình, trách nhiệm, ông đã cùng với 15 đảng viên xây dựng Chi bộ từ trung bình vươn lên trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền.
Với cương vị là người đứng đầu Chi bộ, ông đã chủ động bàn bạc với các đồng chí trong cấp ủy Chi bộ, trưởng xóm và trưởng các đoàn thể đề ra các nghị quyết sát thực với tình hình thực tế địa phương; khơi gợi, nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của các đảng viên trong thực hiện các phong trào, nhờ đó, từ khi ông Quang được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ (2008) đến nay, bộ mặt xóm Cây Tâm đã có nhiều khởi sắc: Nhà văn hóa được xây dựng khang trang; 250m đường nội xóm đã được bê tông; 250m kênh mương cũng đã được cứng hóa; số hộ nghèo giảm dần qua các năm…
Ông Quang cho biết thêm: Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch trong thời gian tới, xóm Cây Tâm phấn đấu làm thêm 250m đường bê tông; tuyên truyền, vận động bà con trong xóm tích cực đưa cây khoai tây và dưa bao tử vào trồng để góp phần nâng cao thu nhập. Hiện nay, xóm vẫn còn 30/72 số hộ nghèo, đó là điều khiến chúng tôi trăn trở nhất.
Nhận xét về Bí thư Chi bộ xóm, đảng viên Đào Văn Nguyên cho rằng: Ông Quang là người tính tình thẳng thắn, cởi mở, dám nghĩ, dám làm. Ông không chỉ quan tâm phát triển kinh tế gia đình mình, đi đầu trong mọi phong trào mà còn nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn bà con cùng nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng xóm ngày càng phát triển. Ông Quang được bà con yêu quý, tôn trọng!
Nguồn bài viết: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/bi-thu-chi-bo-lam-kinh-te-gioi-222888-108.html
Có thể bạn quan tâm

Tại hội thảo “Nông sản Việt Nam với công nghệ Nhật Bản” do Báo Tuổi Trẻ và Báo Mainichi (Nhật Bản) phối hợp tổ chức mới đây tại TP.Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế cũng như nhà quản lý đều nhấn mạnh rằng Nhật Bản là một thị trường lớn nhưng khó tính, vì vậy trong sản xuất phải hết sức nghiêm ngặt.

Những ngày này về Hải Hậu, trên những cánh đồng sản xuất vụ đông ở các địa phương đâu đâu cũng bắt gặp không khí lao động khẩn trương của bà con nông dân. Tranh thủ buộc giàn cho cà chua, bác Trịnh Văn Giang, đội 6, xã Hải Tân tâm sự: “Từ nhiều năm qua, gia đình tôi xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, bởi hiệu quả sản xuất cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Vụ đông năm 2013, 3 sào cà chua gia đình tôi thu lãi 12 triệu đồng.

Lâu mới có dịp trở lại Yến Mao, một vùng quê miền núi thuộc diện nghèo của huyện Thanh Thủy, thấy cảnh sắc có nhiều đổi thay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Được hỏi về nguyên nhân những thay đổi này, đồng chí Phạm Ngọc Vân, Bí thư Đảng ủy xã đánh giá: Có được sự thay da đổi thịt như Yến Mao hôm nay, trước hết nhờ tác động từ chính sách đầu tư của Nhà nước, nhất là nguồn vốn của chương trình 135, rồi vốn đầu tư hạ tầng vùng chậm lũ; cộng với đó là sự đồng tâm hiệp lực, cố gắng của lãnh đạo, bà con nhân dân.

Mang quyết tâm đổi đời lên quê hương mới, vợ chồng trẻ dựng tạm căn lều nhỏ, ngày đêm chịu khó khai hoang đất đồi trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc. “Ngày đó vùng này hoang vu lắm, có đêm nằm ngủ trong lều, thú dữ cứ gầm rú bên ngoài sợ đến kinh hoàng. Bữa ăn thì chỉ toàn rau rừng, lâu lâu đi chặt bó củi về miền xuôi bán mới mua được miếng thịt cải thiện bữa ăn”– anh Tánh nhớ lại tháng ngày cơ cực.

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị triển khai tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Phong trào trồng rừng đã tạo ra sức sống mới cho nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.