Bi Kịch IR50404

Con kênh dẫn nước rẽ giữa hai cánh đồng lúa chín vàng ở ấp Trang Nhung, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (Cần Thơ) trông thật đẹp. Lác đác một vài thửa ruộng vừa gặt xong. Ghé nhà chuyện trò với nông dân trong xóm, niềm vui trúng mùa chưa đủ khỏa lấp nỗi buồn lúa đang rớt giá.
Anh Phú Hòa, anh Sáu… giọng chùng xuống: Chỉ vì chạy theo IR 50404 nên giờ này ghe mua lúa vào trả giá tệ lắm, lúa phơi khô sạch 5.000-5.100 đồng/kg, còn lúa tươi vừa tuốt xong tại ruộng lái mua 4.600 đồng/kg, mất giá 200-300 đồng/kg so với những giống lúa khác. Với mức giá này còn cầm cự được, nhưng nếu rớt sâu hơn nữa xem như hết lời.
Ở ấp Trang Nhung có tới 97% diện tích làm thuần một giống lúa IR50404. Cái khó ở vùng đồng xa phía đầu ngọn kênh tại vùng nam sông Hậu của Cần Thơ, Hậu Giang là sau mùa lũ, nước rút chậm. Bà con nông dân chỉ còn một chọn lựa giống lúa ngắn ngày là IR50404 để không trễ thời vụ cho cả một cánh đồng lớn. Hơn nữa đây là giống có khả năng cho năng suất cao.
Có lẽ cùng suy nghĩ như vậy mà ở bên kia bờ bắc sông Hậu là Đồng Tháp, ông Trọng Bình, nông dân ấp Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, nói: “Vụ lúa này Lấp Vò hầu như ai cũng làm lúa IR50404. Dạo này lúa rớt giá, dân đều rên, vì mua giá thấp bét. Lúa tươi vừa gặt ra hạt xong, thương lái trả mua tại ruộng khoảng 4.700 đồng/kg. Hỏi vì sao trồng IR50404 nhiều ư? Dễ hiểu quá, năm ngoái làm giống lúa này bán giá cao, thấy ngon ăn. Chọn IR50404 vì ưu thế năng suất cao, ngắn ngày, ít sâu bệnh, chi phí thấp, dễ canh tác…, nào ngờ đoán gió trật chìa, giá rớt”.
Ông Huỳnh Ngọc Chiến, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Lấp Vò, cho biết: Toàn huyện có 14.200 ha lúa ĐX, trong đó có tới 91,5% làm lúa IR50404. Nằm kề là huyện Lai Vung, nông dân làm lúa giống này cũng trên 80-90% diện tích. Đó là do năm ngoái gặp lũ lớn, rút chậm. Ở vùng làm 3 vụ lúa/năm, vì chưa tìm được giống khác thay thế nên nông dân chỉ còn cách chọn IR50404 nhờ vào đặc tính ngắn ngày, nối tiếp vụ sau tránh được lũ.
Mặt khác năm ngoái lúa IR50404 được giá 6.000-6.200 đồng/kg, cả năm Lấp Vò có diện tích canh tác lúa 34.000 ha, lúa IR50404 chiếm tới 55%. Đó là lý do năm nay nông dân đổ xô trồng IR50404. Theo ông Chiến, với tình hình giá lúa thấp như thế này sang vụ HT, TĐ tới, nông dân sẽ thay đổi giống. Chắc chắn IR50404 sẽ giảm mạnh, do chất lượng gạo vụ HT thấp, tỷ lệ gạo bạc bụng cao.
Vụ ĐX này có tin một tỉnh có diện tích lúa IR 50404 tới hơn 65.000 ha, vượt nhiều lần mức khuyến cáo. Hiện chưa có địa phương nào thống kê chính xác nhưng ước đoán diện tích lúa IR50404 tăng rất nhiều so vụ lúa ĐX năm trước.
Ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt nhắc lại khuyến cáo của Bộ NN-PTNT: Nông dân các địa phương trồng lúa chất lượng thấp diện tích không nên tăng quá 15-20%. Tuy nhiên mùa này một số tỉnh có diện tích lúa IR50404 tăng hơn 20%, có tỉnh 20-30%, thậm chí 60%. Chính vì diện tích lúa cấp thấp IR50404 tăng quá mức, gặp thị trường không thuận lợi, giá rớt là điều dễ hiểu.
Có thể bạn quan tâm

Sau nhiều năm thua lỗ liên tục vì giá heo hơi thấp dưới giá thành sản xuất, người nuôi phải giảm hoặc bỏ đàn. Gần đây, giá heo hơi nhích lên dần và đang ở mức 5,4 -5,5 triệu đồng/tạ, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Các hộ chăn nuôi rất phấn khởi và đang dần tái, tăng đàn trở lại.

Hiện nay có một thực tế đang tồn tại, đó là tình trạng tôm nuôi công nghiệp bị chết, người dân bơm xả trực tiếp ra môi trường. Hành vi này không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh trên tôm nuôi phát sinh, lây lan.

Những ngày qua, người trồng hồ tiêu ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), thủ phủ hồ tiêu của cả nước, xôn xao việc thương lái nước ngoài thông qua tiểu thương trên địa bàn lùng mua rễ và gốc cây hồ tiêu. Không rõ việc thu mua này nhằm mục đích gì.../ Nghi án thu mua rễ, gốc tiêu để phá hoại kinh tế?

Từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản do ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khai thác đạt 23.200 tấn, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt hơn 22.000 tấn. Sản lượng thủy sản đạt cao là nhờ thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác vụ cá Nam. Do giá một số loại thủy sản tăng và tương đối ổn định nên khuyến khích ngư dân trong tỉnh đồng loạt ra khơi bám biển.

Để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ nuôi tôm, ngành điện lực Trà Vinh đã nâng công suất 165 trạm biến áp trong vùng nuôi tôm lên thêm gần 5900 KVA. Tuy nhiên, giải pháp tình thế vẫn chưa cung cấp đủ điện cho nhu cầu hiện nay.