Bến Tre Xây Dựng, Quảng Bá Thương Hiệu Cho Tôm Khô, Cá Khô

An Thủy (Ba Tri) và Bình Thắng (Bình Đại) được xem là 2 làng nghề thủy sản đặc trưng của Bến Tre. Hàng năm, một lượng lớn sản phẩm thủy sản được sản xuất và bán đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, nhưng giá trị kinh tế lại không cao. Một trong những nguyên nhân chính là hầu hết sản phẩm của làng nghề được bán đại trà, không có thương hiệu riêng.
Nhằm góp phần nâng cao giá trị và quảng bá cho sản phẩm thủy sản tại 2 làng nghề này đến với người tiêu dùng ngày một nhiều hơn, mở rộng thị trường xuất bán sản phẩm, việc hỗ trợ thiết kế và đăng ký nhãn hiệu cho một số sản phẩm đặc trưng của hai làng nghề là rất cần thiết.
Thực trạng sản xuất
Tại xã An Thủy, người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, trong đó gắn với chế biến, chủ yếu là sản phẩm cá khô, tôm khô, được duy trì và phát triển trong những năm qua. 80% khối lượng cá tươi tại địa phương đánh bắt và 20% khối lượng cá tươi được mua tại huyện Thạnh Phú, Bình Đại.
Sản lượng cá tươi dùng để làm cá khô trên 3.500 tấn/năm. Tôm tươi dùng để làm tôm khô trên 2.500 tấn/năm. Năm 2007, UBND tỉnh đã công nhận làng nghề truyền thống chế biến cá khô Tiệm Tôm.
Tại xã có 65 hộ dân làm nghề chế biến cá khô, tôm khô, với tổng sản lượng hàng năm trên 1.200 tấn sản phẩm các loại. Sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng, chất lượng cũng được nâng cao hơn trước.
Xã Bình Thắng với lợi thế có Cảng cá Bình Đại gần với khu vực sản xuất cá khô nên lượng thủy sản đánh bắt tươi của các tàu ra vào cảng quanh năm là nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các làng nghề sản xuất chế biến cá khô. Sản lượng nguyên liệu cá tươi để chế biến cá khô trên 9.000 tấn/năm.
UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập làng nghề truyền thống chế biến cá khô xã Bình Thắng với 31 hộ tham gia trực tiếp sản xuất và mua bán. Sản lượng thủy sản khô ước tính trên 2.200 tấn/năm.
Về thuận lợi, kỹ thuật chế biến cá khô, tôm khô đơn giản, dễ làm; hương vị nguyên chất, đậm đà, không có thành phần phụ gia thực phẩm; nguồn nhân lực sản xuất dồi dào.
Về khó khăn của làng nghề, việc bố trí mặt bằng của các cơ sở sản xuất chưa đảm bảo theo nguyên tắc chống nhiễm chéo; chưa có chương trình quản lý chất lượng và hồ sơ ghi chép đầy đủ tại cơ sở về an toàn vệ sinh thực phẩm; diện tích sản xuất từng cơ sở nhỏ lẻ, việc đầu tư trang thiết bị còn rất khó khăn nên việc tăng năng suất là điều không thể thực hiện tức thời.
Được biết, Hội Nghề cá tỉnh đang có kế hoạch hướng dẫn các cơ sở sản xuất cá khô, tôm khô từng bước thay đổi quy trình sản xuất theo công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng, sản phẩm làm ra phải có bao bì, nhãn mác, ghi rõ nguồn gốc sản xuất.
Vì sao phải xây dựng thương hiệu?
Sản lượng cá khô, tôm khô sản xuất hàng năm vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh.
Điều này chứng minh chu kỳ sống của sản phẩm vẫn đang ở giai đoạn phát triển, thị trường chưa bão hòa nên việc đầu tư xây dựng thương hiệu để phát triển sâu thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản khô sau này là một hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường.
Đối với An Thủy, cá khô có sản lượng tiêu thụ 966 tấn/năm, doanh số 96,6 tỷ đồng/năm; tôm khô 234 tấn/năm, doanh thu 105 tỷ đồng/năm.
Đối với xã Bình Thắng, sản phẩm cá khô 2.200 tấn/năm, doanh thu 220 tỷ đồng/năm. Hiện nay, 2 cơ sở ở An Thủy có nhãn hiệu cá nhân đã được bảo hộ là cơ sở sản xuất cá khô Tư Rành và Bảy Bạc, còn lại các cơ sở khác ở An Thủy và Bình Thắng đều chưa có nhãn hiệu cá nhân cũng như tập thể chung.
Vì vậy, chưa được bảo hộ trong toàn quốc để tạo lợi thế cạnh tranh sản phẩm thông qua địa danh vùng sản xuất. Khi xây dựng và quảng bá thương hiệu, trước tiên phải đánh giá, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức để định vị sản phẩm, định vị thương hiệu.
Qua kết quả đánh giá điểm cảm quan các sản phẩm cá khô, tôm khô tại 8 cơ sở sản xuất cho thấy, cần nhanh chóng cải thiện nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng sức mua của người tiêu dùng, đó là bao bì, nhãn mác gắn với thương hiệu vùng.
Để phát huy hiệu quả làng nghề sản xuất, chế biến cá khô, tôm khô, cần khắc phục những hạn chế như: tổ chức sản xuất trong làng nghề còn rời rạc, phần ai nấy làm, nhỏ lẻ, thủ công, trong phạm vi gia đình, chưa có sự liên kết thành nhóm sản xuất, chưa định hướng phát triển lâu dài; thị trường tiêu thụ còn nhỏ, sản lượng chưa đáp ứng những hợp đồng có số lượng lớn...
Đồng thời, xây dựng được thương hiệu đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường, tạo ra một “bước nhảy vọt” để đưa sản phẩm tôm khô, cá khô vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Cần quan tâm việc kết nối liên thông qua hợp đồng, hợp tác từ khâu tàu cá đánh bắt đến cơ sở chế biến thủy sản khô và đại lý tiêu thụ sản phẩm. Khai thác tốt lợi thế cạnh tranh nguồn nguyên liệu, chủ động trong chế biến sản xuất và kiểm soát thị trường tiêu thụ.
Ngày 26-8-2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã có 3 quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cá khô Bình Thắng với 12 thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể này; cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cá khô An Thủy với 26 thành viên; cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm tôm khô An Thủy với 26 thành viên được sử dụng nhãn hiệu tập thể này.
Năm 2012, với sự hỗ trợ của Chương trình FSPS II, Hội Thủy sản Bến Tre đã tổ chức thành lập 2 Chi hội Làng nghề chế biến thủy sản khô Bình Thắng và An Thủy nộp đơn cho Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký nhãn hiệu tập thể làng nghề. Hội cũng đang lập dự án hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể và quản lý, quảng bá thương hiệu làng nghề sản xuất tôm khô, cá khô Bình Thắng, An Thủy.
Có thể bạn quan tâm

Dê là loại động vật ăn tạp, dễ nuôi, có khả năng kháng bệnh cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt. Dê được nuôi dưới hình thức chăn thả nếu chăn thả đúng thời gian trong một thời gian ngắn dê có thể tự biết về chuồng đúng giờ.

Những năm gần đây, nghề nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, nghề này cũng đang gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhất là về thị trường tiêu thụ.

Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 18-4 ở TP HCM, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), cho biết tổng doanh thu của tập đoàn trong năm 2013 đạt 2.773 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 972 tỉ đồng.

Sáng 18/4/2014, Viện Lúa ĐBSCL phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo lần 2 đề tài “Chọn lọc giống khoai lang mới và xây dựng vùng sản xuất giống tại huyện Bình Tân- Vĩnh Long”. Hội thảo đã tập trung thảo luận phẩm chất các giống khoai mới, nhu cầu thị trường trước khi đưa vào sản xuất đại trà.

Tưới nước ít hơn vẫn bảo đảm năng suất, thông tin này được giới khoa học đưa ra thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm của nông dân làm cà phê. Điều đó càng đặc biệt có ý nghĩa khi tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đang hiện hữu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, trong đó có sự sụt giảm mực nước ngầm phục vụ tưới tiêu cho cây trồng…