Bến Tre Phòng Bệnh Tôm Nuôi Cuối Năm 2014

Ngày 19-8-2014, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Công văn số 3492 về thời gian tạm ngưng vụ nuôi tôm biển năm 2014 và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên tôm biển thả nuôi vụ 2 vẫn còn xảy ra tại một số xã, tập trung ở huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Thạnh Phú và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Để hạn chế dịch bệnh, ngày 3-10-2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 2291 về việc khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh tôm nuôi. Theo đó, người nuôi tôm phải chấp hành nghiêm lịch tạm ngưng vụ nuôi tôm biển năm 2014 của UBND tỉnh đã ban hành.
Trước khi cấp nước vào ao nuôi tôm, phải diệt tạp, sát trùng nước trong ao lắng bằng Chlorine với liều lượng 30 - 35 ppm (30 - 35 kg/1.000 m3), trước khi cấp vào ao nuôi để thay nước. Quản lý chặt chẽ lượng thức ăn hàng ngày, giảm từ 15 - 20% lượng thức ăn.
Thức ăn phải đảm bảo đủ chất lượng, số lượng khi cho tôm ăn, không cho ăn thừa. Không sử dụng thức ăn hết hạn sử dụng hoặc bị mốc. Khẩu phần ăn cần bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm. Giảm cho tôm ăn khi nhiệt độ dưới 26oC hay trên 30oC.
Bố trí quạt nước hợp lý ở mức 15 - 20 cánh quạt/1.000 m2, không để nước đứng yên quá lâu, luôn đảm bảo oxy hòa tan trong các tầng nước ao (cần duy trì hàm lượng oxy hòa tan lớn hơn 4 ppm); duy trì nước ao nuôi tôm từ 1,2 m - 1,5 m.
Đối với các ao nuôi trong điều kiện độ mặn thấp, cần phải bổ sung khoáng chất nhằm cân bằng lượng khoáng chất trong ao. Áp dụng mô hình nuôi tôm sử dụng vi sinh có lợi nhằm ổn định màu nước, độ pH, hạn chế dịch bệnh. Chú ý sử dụng chế phẩm vi sinh, cần sử dụng đúng cách, chọn sản phẩm có uy tín, chất lượng. Sản phẩm nằm trong danh mục được cho phép lưu hành tại Việt Nam.
Quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi như pH (kiểm tra 2 lần/ngày vào lúc 6 giờ sáng và 14 giờ chiều); độ kiềm (định kỳ 7 - 10 ngày kiểm tra/lần); NH3, H2, Oxy hòa tan, mật độ tảo (định kỳ 3 ngày kiểm tra/lần) cần điều chỉnh trong ngưỡng thích hợp nhất.
Đặc biệt, là mật độ tảo (màu nước) cần giữ ổn định trong suốt thời gian nuôi. Định kỳ chài, cân và kiểm tra tốc độ tăng trưởng của tôm (từ 7 - 10 ngày/lần) để có điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là thức ăn. Hạn chế sử dụng kháng sinh, nhất là kháng sinh Oxytetracylin để phòng bệnh tôm.
Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh nhạy với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus sau khi có kết quả lập kháng sinh đồ và sử dụng đúng liều hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, phải ngưng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch 4 tuần.
Khi tôm nuôi có dấu hiệu ăn giảm, tăng trưởng chậm lại hoặc hàm lượng oxy hòa tan thấp, cần thu hoạch từng phần hoặc thu hoạch toàn bộ nhằm tránh thiệt hại xảy ra. Tiếp tục giám sát chặt chẽ, diễn biến thời tiết và quan trắc môi trường khu vực nuôi.
Chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, tổ chức khoanh vùng dịch, xử lý tốt khi dịch bệnh xảy ra. Tuyệt đối không được xả thải bùn đáy ao và mầm bệnh ra kênh rạch tự nhiên khi chưa được xử lý. Lưu ý, người dân không thả nuôi tôm biển liên tục nhiều vụ/năm, cần dành nhiều thời gian để ngưng vụ nuôi và chuẩn bị ao nuôi thật kỹ cho vụ nuôi chính vào đầu năm 2015.
Có thể bạn quan tâm

Chiến tranh đã lùi xa 38 năm, những người lính tham gia kháng chiến một thời, nay trở về đời thường với những vết thương không thể xóa nhòa. Cuộc sống hôm nay với bao khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn hăng say, quyết tâm làm giàu bằng ý chí và nghị lực ngay trên quê hương mình.

Năm 2013 Trung tâm Khuyến nông Lai Châu triển khai mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực khu vực miền núi nằm trong dự án phát triển nuôi cá rô phi đơn tính đực quy trình GAP tại thị trấn Tân Uyên và xã Thân Thuộc huyện Tân Uyên, quy mô 01 ha với 13 hộ nông dân tham gia.

Đã hơn một tháng nay, nhiều hộ nuôi tôm ở các xã Trung Hải (Gio Linh) và Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) điêu đứng vì tôm đột nhiên nhiễm bệnh, chết hàng loạt khi vụ nuôi vừa mới bắt đầu. Sau vụ nuôi 2012 có hiệu quả thì năm nay dịch bệnh ở tôm lại bùng phát gây thiệt hại đáng kể cho người dân.

Hiện nay, nuôi bò là mô hình có hiệu quả kinh tế khá cao, nên thu hút nhiều người nuôi. Việc chăm sóc bò cũng rất đơn giản, thức ăn chủ yếu thường là các loại cỏ mọc tự nhiên và cỏ trồng. Ngoài ra, người nuôi cũng có thể cho bò ăn thêm một số thức ăn khác.

Thị trường gạo “ấm” lên với giá gạo nội địa và xuất khẩu đều tăng đã làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nông sản này thêm lo lắng, dẫn đến tình trạng hủy hợp đồng xuất khẩu ngày một tăng.