Bất cập trong sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn do loạn thị trường giống

Hội thảo có sự phối hợp giữa Sở NN&PTNT Hà Nội và Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương cũng phần nào cho thấy cái nhìn toàn cảnh về công tác sản xuất giống hiện nay.
Thu nhập tăng nhờ giống mới
Trên cánh đồng Lò Ngói, Cửa Kho, thôn Tri Lai, xã Đồng Thái những ngày này, bà con nông dân ai cũng phấn khởi về một vụ lúa bội thu. Chị Phùng Thị Hoàn, thôn Tri Lai cho biết, vụ xuân năm nay, gia đình gieo cấy 6 sào lúa bằng giống Thiên ưu 8 của Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương.
Do tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, lịch thời vụ theo khuyến cáo nên năng suất khá cao, đạt gần 3 tạ/sào. Khi cấy giống lúa mới còn được hỗ trợ 50% giá giống và 30% phân bón, vật tư nông nghiệp. Không riêng gia đình chị Hoàn, nhiều gia đình ở thôn Tri Lai cũng đều được mùa khi canh tác bằng giống lúa Thiên ưu 8...
Được biết, 50ha đất nông nghiệp của thôn Tri Lai được nông dân canh tác bằng giống lúa Thiên ưu 8 để bán cho Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương làm giống với giá 9.000 đồng/kg lúa tươi tại ruộng. Với giá đó, nông dân thu thêm 1 triệu đồng/sào.
Đánh giá về hiệu quả giống lúa Thiên ưu 8, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thái Phùng Quốc Vượng cho biết, đây là giống lúa ngắn ngày, gieo cấy được cả hai vụ, năng suất lúa đạt 8-9 tấn/ha, chất lượng gạo ngon; có khả năng chống đổ tốt, chịu rét, chống chịu với các loại sâu bệnh như đạo ôn, khô vằn, bạc lá...
"Tuy nhiên, có được cánh đồng mẫu lớn như của thôn Tri Lai tập trung gieo cấy một giống lúa năng suất, chất lượng không hề đơn giản bởi chỉ khi nào người dân nhìn thấy hiệu quả họ mới làm theo. Muốn vậy, ngoài đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, mấu chốt là phải hỗ trợ để nông dân tiếp cận giống lúa chất lượng và được tập huấn quy trình kỹ thuật đầy đủ" - ông Vượng nói.
Bao giờ xóa được thị trường giống trôi nổi?
Những khó khăn khi sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ở thôn Tri Lai theo lời của Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thái Phùng Quốc Vượng cho biết cũng là vấn đề chung của sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, diện tích đất nông, lâm nghiệp của Hà Nội là trên 188.600ha nên nhu cầu về giống phục vụ sản xuất rất lớn. Qua rà soát, trên địa bàn có 113 doanh nghiệp (DN) đăng ký sản xuất kinh doanh giống cây trồng được cấp mã số và hàng nghìn cửa hàng dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật tư phân bón.
Ngoài DN uy tín như Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương, cũng còn nhiều DN, cơ sở không nắm rõ quy định liên quan đến ngành nghề kinh doanh, không có chứng nhận kiểm nghiệm giống cây trồng, chứng chỉ cán bộ kỹ thuật, hồ sơ quản lý xuất nhập các loại giống, không chứng minh được nguồn gốc, sai nhãn mác hàng hóa… Điều đó dẫn đến chất lượng giống bán ra không bảo đảm, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Duy Tâm, với nông dân, khi gieo một hạt giống hoặc cắm rễ một cây trồng nào xuống đất là họ đặt vào đó nhiều công sức, hy vọng. Do đó, nếu lỡ mua phải giống kém chất lượng thì công sức của họ kể như tay trắng. Vấn đề đặt ra là phải "dẹp loạn" thị trường cây giống trôi nổi và tạo điều kiện để nông dân tiếp cận với giống cây trồng chất lượng, an toàn.
Ông Đào Duy Tâm cho biết thêm, để nâng cao chất lượng giống cây trồng, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục siết chặt công tác quản lý về chất lượng cũng như rà soát lại các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Khi DN đưa giống cây trồng vào Hà Nội phải phối hợp với cơ quan quản lý, kiên quyết loại bỏ giống kém chất lượng.
Đồng thời, Sở sẽ tăng cường giám sát hoạt động sản xuất thử các giống cây trồng mới được công nhận trên địa bàn thành phố và đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền quy trình kỹ thuật cho nông dân. Ông Tâm cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra không để xảy ra tình trạng ai bán giống cây trồng cũng được. Riêng với cây lúa, Hà Nội chỉ nên chọn 3 - 4 giống chất lượng, an toàn để đưa vào gieo cấy, tránh tình trạng một địa phương gieo trồng nhiều giống lúa như hiện nay…
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu tháng 10 đến nay, giá nho đỏ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang giảm mạnh. Thu nhập bị giảm sút, nhiều hộ nông dân trồng nho đang loay hoay “tính kế” phá nho đỏ để trồng các loại cây ngắn ngày... đơn cử tại xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn).
Ngày 16.10, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị công bố kết quả bình tuyển và trao giấy chứng nhận cho các hộ có cây nhãn đầu dòng. Nhãn đầu dòng được bình tuyển gồm 3 loại: Nhãn chín sớm, nhãn chín chính vụ và nhãn chín muộn.

Vốn đổ vào đầu tư phát triển, vượt thu ngân sách… cho thấy mục tiêu tăng trưởng 11,5% của năm 2015 rất khả thi, nhưng Quảng Nam phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trước ngưỡng cửa hoạch định kế hoạch năm 2016.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016; trong đó đề cập nhiều nội dung về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Xây dựng sản phẩm lưu niệm du lịch gắn với bảo tồn làng nghề đang là hướng ưu tiên hiện nay của nhiều địa phương. Thông qua các sản phẩm thủ công đặc trưng không chỉ giúp giữ gìn thương hiệu mà còn tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập để yên tâm gắn bó với nghề.