Bắp chuyển gen xuống đồng

Những ngày cuối tháng tư, đầu tháng năm, trên khắp ngả đường vào các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom, Long Khánh (Đồng Nai), thủ phủ của cây bắp ở miền Đông Nam bộ, từng mảnh ruộng đã được cày ải, màu đất nâu đen xen lẫn thân cây bắp khô vừa được đốt để chuẩn bị xuống giống.
Bà con nông dân đang náo nức mong chờ những cơn mưa đầu mùa kéo đến để bắt đầu một vụ gieo trồng mới. Vụ này chắc chắn sẽ có nhiều khác lạ khi giống bắp chuyển gen NK66Bt/GT lần đầu tiên được đưa ra đồng và ai ai cũng tò mò, háo hức xem giống ấy có gì khác lạ so với những giống bắp lai NK66 đã có mặt ở đây từ nhiều năm nay.
Trong nắng gắt, ông Trần Hòa, một lão nông đã có 20 năm kinh nghiệm trồng bắp ở ấp Thoại Hương, xã Xuân Đông, Cẩm Mỹ vẫn cần mẫn cùng một nhóm nông dân khác căng dây trên mảnh ruộng của mình, chia thành những khoảng cách đều đặn và thẳng tắp để chuẩn bị gieo những hạt bắp chuyển gen NK66Bt/GT dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các kỹ sư nông học Cty Syngenta VN và Cty CP Khử trùng VN (VFC).
Ông Hòa hồ hởi chia sẻ: “Vùng này vào vụ HT, cỏ dại là mối lo của nông dân vì mùa mưa tới khiến cho cỏ mọc nhanh như rừng nên giống bắp chống chịu được thuốc trừ cỏ sẽ là cứu cánh cho chúng tôi.
Bà con quanh đây ai cũng hào hứng với giống bắp mới vừa chống chịu thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate lại vừa kháng được sâu đục thân và mong muốn được tận mắt chứng kiến sự khác biệt mà nó đem lại. Vụ này tôi sẽ có kết quả trên chính ruộng của mình cho bà con mắt thấy, tai nghe”.
Ông cho biết, với việc chia hàng để gieo hạt, bình thường người nông dân chỉ ước chừng bằng mắt để đo khoảng cách nhưng dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư, ông đã làm rất bài bản, dùng thước và dây chia khoảng cách đúng “chuẩn” để đảm bảo mật độ và sự quang hợp tốt nhất cho cây bắp phát triển.
Được biết, cuối tháng tư vừa qua, Cty Syngenta VN đã phối hợp cùng đối tác phân phối VFC tổ chức ngày hội chuyển giao kỹ thuật canh tác giống bắp chuyển gen tại hàng loạt các đại lý ở khu vực Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với sự tham gia của hàng trăm nông dân. |
Mục tiêu của hoạt động này là giúp hệ thống đại lý cũng như người nông dân hiểu rõ về giống bắp chuyển gen mới nhằm có sự lựa chọn đúng, đáp ứng nhu cầu canh tác của bà con.
Đại lý Duy Sáu, ấp 9, Sông Ray, Cẩm Mỹ chia sẻ, ở vùng này trình độ thâm canh cao nên bà con luôn tìm kiếm những loại hạt giống mới có tính ưu việt.
“Hạt giống chuyển gen đã đưa vào sử dụng với hiệu quả cao tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới nên khi có mặt tại Việt Nam thì tôi sẵn sàng tham gia cung cấp để đáp ứng nhu cầu của bà con”.
Ông Sáu cũng cho biết đã nhiều lần tham gia hội thảo tại các ruộng trình diễn của Syngenta nên tự tin nắm vững kiến thức kỹ thuật canh tác để tư vấn và hướng dẫn đúng cho bà con khi mua giống.
Nông dân Trần Văn Ngọ ở ấp 6, xã Xuân Tây, Cẩm Mỹ tình cờ đi ngang qua đại lý thấy nói có giống bắp mới vừa kháng được sâu bệnh lại vừa chống chịu được thuốc trừ cỏ Glyphosate liền quyết định mua 13 kg về gieo trên diện tích 6 công.
Ông Ngọ nói: “Bình thường có sâu đục thân hay không tôi cũng xịt thuốc vài lần một vụ, nay hoàn toàn không phải xịt thuốc ngừa sâu đục thân vẫn yên tâm không bị sâu hại mà lại giảm được công lao động thì cho dù tiền hạt giống có cao hơn nhưng năng suất được bảo đảm và thu vẫn nhiều hơn chi”.
Vẫn giữ lại một diện tích để đối chiếu nhưng ông khẳng định chắc nịch: “Nếu kết quả tốt thì vụ sau tôi sẽ trồng toàn bộ giống bắp này”.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, GĐ Kinh doanh khu vực miền Nam, Cty Syngenta VN cho biết, trong năm nay, trọng tâm của chương trình mang giống bắp chuyển gen đến tay người nông dân là chuyển giao kỹ thuật, đảm bảo cho nhà nông nắm bắt rõ và thực hiện bài bản để phát huy tiềm năng năng suất của giống, mang lại hiệu quả cao nhất.
“Chính vì vậy, chúng tôi luôn có mặt ngay từ khâu chuyển giao kiến thức, quyết định mua giống của nông dân cho đến khi đưa giống ra đồng, trực tiếp làm cùng bà con ngay tại ruộng và tiếp tục sát cánh cho đến tận ngày thu hoạch... Danh sách những nông dân tham gia tập huấn cũng như mua giống được ghi lại đầy đủ để chúng tôi theo sát và xuống tận ruộng để tư vấn cho từng người một”, ông Hưng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, ở các tỉnh Nam Ðịnh, Thái Bình, Tiền Giang... một số hộ đi tiên phong và đã thành công khi chọn nghề nuôi ếch giống Thái-lan để tăng thu nhập gia đình. Ðây là mô hình khá phù hợp với những nông dân ít đất sản xuất, thời gian nuôi ngắn nên đồng vốn xoay vòng nhanh và có thể kết hợp thả cá trong ao.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 3 của cả nước ước đạt 176 ngàn tấn, tăng 0,3% so với cùng kì năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 3 tháng đầu năm đạt 499 ngàn tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ.

“Tôi phải năn nỉ mãi, bên thu mua mới tăng thêm 200 đồng/kg cá sơn. Vậy mà chuyến biển vẫn lỗ gần 30 triệu đồng”, anh Nguyễn Út (ngụ Sa Huỳnh, Quảng Ngãi), chủ tàu giã cào đôi QNg 947… TS than thở khi vừa bán xong hai tàu cá tại Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng).

Ông Nguyễn Minh Khoa, Phó trưởng Trạm Thủy sản huyện Cao Lãnh cho biết, toàn huyện hiện có 124ha nuôi tôm, sản lượng thu hoạch 234 tấn, năng suất khoảng 1,8 tấn/ha. Riêng xã Nhị Mỹ có tổng điện tích 118ha, sản xuất 2 năm 3 vụ. Được sự hướng dẫn của các ngành chuyên môn, vụ tôm hiện tại đạt năng suất đạt khoảng 1,8 tấn/ha, lợi nhuận gấp 4 đến 5 lần so với trồng lúa”.

Theo kết quả xét nghiệm của Cơ quan Thú y vùng IV, nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt thời gian qua của các hộ nuôi lồng bè trên sông Trà Khúc ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) là do vi khuẩn gây bệnh đóm đỏ và hội chứng lở loét Aeromonas Sobria.