Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bấp Bênh Thị Trường Tiêu Thụ Bồ Câu Pháp

Bấp Bênh Thị Trường Tiêu Thụ Bồ Câu Pháp
Ngày đăng: 26/03/2014

Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi với các giống vật nuôi mới như nuôi rắn mối, thỏ, ếch, cá thát lát Thái Lan… đặc biệt trong đó là mô hình nuôi bồ câu Pháp.

Bước đầu khi nhập giống về nuôi, người nông dân rất phấn khởi vì bồ câu Pháp sinh trưởng nhanh và hứa hẹn sẽ là vật nuôi mang lại nguồn lợi nhuận cao.

Thế nhưng sau một năm nuôi, người nông dân tại các phường đang lo lắng vì thị trường tiêu thụ bồ câu Pháp tại thành phố rất bấp bênh làm ảnh hưởng lớn tới thu nhập của người nuôi.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương là một điểm nuôi bồ câu Pháp khá nhiều. Tháng 4/3013, sau khi được Hội Nông dân phường tạo điều kiện cho đi tham quan học hỏi kinh nghiệm nuôi bồ câu Pháp ở một số địa phương khác, chị Hồng đã đầu tư 140 triệu đồng để nuôi.

Thời gian đầu chị mua 120 con bồ câu giống về nuôi. Sau vài tháng nuôi thử nghiệm chị cho biết bồ câu Pháp rất dễ nuôi, thức ăn có thể tận dụng từ nông sản, mặt khác bồ câu Pháp sinh trưởng rất nhanh nên việc phát triển đàn cũng thuận tiện. Đến nay, sau gần 1 năm, đàn bồ câu gia đình chị đã phát triển hơn 500 con.

Tuy vui mừng trước bước đầu thành công khi nuôi bồ câu, thế nhưng hiện tại chị lại thấy lo lắng trước thị trường tiêu thụ bồ câu giống cũng như bồ câu thịt tại thành phố Đông Hà. Hiện tại chị Hồng vẫn chưa dám xuất bán đàn bồ câu vì chưa tìm được đầu ra với giá cả hợp lý. Nếu tiếp tục phát triển thì gia đình chị lại lo lắng sẽ không tìm được nơi tiêu thụ khi đàn bồ câu ngày càng đông thêm và sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí đầu tư nuôi.

Nói về nguyện vọng trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ bồ câu Pháp, chị Hồng cho biết: “Hiện tại gia đình tôi đang tiếp tục phát triển đàn bồ câu. Nhưng tôi rất lo lắng sẽ không tìm được đầu ra ổn định. Trước mắt gia đình tôi cũng như một số người nuôi bồ câu Pháp trong phường mong muốn các ban, ngành liên quan hỗ trợ chúng tôi trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định với giá cả hợp lý”

Cũng giống gia đình chị Hồng, gia đình chị Nguyễn Thị Lài, ở khu phố 7, phường 2 cũng đầu tư một số tiền lớn để nuôi bồ câu Pháp. Vào tháng 5/2013, gia đình chị Lài đầu tư trên 40 triệu đồng để nhập giống bồ câu Pháp về nuôi. Đến nay đàn bồ câu gia đình chị đã sinh trưởng trên 200 con. Trong quá trình nuôi, chị Lài chỉ xuất bán lai rai bồ câu thịt cho những hộ dân xung quanh nhà với giá thành 45 ngàn đồng/1 con, còn bồ câu giống thì hầu như không bán được.

Thỉnh thoảng vẫn có một vài tiểu thương đến nhưng họ mua với số lượng rất ít và không thường xuyên. Chị Lài cũng thử mang bồ câu Pháp về chợ Đông Hà để bán nhưng cũng không tiêu thụ được. Hiện tại chị Lài rất lo lắng trước thị trường tiêu thụ bồ câu Pháp rất bấp bênh, trong khi hàng ngày vẫn phải đầu tư tiền bạc, thời gian và công sức để chăm sóc và phát triển đàn bồ câu.

Đầu năm 2013, Hội Nông dân thành phố Đông Hà nhận được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn quỹ của Hội Nông dân tỉnh trong việc phát triển mô hình nuôi bồ câu Pháp. Hội Nông dân thành phố phân bổ nguồn tiền trên về phường 1 và phường Đông Lương nhằm nuôi thí điểm mô hình bồ câu Pháp tại các trang trại của hội viên nông dân.

Các phường đã tổ chức cho các hội viên nông dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi bồ câu Pháp ở các địa phương khác và tiến hành nhập giống bồ câu này về nuôi với giá thành từ 230 ngàn đến 300 ngàn đồng/1 cặp.

Trong quá trình nuôi, hội viên nông dân luôn nhận được sự hỗ trợ về nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc, vốn từ Hội Nông dân thành phố và Hội Nông dân phường. Nhận thấy bồ câu Pháp phát triển nhanh, nuôi dễ nên nhiều hội viên nông dân ở một số phường khác đã đầu tư vốn để nuôi. Đến nay tổng đàn bồ câu trên địa bàn thành phố đã phát triển trên 4.000 con, trong đó tập trung chủ yếu ở các phường Đông Lương, phường 4, Đông Lễ và Đông Thanh.

Khảo sát tại chợ Đông Hà, chúng tôi thấy hầu hết người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng bồ câu làm thực phẩm chính, thay vào đó họ chỉ tiêu thụ gà, vịt là phần nhiều. Theo một số tiểu thương buôn bán bồ câu Pháp tại chợ thì sức mua rất chậm, nhiều ngày bán lẻ không hết, các tiểu thương phải bán lại cho một số nhà hàng.

Đề cập về việc hỗ trợ người nông dân trong tiêu thụ bồ câu Pháp, ông Mai Sinh, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đông Hà cho biết: “Hội Nông dân thành phố đang khẩn trương chỉ đạo cho cán bộ Hội Nông dân tích cực liên hệ tìm kiếm một số thị trường mới để tiêu thụ bồ câu Pháp. Mặt khác chúng tôi cũng đang vận động người dân tiếp tục ổn định đàn, không nên lo lắng rồi bán bồ câu với giá rẻ”.

Việc đưa giống bồ câu Pháp vào nuôi tại các mô hình chăn nuôi của hội viên nông dân trên thành phố là một việc làm phù hợp với nguyện vọng của người nông dân. Để người nông dân có một thị trường tiêu thụ bồ câu Pháp với giá cả hợp lý thì các cấp, ngành liên quan cần có một hướng hỗ trợ tìm kiếm một số thị trường tiêu thụ mới ở một số điểm bán hàng lớn trong và ngoài địa bàn.

Đặc biệt chú trọng khai thác thị trường tiêu thụ ở các siêu thị lớn, các quầy thực phẩm, một số nhà máy chế biến thực phẩm ở các địa phương khác. Nếu làm được điều đó thì mới đảm bảo được sự tồn tại, phát triển mô hình nuôi bồ câu Pháp tại địa bàn thành phố và quan trọng hơn hết là giúp người nông dân có một nguồn thu nhập ổn định.


Có thể bạn quan tâm

Niềm Vui Niềm Vui "Japonica" Trên Mường Quế

Những ngày này, khắp vùng Mường Nọc, Châu Kim, Tiền Phong, Tri Lễ... của huyện Quế Phong (Nghệ An), hầu như nhà nào cũng thơm lừng cơm gạo mới. Tiếng đồn về hương vị thơm ngon của thứ gạo chịu lạnh, chịu hạn đã đến với cả những vùng miền xa nhất trong huyện, làm cho nhà nhà đều muốn tìm mua để nấu nồi cơm mới mừng thành quả vụ mùa bằng thứ sản vật thơm ngon sớm “bén đất, mến người”.

20/11/2014
Thêm Vụ Mía Đắng Lòng Thêm Vụ Mía Đắng Lòng

Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy thông thường khi hết mùa mía thì giá đường sẽ tăng lên nhưng năm nay ngược lại, giá đường giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do đường nhập lậu từ Thái Lan tràn sang với số lượng lớn, lên đến 400.000-500.000 tấn/năm. Trong khi nhu cầu sử dụng đường trong nước chỉ dao động khoảng 1,3-1,4 triệu tấn/năm. Tức lượng đường lậu chiếm gần 1/3 lượng đường tiêu thụ trong nước. Con số này đã tác động lớn đến các nhà máy đường và gây bức xúc cho giới chuyên môn.

20/11/2014
Thắt Chặt Liên Kết Sản Xuất Lúa Thắt Chặt Liên Kết Sản Xuất Lúa

Với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, TP Cần Thơ không ngừng tranh thủ sự hỗ trợ của Viện Lúa trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân.

20/11/2014
Cà Phê Rộ Mùa Giá Cao Cà Phê Rộ Mùa Giá Cao

Vài năm trở lại đây, chương trình cây trồng chủ lực của tỉnh đã hỗ trợ nông dân thâm canh cây cà phê về giống, một phần kinh phí đầu tư để chuyển đổi từ giống cũ năng suất kém sang giống mới năng suất cao, chất lượng tốt. Theo đó, thu nhập của nông dân trồng cà phê trong tỉnh ngày càng cao. Đây cũng là một trong những cây trồng được Đồng Nai khuyến khích phát triển vùng chuyên canh với quy mô sản xuất lớn, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để có đầu ra bền vững.

20/11/2014
Làm Hồng Khô Phong Cách Nhật Làm Hồng Khô Phong Cách Nhật

Đà Lạt không chỉ được người sành ăn biết đến với rau ôn đới, dâu tây mà còn có những trái hồng nổi tiếng. Hồng Đà Lạt có thể ăn theo nhiều cách, hồng chín đỏ ngọt lịm, hồng giòn ngọt mát, hồng khô dẻo quánh. Những lò sấy hồng Đà Lạt đã cho ra đời những trái hồng sấy có thể để lâu, để du khách mang theo như một món quà đặc biệt.

20/11/2014