Bấp Bênh Giá Tỏi Phan Rang (Ninh Thuận)

Vùng đất cát ven biển Phan Rang, Ninh Hải (Ninh Thuận) thời tiết quanh năm nắng gió rất thuận lợi cho nghề trồng tỏi phát triển.
Với chất lượng thơm ngon vào diện bậc nhất Việt Nam, thương hiệu tỏi Phan Rang đã đi vào đời sống ẩm thực của cư dân các tỉnh phía Nam. Điều đáng tiếc là cây tỏi niên vụ 2013- 2014 đang rơi vào tình cảnh rớt giá “sát đất”, nông dân không còn mặn mà với loài cây đặc sản của quê hương.
Tỉnh đã xây dựng, công bố nhãn hiệu tập thể tỏi Phan Rang và được đề cử tham gia chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Đây là tin vui đối với nông dân trên địa bàn tỉnh, họ hy vọng cây tỏi “lên ngôi” đem lại thu nhập ổn định bảo đảm đời sống người trồng tỏi. Với diện tích tỏi toàn tỉnh trồng trong năm nay trên 210 ha, sản lượng ước đạt 1.600 tấn, tập trung ở các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc và Tp. Phan Rang- Tháp Chàm.
Tỏi Phan Rang có đặc điểm củ nhỏ, vỏ lụa trắng, tinh dầu rất thơm, loài cây gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của gia đình Việt. Nhiều nông hộ áp dụng quy trình Vietgrap vào sản xuất, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm tỏi bảo đảm chất lượng an toàn.
Tỏi có thời gian “nằm đất” 4 tháng, xuống giống từ tháng 10-11 năm trước được thu hoạch vào tháng 2- 3 năm sau. Nông dân huy động vốn liếng đầu tư trồng một sào tỏi lên đến 20- 25 triệu đồng, bao gồm phân chuồng, giống, thuốc phòng trừ sâu bệnh, công chăm sóc, công thu hoạch…
Ít ai ngờ hiện nay thương lái thu mua tỏi của nông dân với giá 25 ngàn đồng/kg, thấp hơn 10 ngàn đồng so với mùa tỏi năm trước. Nếu với giá bán hiện nay, người trồng tỏi chỉ huề vốn đầu tư, mất trắng công chăm sóc.
Có nhiều gia đình thu hoạch tỏi phơi khô trùm bạt chờ…thương lái. Chỉ tay vô đống tỏi trắng phau đẹp mắt, củ chắc nịch nằm bên hiên nhà, anh Trần Ri 56 tuổi ở phường Văn Hải rầu rĩ nói:”Năm nay, tui trồng 5 sào tỏi thu hoạch được 5 tấn củ hy vọng bán được giá để cải thiện cuộc sống gia đình.
Ai ngờ tỏi nhổ lên kêu thương lái tới trả 25 ngàn đồng/kg, nhưng chưa mua vì chưa tìm được “đầu ra”. Năm nay, vợ chồng tui “đau đầu” với cây tỏi, vốn liếng vay mượn đầu tư làm ăn tới mùa thu hoạch kêu bán không ai mua. Tỏi là cây trồng truyền thống của gia đình, giá cả bấp bênh kiểu này, tui không còn mặn mà với nghề trồng tỏi”.
Qua theo dõi sản phẩm tỏi rao bán trên các trang mạng thương mại điện tử, chúng tôi được biết tỏi của Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ giá rẻ đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Do đó, nông dân trồng tỏi ở tỉnh ta đang bị “thua” ngay trên sân nhà.
Mặt khác, thương lái thu mua tỏi của nông dân với giá 25 ngàn đồng/kg nhưng phân phối đến tay người tiêu dùng ở các chợ đầu mối Phan Rang, Tháp Chàm lên đến 50-60 ngàn đồng/kg. Điều đó cho thấy sự bất hợp lý trong khâu tiêu thụ nông sản hàng hóa ngay trên thị trường nội tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Luận, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Hải cho biết nông dân địa phương trồng 11,7 ha tỏi đang vào mùa thu hoạch, sản lượng ước đạt 110 tấn. Tuy cây tỏi Phan Rang đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa tập thể nhưng trên thực tế thương lái vẫn quyết định giá cả thu mua của nông dân.
Với giá tỏi 25 ngàn đồng/kg như hiện nay thì nông dân đầu tư chăm sóc chu đáo cũng chỉ huề vốn. Rất mong các ngành chức năng chung tay thực hiện hiệu quả chương trình liên kết “bốn nhà” đưa sản phẩm tỏi Phan Rang đạt tiêu chuẩn Vietgrap vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị bảo đảm giá cả ổn định, giúp nông dân tỉnh nhà gắn bó bền vững với nghề trồng tỏi.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 25/6/2014, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ Thủy sản Việt Nam đã ký Quyết định số 09/QĐ-FITES, chứng nhận VietGAP 04 vùng nuôi của Công ty TNHH Hùng Cá, với tổng diện tích mặt nước nuôi là 104,8 ha, sản lượng dự kiến 41.800 tấn

Kinh tế thời hưng thịnh, sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN) là nghề kiếm được “lãi khủng”. Nay, kinh tế khó khăn, ngành kinh doanh này phải chật vật, cạnh tranh với nhau bằng nhiều chiêu thức để tồn tại.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), những vùng dưa đang vào chính vụ, khắp nơi lỗ hoặc may lắm là hoà vốn, cuộc sống người dân đã nghèo càng nghèo thêm.

Ngày 23/7, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hội Xuất khẩu sữa Hoa Kỳ tổ chức hội thảo về “mô hình tổ chức, công nghệ mới trong chăn nuôi bò sữa và đánh giá phát triển chăn nuôi bò sữa theo Quyết định 167/2001/QĐ-TTg ngày 26/10/2001 về một số biện pháp và chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa.

Sáng nay (2-4), tại Hội trường Liên Đoàn lao động tỉnh Phú Yên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức buổi đối thoại chính sách “tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị”. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam – Phú Yên 2014; được Truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.