Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bấp Bênh Cá Mú Nghệ

Bấp Bênh Cá Mú Nghệ
Ngày đăng: 07/08/2014

Cá mú nghệ trước đây được xuất khẩu hoàn toàn qua Đài Loan. 2 năm nay, thị trường này không nhập khẩu nữa, người nuôi cá mú nghệ tại vùng đìa Bãi Giếng Nam (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đứng ngồi không yên.

Đầu tư lớn

Sau nhiều vụ nuôi tôm, nuôi cá chẻm thất bại, một số hộ dân tại thị trấn Cam Đức đã chuyển sang nuôi cá mú nghệ. Ông Phan Hữu Hóa, một trong những hộ nuôi cá mú nghệ đầu tiên tại vùng đìa Bãi Giếng Nam vừa cho cá ăn, vừa tâm sự: “Trước khi nuôi cá mú nghệ, gia đình tôi đầu tư nuôi tôm, cá chẻm nhưng bị thua lỗ nặng.

Từ năm 2004, tôi quyết định chuyển sang nuôi cá mú nghệ; trung bình mỗi năm gia đình tôi thả nuôi 3.000 - 4.000 con giống. Cá mú nghệ tuy dễ nuôi nhưng vốn đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với nuôi một số đối tượng khác”.

Theo ông Hóa, con giống cá mú nghệ phải nhập về từ Đài Loan với giá 250.000 đồng/con (kích cỡ 15 - 18cm). Chi phí thức ăn cho cá mú nghệ cũng lớn. Từ khi thả nuôi cho đến khi xuất bán (24 tháng), trung bình 1 con cá mú nghệ ăn hơn 50kg cá tươi, khoảng 500.000 đồng. Nuôi càng lâu thì chi phí càng cao.

Cách hồ nuôi của ông Hóa không xa là hồ nuôi của ông Phan Hữu Cầu. Theo kinh nghiệm của ông Cầu, cá mú nghệ có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, thích hợp với vùng đìa Bãi Giếng Nam.

Người dân thả nuôi từ khoảng tháng 3 (âm lịch). Sau 24 tháng, cá đạt trọng lượng khoảng 10kg/con (có con hơn 15kg) thì xuất bán. Ở giai đoạn 4 tháng đầu thả nuôi, cá chậm lớn, trọng lượng đạt dưới 1kg/con, sức đề kháng yếu nên tỷ lệ hao hụt nhiều. Sang tháng thứ 5, cá bắt đầu phát triển nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp.

 Trong khi một số loại cá mú khác có tỷ lệ sống thấp, thường dễ bị dịch bệnh thì cá mú nghệ có sức đề kháng tốt do da dày, chỉ hay mắc một số bệnh như: bệnh mòn, thối đuôi, đen mang do trùng neo, người dân có thể chủ động phòng trừ. “Kỹ thuật nuôi cá mú nghệ cũng tương tự các loại cá mú khác.

Trước khi thả nuôi cũng phải cải tạo, xử lý đìa, cá lớn lên thì tách đàn... Nuôi cá mú nghệ đầu tư lớn và thời gian dài nên một khi thị trường có biến động thì người nuôi dễ bị lỗ”, ông Cầu cho hay.

Từ năm 2012 trở về trước, trung bình một hộ nuôi cá mú nghệ thả nuôi khoảng 4.000 con giống, tỷ lệ hao hụt 50%, sau 24 tháng nuôi sẽ thu hoạch được khoảng 20 tấn cá thịt, với giá bán khoảng 210.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lãi hàng tỷ đồng. Tuy cá mú nghệ dễ nuôi, lợi nhuận cao nhưng rất ít hộ nuôi trồng thủy sản tại thị trấn Cam Đức dám đầu tư nuôi loại cá này.

Ông Nguyễn Văn Thư - cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản thị trấn Cam Đức cho biết: “Tại địa phương chỉ có 5 hộ đầu tư nuôi cá mú nghệ. Giai đoạn 2003 - 2012, cá mú nghệ mang lại lợi nhuận rất cao cho người nuôi, nhiều hộ cũng có ý định đầu tư nhưng đây là loại cá “nhà giàu”, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trung bình khoảng 1 triệu đồng/con nên mức độ rủi ro cũng cao hơn, vì thế không ai dám bỏ tiền tỷ để đầu tư nuôi loại cá này”.

Giá bán thấp

Hiện nay, tại thị trấn Cam Đức, hầu hết hộ nuôi cá mú nghệ đang “ôm” cá để chờ giá. Đìa nuôi của ông Phan Hữu Hóa hiện còn hàng trăm con cá mú nghệ đã nuôi hơn 30 tháng, trọng lượng trung bình 15kg/con nhưng ông vẫn chưa xuất bán, nguyên nhân là do giá cá xuống thấp, hiện chỉ còn 150.000 đồng/kg, giảm khoảng 40% so với những năm trước. “Cách đây 30 tháng, tôi thả nuôi 1.300 con cá mú nghệ giống, bây giờ hao hụt chỉ còn lại 600 con.

Tính ra, số tiền đầu tư đến thời điểm này gần 1,5 tỷ đồng. Nếu bán được hết với giá hiện nay thì thua lỗ gần 200 triệu đồng”, ông Hóa tính toán.

Trước đây, cá mú nghệ được xuất khẩu hết sang Đài Loan nên người nuôi không phải lo đầu ra, giá cá luôn duy trì ở mức cao (hơn 200.000 đồng/kg). Ông Phan Hữu Cầu cho biết: “Trước đây, thị trường Đài Loan nhập cá mú nghệ rất mạnh; cứ đến vụ thu hoạch cá chỉ trong vòng 3 - 4 ngày là tôi có thể xuất bán toàn bộ hàng chục tấn cá nuôi.

Không hiểu vì sao 2 năm nay không thấy thị trường này nhập cá mú nghệ. Trước tình cảnh này, người nuôi xuất bán cá thì thua lỗ mà “ôm” cá để chờ giá cũng chẳng xong. Tôi chấp nhận lỗ, bán hết số cá tồn gần 600 con để lấy đìa nuôi thứ khác, nhưng mấy tháng nay chỉ xuất bán lẻ tẻ được gần 100 con”.

Trao đổi với chúng tôi khi đang thu mua cá mú nghệ, bà Nguyễn Thị Sáu, một thương lái cho biết: Những năm trước khi Đài Loan nhập cá mú nghệ nhiều, mỗi ngày tôi có thể thu mua, tiêu thụ hết chục tấn cá. Nay cá mú nghệ chỉ tiêu thụ hạn chế trong nước.

Người ta mua cá chủ yếu để nuôi làm cảnh, hoặc tiêu thụ ở một số ít nhà hàng tại TP. Hồ Chí Minh; một tháng họ chỉ đặt mua vài chục con. Cá mú nghệ hiện tiêu thụ rất khó khăn nên giá giảm là điều khó tránh khỏi.

Ông Lê Văn Đàn - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cam Đức cho biết: “Do giá cá xuống thấp, tiêu thụ chậm nên hiện nay tại địa phương tồn khoảng 3.000 con cá đã nuôi hơn 30 tháng của 5 hộ, với tổng trọng lượng khoảng 50 tấn. Đó là chưa kể số cá nhỏ thả nuôi thời gian ngắn.

Đầu ra khó khăn nên các hộ nuôi đang có ý định quay lưng với đối tượng nuôi đầy tiềm năng này. Một số hộ dự định sẽ tạm nghỉ nuôi cá mú nghệ một thời gian để chờ xem thị trường thế nào rồi mới tính tiếp”.

Cá mú nghệ là đối tượng dễ nuôi, nếu được giá sẽ mang lại thu nhập cao cho người nuôi. Tuy nhiên, đầu ra của loại cá này lại phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Đài Loan. Vì thế, khi thị trường này biến động sẽ khiến người nuôi lâm vào thế bí, bởi bán thì lỗ mà “ôm” cá để chờ giá thì chưa biết đến khi nào mới bán được.


Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Từ Mô Hình VACR Làm Giàu Từ Mô Hình VACR

Với 15ha đồi rừng, 1ha ao thả cá cộng với 2 dãy chuồng nuôi lợn được áp dụng theo mô hình vườn-ao-chuồng-rừng (VACR), gia đình chị Văn Thị Xuân ở tổ 8A, thị trấn Yên Bình (Yên Bình - Yên Bái) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

27/12/2013
Nuôi Cá Trê Tự Phát, Khó Khăn Đầu Ra Nuôi Cá Trê Tự Phát, Khó Khăn Đầu Ra

Từ chỉ vài gia đình, đến nay mô hình cá trê lai bể ở xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế đã phát triển lên con số hơn 200 hộ. Việc tự phát mở rộng sản xuất một cách ồ ạt đã khiến cho đầu ra của sản phẩm ngày càng khó khăn.

08/12/2013
Chị Hiên Làm Giàu Từ Nuôi Lợn Chị Hiên Làm Giàu Từ Nuôi Lợn

Năng động, chăm chỉ, chị Sầm Thị Hiên ở thôn Bản Chang, xã Trúc Lâu (Lục Yên - Yên Bái) đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn.

27/12/2013
Sản Lượng Khai Thác Thủy Sản Của Huyện Tĩnh Gia Đạt 27.000 Tấn Sản Lượng Khai Thác Thủy Sản Của Huyện Tĩnh Gia Đạt 27.000 Tấn

Đến hết tháng 11, sản lượng khai thác thủy, hải sản của huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đạt 27.000 tấn các loại, trong đó khai thác 25.500 tấn, nuôi trồng gần 1.500 tấn. Các cơ sở hậu cần nghề cá, chế biến hàng thủy, hải sản xuất khẩu trên địa bàn cũng thu mua được gần 80.000 tấn thủy, hải sản các loại.

08/12/2013
Nhân Rộng Mô Hình “Vườn Rau Dinh Dưỡng Gia Đình” Nhân Rộng Mô Hình “Vườn Rau Dinh Dưỡng Gia Đình”

Hội Làm vườn và Trang trại TP. Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức sơ kết thực hiện thí điểm mô hình “Vườn rau dinh dưỡng gia đình” tại phường Đakao, quận 1.

27/12/2013