Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa cần nhiều giải pháp

Bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa cần nhiều giải pháp
Ngày đăng: 29/07/2015

Từ câu chuyện bảo tồn heo Kiềng Sắt

Trước tình trạng các nguồn gen bản địa về vật nuôi ngày một thoái hóa do tình trạng lai tạo với giống khác hoặc để cận huyết kéo dài, năm 2013, Trại nghiên cứu thực nghiệm ứng dụng Công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp (thuộc Trung tâm thông tin và ứng dụng Khoa học- công nghệ) nhận nhiệm vụ “Tuyển chọn và lưu giữ giống heo bản địa (heo Kiềng Sắt)”. Heo Kiềng Sắt là giống heo đặc trưng ở khu vực miền núi có khả năng kháng bệnh, chịu nhiệt tốt lại rất dễ nuôi. Với chất lượng thịt thơm ngon, nhiều nạc, ít mỡ nên mỗi ký thịt heo Kiềng Sắt giá dao động từ 120-150 nghìn đồng. Tuy nhiên, do giống heo Kiềng Sắt hiện đã lai tạo với nhiều giống heo khác, đặc biệt là heo Móng Cái nên số cá thể heo Kiềng Sắt thuần chủng ngày một ít dần. Công tác bảo tồn thuần chủng vì thế mà trở nên cấp bách.

Để có thể tìm và tuyển chọn heo Kiềng Sắt đạt yêu cầu, các thành viên của trại nghiên cứu đã phải đến từng gia đình ở các xã vùng sâu, vùng xa nhất của 4 huyện Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng. Ban đầu, việc lựa chọn heo Kiềng Sắt chỉ dựa vào đặc điểm ngoại hình cơ bản là lông đen tuyền toàn thân, da đen, mặt thẳng, mõm khá dài, chân thẳng, thân ngắn và thon, tai nhỏ… nên Trại nghiên cứu thực nghiệm tuyển chọn được 40 cá thể. Tuy nhiên, sau khi thả nuôi, so sánh với tập tính đặc trưng của heo Kiềng Sắt, Trại thực nghiệm lại tiếp tục loại thải 15 con, chỉ giữ lại 25 con heo Kiềng Sắt thuần chủng.

“Tôn trọng” tập tính của heo Kiềng Sắt, Trại nghiên cứu đã cho xây dựng hệ thống chuồng trại theo kiểu gần gũi với thiên nhiên: Có đầy đủ cây cỏ, ao nước cho heo Kiềng Sắt phát triển. Sau hơn 2 năm thả nuôi, đến nay, đã có 8 con heo sinh sản lứa đầu tiên với số lượng 40 con heo con; 2 con sinh sản lứa thứ 2 với số lượng 10 con; 4 con đang mang thai chuẩn bị đẻ lứa thứ 2. Heo con sinh ra khỏe mạnh, tỷ lệ sống đạt 90%. Từ những kết quả sau khi thả nuôi, ông Bùi Ngọc Trúc- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học - công nghệ cho biết: “Heo Kiềng Sắt là loài dễ nuôi khi chỉ ăn chủ yếu rau cỏ và có sức đề kháng rất mạnh. Từ 25 con giống ban đầu, Trại nghiên cứu đã nhân rộng đàn lên khoảng 250 con và đến năm 2016, sẽ tiếp tục mở rộng quy mô lên 500 con”.

Không chỉ Trại nghiên cứu thực nghiệm đã bảo tồn và phát triển thành công giống heo Kiềng Sắt thuần chủng, mà trước đó, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Nông lâm Huế cũng đã nhân rộng được đàn heo Kiềng Sắt tại trang trại chăn nuôi của các hộ dân: Lê Minh Bửu ở xã Hành Phước; Tiêu Tùng ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) và Nguyễn Thành Lộc (Minh Long). Từ những tín hiệu khả quan trên có thể thấy giống heo Kiềng Sắt thích nghi được với điều kiện tự nhiên của nhiều địa phương khác nhau nên nếu nhân rộng, lợn Kiềng Sắt không chỉ là giống bản địa của người miền núi mà còn có thể phát triển được ở cả các huyện đồng bằng.

Đến những trăn trở sau bảo tồn

Vượt qua nhiều trở ngại để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen quý, tuy nhiên, theo ông Võ Thanh Thoại- Giám đốc Trung tâm Thông tin và ứng dụng Khoa học- công nghệ, việc tìm giải pháp để khai thác quỹ gen vào sản xuất sau bảo tồn còn khó khăn hơn rất nhiều.

Cũng theo ông Thoại, dù đề án “Tuyển chọn và lưu giữ giống heo bản địa” mới chỉ phát triển đàn heo Kiềng Sắt ở quy mô 250 con, nhưng cũng đã gặp khó khăn trong tìm thị trường tiêu thụ. Bởi heo Kiềng Sắt tuy có chất lượng thịt rất ngon nhưng lại chưa xây dựng và lan tỏa được thương hiệu nên chưa nhận được sự quan tâm của khách hàng. Vì vậy, chỉ khi nào xây dựng được thương hiệu và gỡ được “nút thắt” về đầu ra, thì Trung tâm mới tiếp tục liên kết với các huyện miền núi trong việc đưa giống heo Kiềng Sắt thuần chủng phát triển trong cộng đồng.

Câu chuyện về bảo tồn và đầu ra cho sản phẩm ở giống bản địa heo Kiềng Sắt đã đặt ra một câu hỏi lớn cho công tác bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm tại tỉnh ta. Bởi ngoài heo Kiềng Sắt, tỉnh ta còn rất nhiều các giống cây trồng, vật nuôi bản địa khác như gà Hrê, quế Trà Bồng, hành, tỏi Lý Sơn… Nếu như chỉ dừng lại ở việc thu thập, phục tráng nguồn gen mà không kết hợp nhiều giải pháp song hành khác trong tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu thì hiệu quả của công tác bảo tồn  khó được phát huy.


Có thể bạn quan tâm

Dưa chuột lông hiếm hoi thoạt nhìn ngỡ chôm chôm Dưa chuột lông hiếm hoi thoạt nhìn ngỡ chôm chôm

Với vẻ ngoài xù xì và nhiều lông, khó có thể tin vào mắt mình rằng chúng chính là trái dưa chuột lông chứ không phải là trái chôm chôm thường thấy.

10/10/2015
Có chất gây ung thư trong thức ăn chăn nuôi Có chất gây ung thư trong thức ăn chăn nuôi

Các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT vừa công bố một phát hiện gây sốc, đó là ngoài chất tăng trọng lợn, chất vàng ô (VAT Yellow - dùng trong công nghiệp dệt, nhuộm, giấy, xây dựng) cũng được dùng để trộn vào thức ăn chăn nuôi.

10/10/2015
Không còn lo đi cõng nước, buôn làng hết dịch bệnh Không còn lo đi cõng nước, buôn làng hết dịch bệnh

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Lâm Đồng, gần 40.000 lượt gia đình ở địa phương này đã có được nguồn nước sạch, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống...

10/10/2015
Khi giáo sư Nhật cùng ngư dân Việt đánh bắt cá ngừ Khi giáo sư Nhật cùng ngư dân Việt đánh bắt cá ngừ

Lần đầu tiên, giáo sư, chuyên gia Nhật Bản về lĩnh vực câu cá ngừ đại dương đã cùng các kỹ sư và ngư dân Việt Nam tham gia đánh bắt thử nghiệm cá ngư đại dương trên biển bằng ngư cụ hiện đại từ nước Nhật.

10/10/2015
3 giảm 3 tăng hiệu quả với cây lúa SRI 3 giảm 3 tăng hiệu quả với cây lúa SRI

Được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện dự án “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa”.

10/10/2015