Bảo Hiểm Nông Nghiệp Bồi Thường Cho Thủy Sản Chiếm Tới 95%

Qua 3 năm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm là hơn 700 tỷ đồng; trong đó, thủy sản là 669,5 tỷ đồng (chiếm 95,4%)...
Ngày 27/6, Bộ Tài chính cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013. Công tác thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nông thôn được triển khai tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước với 3 loại hình sản phẩm là cây lúa, vật nuôi và thủy sản (tôm, cá).
Qua 3 năm thực hiện, có 304.017 hộ nông dân/tổ chức tham gia bảo hiểm nông nghiệp, trong đó có 233.361 hộ nghèo (chiếm 76,8%), 45.944 hộ cận nghèo (chiếm 15,1%), 24.711 hộ thường (chiếm 8,1%), 1 tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Nghệ An là tỉnh có số lượng hộ tham gia bảo hiểm nhiều nhất, chiếm 50,3%, kế đến là Thái Bình, Nam Định. Có 236.397 hộ nông dân/tổ chức tham gia bảo hiểm cây lúa; 60.133 hộ nông dân tham gia bảo hiểm vật nuôi; 7.487 hộ nông dân tham gia bảo hiểm thủy sản.
Tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng, trong đó cây lúa là 2.151 tỷ đồng, vật nuôi là 2.713,2 tỷ đồng, thủy sản là 2.883,7 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm là 394.000 triệu đồng, trong đó, thủy sản là 218.175 triệu đồng (chiếm 55,37%); cây lúa là 91.919 triệu đồng (chiếm 23,33%); vật nuôi là 83.906 triệu đồng (chiếm 21,3%).
Về bồi thường bảo hiểm, tính đến thời điểm ngày 20/6, tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm là 701,8 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm là 178,1%; trong đó, thủy sản là 669,5 tỷ đồng (chiếm 95,4%), cây lúa là 19 tỷ đồng (chiếm 2,7%%) và vật nuôi chiếm thấp nhất, chỉ 13,3 tỷ đồng (chiếm 1,9%).
Hội nghị nhận định, thực tiễn triển khai hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp là hết sức đúng đắn, bởi đây là chính sách nhằm ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; tạo cho người sản xuất nông nghiệp ý thức và thói quen tuân thủ quy trình sản xuất, canh tác, nuôi thủy sản để tiến tới nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Hội nghị cũng làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp như: đây là loại hình bảo hiểm mới, phạm vi địa bàn khá rộng, đặc điểm canh tác, nuôi trồng ở các địa phương cũng có sự khác nhau, bệnh dịch, thiên tai xảy ra nhiều.
Các hộ dân tham gia chưa được nhiều, đặc biệt là hộ thường (không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo), vì vậy cũng có khó khăn trong việc lấy số đông bù rủi ro theo quy tắc bảo hiểm. Công tác chỉ đạo ở một vài địa phương có nơi, có lúc còn chưa thực sự quyết liệt.
Trên cơ sở kết quả công tác thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, các bộ, ngành Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh báo cáo tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết thúc chương trình thí điểm và nghiên cứu khả năng thực hiện trong thời gian tới, theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể chủ động thực hiện, đảm bảo nguyên tắc bảo hiểm cũng như tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây phong trào trồng khoai lang xuất khẩu phát triển rầm rộ ở các tỉnh ĐBSCL, giúp nhiều hộ làm giàu, nhưng cũng có hộ thua lỗ bởi giá cả bấp bênh. Vấn đề đặt ra là tìm mô hình phát triển bền vững nghề trồng khoai lang xuất khẩu…

Sở NN-PTNT cho biết, vụ Hè Thu năm nay, tỉnh ta có kế hoạch sản xuất 54.115 ha cây trồng, gồm 41.270 ha lúa và 12.845 ha hoa màu. Trong đó, lúa vụ Hè là 14.961 ha gieo sạ từ ngày 20.3-10.4, lúa vụ Thu 26.309 ha gieo sạ từ ngày 11.5.

Vụ Đông Xuân 2013-2014, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư (Sở NN-PTNT tỉnh) đã phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng 7 mô hình (thâm canh lúa nước vùng cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng lúa Đông Xuân- đậu phụng Hè Thu, trình diễn các giống lúa mới, thâm canh giống lúa thuần chịu phèn mặn, nhân nuôi bọ đuôi kìm phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa, rau an toàn, bắp lai giống mới).

Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi liên tục phải đối mặt với những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, mất giá, không tiêu thụ được sản phẩm... Nông dân chịu thua lỗ nặng nề và sản xuất trong tâm trạng bất an.

Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn (Cà Mau) đã hoàn thiện các thủ tục điều kiện đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể đối với thương hiệu cua Năm Căn.