Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bảo Đảm Nước Tưới Cho Lúa Chiêm Xuân

Bảo Đảm Nước Tưới Cho Lúa Chiêm Xuân
Ngày đăng: 11/03/2014

Vụ chiêm xuân 2013 – 2014, toàn tỉnh gieo cấy 8.273ha, đạt 98,25% kế hoạch. Để đảm bảo nước tưới cho lúa chiêm xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp cung cấp nguồn nước, kịp thời cho cây lúa.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi Điện Biên, năm nay thời tiết có những diễn biến phức tạp, có thể xảy ra hạn hán. Trước tình hình đó, Chi cục Thủy lợi đã chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước của từng công trình.

Ông Nguyễn Văn Định, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Đến thời điểm này, 11 hồ chứa nước trên địa bàn đảm bảo cung ứng đủ lượng nước phục vụ diện tích lúa chiêm xuân. Để có lưu lượng nước cung ứng tốt nhất, Chi cục Thuỷ lợi thường xuyên phối hợp tăng cường kiểm tra, điều phối mực nước chứa tại các hồ, tập trung điều tiết nước ổn định.

Nguồn nước cung cấp cho phần lớn diện tích lúa phụ thuộc vào các hồ đập; việc bơm dẫn nước tới các khu vực sản xuất đều bằng hình thức tự chảy, thông qua các kênh dẫn. Do đó để bảo đảm đầy đủ lượng nước tưới phục vụ sản xuất vụ chiêm xuân, thời gian vừa qua Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên đã xây dựng kế hoạch lấy nước ngay từ đầu vụ, bố trí các máy bơm dã chiến và đặc biệt quan tâm đến công tác khơi thông dòng chảy tại các kênh mương.

Hiện, Công ty quản lý 9 hồ chứa nước, tổng dung tích hữu ích hơn 45 triệu mét khối với gần 40km kênh cấp 1 và hơn 600km kênh cấp 2 phục vụ tưới tiêu cho lúa, nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống, cắt lũ cho lòng chảo Điện Biên.

Trong đó, hồ Pa Khoang là hồ chứa có dung tích lớn nhất, do khu vực đầu nguồn kết hợp với suối Hua Rốm và Nậm Khẩu Hu nên lưu lượng nước tương đối ổn định, với diện tích mặt nước 333ha. Hồ Pa Khoang có thể đạt năng lực tưới tiêu mạnh nhất lên tới 4m3/s và thời điểm mực nước thấp nhất là 0.30m3/s.

Ông Trương Công Tam, Phó phòng Kinh tế Tổng hợp, Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên cho biết: Để đảm bảo nước tưới cho lúa chiêm xuân 2014, đơn vị đã chủ động tích nước các hồ chứa trong toàn hệ thống theo quy trình.

Cùng với đó, đơn vị đã chỉ đạo Trạm Thủy nông các huyện, xã phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát lại diện tích để nhằm bảo đảm nguồn nước tưới hợp lý, tránh gây thiệt hại cho bà con. Đồng thời tận dụng tối đa các nguồn nước và điều kiện công trình để tưới tự chảy, nhằm giảm thời gian bơm tưới của các trạm bơm.

Bên cạnh đó, Công ty đã chủ động đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích nước từ trong lũ để có đủ nước phục vụ tưới cho sản xuất năm 2014. Theo đó, từ tháng 11/2013, đơn vị đã bắt đầu tích nước ở các hồ chứa thủy lợi. Hiện mực nước tích được ở các hồ chứa đều vượt cao trình thiết kế, cụ thể: Hồ Pa Khoang đạt 37,2 triệu mét khối; Hồng Sạt đạt 2,25 triệu mét khối, Pe Luông đạt 2,8 triệu mét khối…

Với mực nước tích được hiện nay ở các hồ chứa sẽ đảm bảo nguồn nước tưới cho các xứ đồng hưởng nước từ các hồ này. Cũng theo ông Tam, năm nay nguồn nước ở các hồ, đặc biệt là hồ Pa Khoang nước trữ cao hơn với mọi năm gần 2m. Do vậy, đảm bảo nguồn nước tưới cho lúa chiêm xuân 2013 – 2014.

Đối với diện tích lúa chiêm xuân trên kênh (96,52ha) tập trung trên địa bàn xã Thanh Minh và Tà Lèng (thuộc thành phố Điện Biên Phủ) nước từ kênh đại thủy nông Nậm Rốm không đến được, Công ty đã điều tiết nước từ các công trình thủy lợi như Púng Tôm, Huổi Loi, Co Củ, đập Na Ít để đảm bảo không thiếu nước.

Đồng thời cấp nước theo hình thức luân phiên, chỉ mở cửa để người dân lấy được nước vừa và đủ rồi lại đóng, tránh tình trạng dư thừa nước. Còn đối với diện tích cuối kênh (hơn 3.000ha) tập trung ở các xã như: Sam Mứn, Pom Lót, Noong Luống (huyện Điện Biên)…

Công ty đã tăng cường lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương tập trung đợt cao điểm ưu tiên dẫn nước luân phiên vào đồng ruộng một số xã vùng cuối kênh; bố trí cán bộ, công nhân theo dõi sát sao sự thiếu nước, hoặc nước không đến được nơi cuối kênh, công ty sẽ sử dụng biện pháp tưới đồng thời (xả nước cả 2 kênh).

Tại các cụm thủy nông (đầu mối phân phối nước tại các hồ và đập đầu mối) công ty bố trí cán bộ, công nhân trực 24/24 giờ sẵn sàng điều tiết nước theo yêu cầu. Tại các cửa xả, Công ty bố trí công nhân vận hành điều tiết nước tưới đảm bảo đủ nước cho lúa sinh trưởng, hạn chế tối đa lãng phí nước.

Ngoài các giải pháp chính nêu trên, Công ty thủy nông còn áp dụng phương án dự phòng, đó là trong trường hợp khi nguồn nước ở các hồ giảm, sẽ tiến hành điều tiết tăng cường lượng nước từ các hồ Huổi Phạ (có diện tích mặt nước 35ha để dự phòng, đảm bảo chứa và cấp nước bổ sung, trong trường hợp xảy ra hạn hán sẽ tháo nước hỗ trợ; dự trữ các máy bơm điện đề phòng khi thiếu nước ở các xã cuối kênh.

Cùng với việc tu bổ các công trình kênh mương thủy lợi, các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động các biện pháp tích nước, sử dụng nước tiết kiệm và chủ động phương án phòng chống hạn có thể xảy ra, bảo đảm kênh dẫn nước thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng.

Đến nay, hơn 8.000ha lúa trên địa bàn tỉnh cơ bản cấp đủ nước tưới đảm bảo cho vụ sản xuất chiêm xuân 2014 đạt kết quả cao cả về năng suất, sản lượng và chất lượng.


Có thể bạn quan tâm

Khánh Hòa Đã Có Rau Sạch Đạt Chuẩn VieGAP Khánh Hòa Đã Có Rau Sạch Đạt Chuẩn VieGAP

Xây dựng quy trình thực hành sản xuất theo 4 tiêu chí này, sản phẩm rau của bà con nông dân xã Ninh Đông - Thị xã Ninh Hòa đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 thuộc Cục quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản cấp chứng nhận VietGAP.

01/10/2014
Diện Tích Tiêu Chết Vì Bị Bệnh Tăng Nhanh Diện Tích Tiêu Chết Vì Bị Bệnh Tăng Nhanh

Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Trung tâm Bảo vệ Thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hồ tiêu toàn tỉnh Bình Phước hiện có 11.600 ha, tăng hơn 1.000 ha so năm 2013. Tuy nhiên diện tích tiêu chết vì bệnh đang tăng nhanh. Sâu bệnh gây hại chủ yếu trên hồ tiêu là tuyến trùng với 976 ha, rệp sáp là 393 ha.

01/10/2014
Sâu Đục Thân Gây Hại Gần 1.000 Ha Mía Sâu Đục Thân Gây Hại Gần 1.000 Ha Mía

Niên vụ 2014 - 2015, Tân Châu (Tây Ninh) có trên 6.800 ha mía. Theo Trạm bảo vệ thực vật huyện, diện tích cây mía bị sâu đục thân gây hại lên đến gần 1.000 ha, trong đó xã Tân Hưng có trên 240 ha, Tân Thành gần 200 ha, Suối Dây trên 160 ha… với tỷ lệ nhiễm từ 5 - 15%.

01/10/2014
Mô Hình Xen Canh Rau Màu Trong Vườn Cao Su Cho Hiệu Quả Cao Mô Hình Xen Canh Rau Màu Trong Vườn Cao Su Cho Hiệu Quả Cao

Những năm gần đây, người dân ở phường Hòa Lợi, TX. Bến Cát (Bình Dương) đã tận dụng diện tích đất trong vườn cao su, đất xung quanh nhà phát triển mô hình trồng rau màu đạt hiệu quả cao. Các loại rau màu chủ yếu được trồng là dưa leo, ớt, khổ qua, bầu, bí, cải xanh... Bình quân 1 ha đất trồng dưa leo xen với cây cao su, người nông dân có thể thu về 2 - 3 tấn/ ngày, sau khi trừ chi phí cho lãi 1 - 1,5 triệu đồng/ngày. Anh Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Lợi cho biết, tình trạng giá cao su giảm mạnh trong thời gian gần đây đã làm cho các hộ trồng cao su trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, lợi nhuận thu được từ mô hình trồng rau màu xen canh đã góp phần giúp nhiều gia đình khắc phục những khó khăn trước mắt, cải thiện cuộc sống.

01/10/2014
Rau An Toàn Khó Phát Triển Rau An Toàn Khó Phát Triển

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh vừa sơ kết thực hiện quy hoạch sản xuất, phát triển và tiêu thụ rau an toàn (RAT) trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, khoảng cách giữa mục tiêu phát triển và thực tế còn rất... xa!

01/10/2014