Bài Học Từ Nuôi Tôm Trái Vụ

Người nuôi tôm trái vụ như đang đánh bạc với trời khi phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nhưng giá của tôm trái vụ tăng từ 30 - 50 nghìn đồng/kg so với tôm chính vụ, nên nhiều người vẫn bất chấp khuyến cáo, đổ xô thả nuôi tôm…
Thả tôm, thu... nợ
Mặc dù các ngành chức năng Quảng Ngãi đã khuyến cáo người dân tránh thả nuôi tôm sau tháng 7 để cải tạo ao nuôi, tập trung cho tôm chính vụ. Thế nhưng, ở nhiều địa phương người nuôi vẫn bất chấp khuyến cáo, thả nuôi tôm trên diện rộng.
Đã 4 năm thả nuôi tôm, nhưng đều gặt “nợ”, ông Phan Tấn Trọng (Phổ Quang, Đức Phổ) luân phiên từ nuôi tôm chính vụ đến trái vụ để mong vớt vát tiền vốn. Nhưng rồi lỗ chồng lỗ. Tôm trái vụ chết hàng loạt, ảnh hưởng đến cả tôm chính vụ nên 4 năm qua ông Trọng chẳng lãi được đồng nào.
Ông Nguyễn Văn Năm - Trưởng phòng Thủy sản, Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Theo lịch thời vụ, thời gian thả nuôi tôm thích hợp nhất là từ tháng 3 đến tháng 7. Tuy nhiên, vì chạy theo lợi nhuận nên nhiều nông dân vẫn thả nuôi trái vụ, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng”. Cũng theo ông Năm, vào mùa mưa, thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ lại xuống thấp nên con tôm rất dễ mắc bệnh gan tụy, phân trắng, đốm trắng.
Tiền trôi theo nước
Bỏ ngoài tai những rủi ro về thời tiết khi nuôi tôm trái vụ, hàng trăm hộ nuôi tôm trong tỉnh đã phải trả giá đắt trong đợt lũ vừa qua. 35 ha tôm ở Đức Phổ, 26 ha ở Sơn Tịnh, 47 ha ở Tư Nghĩa… bị sạt lở, bồi lấp đã mang theo biết bao tiền của, mồ hôi, công sức của người nông dân.
Đến vùng chuyên nuôi tôm tại Vùng 2, Phổ Quang (Đức Phổ), cả trăm hồ tôm của người dân đều đã bị cát bồi lấp. Hệ thống đê kè, bờ đắp nuôi tôm bị sạt lở nghiêm trọng. Toàn bộ trang thiết bị, thức ăn nuôi tôm trong các chòi canh đều đã bị nước lũ cuốn phăng.
Nhìn toàn bộ hồ đầm và hệ thống bờ kè đã bị lũ tàn phá tan hoang, ông Huỳnh Tấn Lập ở xã Phổ Quang, nghẹn ngào: “5 hồ tôm với diện tích 1,3 ha của gia đình tôi gần đến ngày thu hoạch nay không còn một con! Hồ vỡ. Tôm mất. Giờ muốn sửa chữa, cải tạo lại cũng phải mất hơn 500 triệu đồng. Riêng tiền tôm thì tôi mất trên 1 tỷ đồng. Biết đến bao giờ mới làm lại được!”.
Thuê người chài thử ao tôm với hy vọng vớt vát được chút ít, nhưng ông Nguyễn Văn Khương cũng đành thở dài khi bủa lưới khắp hồ mà chẳng con tôm nào dính lưới. Gần 3 tấn tôm sắp tới ngày thu hoạch, 1 tấn tôm mới thả…bao nhiêu vốn liếng mà gia đình dồn vào con tôm đều đã trôi theo nước lũ. Ngay cả thành hồ rộng hơn 3m cũng bị lũ đánh sập, cuốn phăng.
Theo ông Lê Thanh Tân - Phó trưởng Phòng NN và PTNT huyện Đức Phổ: Chỉ tính riêng thiệt hại về tôm, trung bình mỗi hécta, người nông dân bị mất trắng từ 500 - 700 triệu đồng. Đấy là chưa kể chi phí khắc phục, sửa chữa lại hồ nuôi để tiếp tục thả nuôi vụ mới. Bởi nhiều đoạn đê quai bị nước lũ khoét sâu đến 4-5m”.
Lỗ chồng lỗ, bỏ hồ tôm thì không còn khả năng trả nợ, tiếp tục theo đuổi thì đành chấp nhận rủi ro. Bài học từ nuôi tôm trái vụ năm nay liệu có đủ để cảnh báo?
Có thể bạn quan tâm

Ông Ngô Văn Sơn, nông dân xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai), cho biết tại các lễ hội “Trái cây Nam bộ năm 2013” đang diễn ra ở Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh) và “Lái Thiêu mùa trái chín” khai mạc sáng 8-6, ông đều mang đến giới thiệu trái bưởi hồ lô. Đây là nhà vườn đầu tiên ở Vĩnh Cửu tạo được trái bưởi hồ lô bán trên thị trường.

Thông qua mô hình SX thử nghiệm ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thường Xuân, Thiệu Hóa... (Thanh Hóa), những tưởng giống ngô nếp lai tím Fancy 111, Fancy 212 do Cty Advanta phân phối sẽ phát triển rầm rộ, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Nhưng sau một thời gian, giống ngô này gần như “chết yểu”.

Khóm Cầu Đúc là một trong những đặc sản của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, thu nhập của người trồng khóm chưa được đảm bảo, do giá cả bấp bênh. Vì vậy, cần có giải pháp để nâng cao giá trị cho loại nông sản này, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế cho người trồng khóm.

Tháng 9/2012, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên Đông triển khai trên địa bàn xã Keo Lôm, Dự án Hỗ trợ mô hình trồng lạc giống mới TB 25. Đây là một trong những hợp phần của Chương trình 135/CP giai đoạn II nhằm hỗ trợ nhân dân các dân tộc vùng cao trên địa bàn huyện phát triển trồng trọt. Dự án mở ra hướng mới cho việc phát triển cơ cấu cây trồng, tận dụng và cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn.

Thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi có thế mạnh về sản xuất lúa, chăn nuôi và nuôi một số loài thủy sản có giá trị kinh tế. Những năm qua được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó kinh tế địa phương ngày càng phát triển hơn. Điển hình trong số những nông dân làm kinh tế giỏi của thị trấn Châu Hưng là ông Giang Đông Nuol ngụ tại ấp Nhà Thờ với mô hình nuôi cá bống tượng theo hình thức dây chuyền khép kín.